Tranh chấp người "kế vị" và giải pháp đột phá ở những tập đoàn gia đình trị

31/03/2018 09:24 AM | Kinh doanh

Trên khắp thế giới, các công ty gia đình đã sáng tạo ra những giải pháp độc đáo để giải quyết những vấn đề cũng "độc nhất vô nhị" và ngày càng thành công hơn.

Bạn không thể chọn con trai nhưng có thể chọn con rể

Người Nhật đã "phát minh" ra cách để giải quyết những vấn đề mà một tập đoàn sẽ mắc phải khi có những người thừa kế đáng thất vọng. Cách tốt nhất là thuyết phục con gái của bạn kết hôn với một chàng trai tài giỏi, đúng như câu ngạn ngữ "Bạn không thể chọn con trai nhưng có thể chọn con rể". Một cách khác là nhận nuôi nhân viên sáng giá nhất của công ty, hoặc cũng có thể kết hợp cả hai cách kể trên: biến nhân viên sáng giá thành con rể.

Tập đoàn Xây dựng Kajima và Suzuki Motors đã được điều hành bởi những người thừa kế ngoại tộc suốt 3 thế hệ gần đây. Osamu Suzuki – vốn cũng là một người con nuôi của gia đình – đã chọn con rể làm người kế vị. Giải pháp này không chỉ giúp các công ty gia đình thu hút nhân tài từ bên ngoài mà còn tạo nên áp lực cạnh tranh đối với những người thừa kế chính thống.

Giải pháp của người Nhật vẫn chưa được nhân rộng ra thế giới. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, các công ty gia đình đã sáng tạo ra những giải pháp độc đáo để giải quyết những vấn đề cũng "độc nhất vô nhị" và ngày càng thành công hơn. Cuối cùng thì các nhà nghiên cứu về quản trị cũng bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các công ty gia đình.

Thách thức lớn nhất đối với các công ty gia đình là làm thế nào để bảo tồn được quyền kiểm soát nhưng vẫn cạnh tranh được với các công ty đại chúng trong việc huy động vốn. Một giải pháp là gắn chặt với một thị trường cụ thể: nhiều công ty Mittelstand (doanh nghiệp nhỏ và vừa) của Đức có được thành công nhờ từ chối cạnh tranh với các ông lớn. Chiến lược thứ hai là tạo mối quan hệ thân thiết với một ngân hàng ở địa phương. Đây từng là chiến lược quan thuộc với những người Quaker ở Anh nói riêng và nhiều dòng tộc ở châu Âu nói chung. Tuy nhiên, cách tốt nhất sẽ là xây dựng công ty theo cấu trúc "kim tự tháp". Với cấu trúc này bạn hoàn toàn có thể tách bạch hai yếu tố thu nhập và quyền kiểm soát.

Cấu trúc kim tự tháp

Yoshisuke Aikawa, người sáng lập tập đoàn ô tô Nissan, cho rằng kim tự tháp là giải pháp hoàn hảo nhất cho cái mà ông gọi là "thế khó của ông chủ". Nếu người đứng đầu chỉ sử dụng tiền của chính mình và gia đình, quy mô hoạt động của công ty sẽ rất hạn chế. Nếu tiếp cận với thị trường vốn, ông đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát. Tuy nhiên, cấu trúc kim tự tháp sẽ cho phép cả hai điều này. Gia đình kiểm soát công ty sẽ nằm ở đỉnh của kim tự tháp và nắm giữ 51% cổ phần. Các mức tiếp theo dần dần giảm xuống. Cấu trúc này cho phép các gia đình vẫn giữ được quyền lực tối đa xét trên khoản đầu tư của họ, trong khi nhà đầu tư bị động thu được mức lợi nhuận tối đa. Nhà Wallenberg (Thụy Điển) và nhà Agnelli (Italy) nắm được nhiều phần của nền kinh tế quốc gia thông qua cấu trúc này.

Cách thứ hai là phát hành cổ phiếu hai tầng (dual-class), tức là có nhiều loại cổ phiếu khác nhau với các quyền khác nhau, trong đó cổ phiếu loại cao cấp hơn sẽ có quyền biểu quyết mạnh hơn. Có rất nhiều lựa chọn cho các cổ phiếu hai tầng: cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết đối với các cổ đông không phải là người trong gia đình, cổ phiếu sở hữu chéo, cổ phiếu vàng với các quyền đặc biệt (ví dụ như ngăn chặn việc bán công ty)… Nhà Wallenberg cung cấp 40% vốn cho Investor nhưng kiểm soát tới 80% quyền bỏ phiếu.

Cách thứ ba để tách bạch giữa thu nhập và quyền kiểm soát là giao quyền sở hữu công ty cho một quỹ tín thác. Rất nhiều trong số các tập đoàn lớn nhất thế giới (trong đó có New York Times, Walmart và Ford) đang được sở hữu bởi các quỹ tín thác. Nhiều công ty gia đình thành công ở Đức và Bắc Âu được giao phó cho các quỹ, trong đó có những cái tên như Bertelsmann, Heineken, Carlsberg, Robert Bosch, Novo Nordisk và Maersk. Các quỹ tín thác không chỉ giúp các gia đình giữ hoàn toàn quyền kiểm soát mà còn rèn được tính kỷ luật: những vị trí trong quỹ có thể thuộc về những thành viên tài năng nhất và làm việc chăm chỉ nhất của gia đình.

Một thách thức lớn khác là làm thế nào để chuyên nghiệp hóa quy trình quản lý mà không đánh mất đi gốc rễ. Cách lý tưởng nhất là đào tạo các thành viên trở thành người chuyên nghiệp. John Elkann, Chủ tịch của Fiat, đã lặng lẽ giấu tên và làm việc trong nhiều công ty con của gia đình trước khi trở thành người đứng đầu. Tất cả các thành viên trong gia đình Mulliez đều phải trải qua quá trình học việc gian khổ.

Trên tất cả, kỹ năng quan trọng nhất đối với bất kỳ công ty gia đình nào là điều hành gia đình cho tốt. Những nhà quản lý chuyên nghiệp chỉ có thể làm được một thứ duy nhất: quản lý công ty mà họ làm việc cho. Trong khi đó những người chủ gia đình phải quản lý được cả công ty và cả gia đình của mình.

Theo Thu Hương

Từ khóa:  người nhật
Cùng chuyên mục
XEM