Trần Ngọc Bích khai bị..."mất trộm" hơn 5.000 tỷ nhưng 1 năm sau mới biết

25/07/2016 13:56 PM | Xã hội

Trần Ngọc Bích khai rằng có thời điểm giao dịch với VNCB tới 6 nghìn tỷ. Bị cáo cũng không công nhận việc có quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh.

Sáng nay, tòa tiếp tục phần thẩm vấn liên quan đến việc Phạm Công Danh và đồng phạm rút gần 5.200 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích nhưng không có chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay.

Bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Tân Hiệp Phát mở đầu phần thẩm vấn. Bà Bích cho hay, bà có quan hệ tín dụng với Ngân hàng VNCB từ tháng 6/2012, lúc đó, ngân hàng VNCB còn đang mang tên Ngân hàng Đại Tín. Theo Giám đốc Tân Hiệp Phát, quan hệ giữa bà và tổ chức tín dụng là khi ngân hàng này mời gửi tiền, và bà cũng có vay tiền của ngân hàng này.

Theo bà Bích, giao dịch với nhiều ngân hàng, trong đó Ngân hàng VNCB do ngân hàng này có lãi suất công bố cao hơn so với các ngân hàng khác nên đến gửi tiền. Lúc đó, ngân hàng khác lãi suất là 9% nhưng VNCB khoảng 10%. Do gửi số tiền lớn, nên bà Bích giao dịch trực tiếp với Hoàng Đình Quyết – bị cáo trong vụ án này.

"Tôi làm việc với Ngân hàng xây dựng từ lâu nên chỉ làm việc với anh Quyết, không làm việc với anh Danh. Có thời điểm tôi giao dịch khoảng 6 nghìn tỷ", Giám đốc Tân Hiệp Phát khai tại tòa.

Nói về mối quan hệ với Phạm Công Danh, bà Bích khẳng định, không quan hệ tín dụng với bị cáo Phạm Công Danh. Bà Bích thừa nhận, trong quan hệ tín dụng, có vay tiền của VNCB. Số tiền vay luôn thấp hơn số tiền gửi. Lúc đó tài sản đảm bảo bằng chính số tiết kiệm tại ngân hàng xây dựng.

Bà Bích thừa nhận lúc làm việc với VNCB thì bà có biết bà Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi). Khi đó, Trang giới thiệu là Giám đốc nguồn vốn. Trang biết bà Bích có nhu cầu vay ra nên Trang đề nghị cho Bích vay lại.

Đối chứng với lời khai của Hoàng Đình Quyết – nguyên PGĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn cho rằng, số tiền 5.200 tỷ đồng chuyển cho bị cáo Phạm Công Danh có sự đồng thuận của bà Bích, Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát phủ nhận và xác nhận không có ủy nhiệm chi số tiền trong tài khoản của bà cho biết kỳ ai.

Theo bà Bích, tháng 7/2014, cơ quan điều tra mời bà hỏi về việc vay và gửi tại VNCB. Cơ quan điều tra, cung cấp thông tin tài khoản của bà không còn tiền thì lúc đó bà mới biết.

Nói rõ quan điểm của mình, bà Bích cho biết: "Giao dịch với VNCB vì tin ngân hàng. Tiền trong tài khoản của tôi mà tôi không đồng ý cũng như không có chữ ký chuyển tiền thì không thể chuyển tiền của tôi đi. Tôi kiến nghị tòa xem xét để giúp tôi lấy tiền trong sổ tiết kiệm tại VNCB của tôi".

Liên quan đến việc vay số tiền 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, bà Bích cũng khẳng định không chỉ đạo nhân viên vay tiền 300 tỷ bằng việc cầm cố 6 sổ tiết kiệm. Theo bà Bích lúc đó bà có ý định vay nhưng do sau đó không cần tiền nữa nên không vay nữa.

Trong buổi sáng nay, Vũ Anh Tuấn và Nguyễn Tấn Lộc đều là nhân viên giao nhận chứng từ của Tân Hiệp Phát cũng được triệu tập tại tòa. Chủ tọa yêu cầu họ trả lời về chứng từ liên quan đến sổ sách kế toán giao nhận với VNCB. Tuy nhiên, cả hai đều khẳng định chỉ có nhiệm vụ giao nhận chứng từ mà không hề biết nội dung của những cuộc giao nhận.

Cũng trong nội dung liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích và số tiền gần 5.500 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – đại diện ủy quyền theo pháp luật của nhóm Trần Ngọc Bích khẳng định, việc vay tiền ngân hàng VNCB thì số tiền giải ngân được chuyển vào tài khoản của những người vay. Sau đó, số tiền này được chuyển về tài khoản của bà Trần Ngọc Bích.

Việc chuyển tiền về tài khoản của Bích của những người trong nhóm là để chủ động trong hợp tác kinh doanh. Việc chuyển tiền là do những người trong nhóm tin tưởng, chuyển tiền để bà Bích linh động trong sử dụng nguồn vốn.

Trong thời gian nghỉ giải lao thì Hội đồng xét xử nhận được kiến nghị của các luật sư của ông Phạm Công Danh rằng VNCB cung cấp tài liệu, chứng từ liên quan giao dịch giữa ngân hàng và nhóm Bích. Tòa cho biết là đó quan hệ dân sự, tòa chưa xem xét vấn đề này. Các vấn đề khác đã có đủ trong cáo trạng và tòa sẽ hỏi thêm tại các phiên xét xử.

Theo Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM