Trận chung kết AFF Cup là tác nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội xấu đi

17/12/2018 15:30 PM | Xã hội

Trước và sau trận chung kết AFF Cup, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến, phát sinh khí thải, làm tăng lượng khói bụi, khiến chất lượng không khí Hà Nội bị ảnh hưởng xấu.

Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) vừa công bố chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong ngày trên địa bàn, tính từ 15h ngày 15/12 đến 14h ngày 16/12.

Cụ thể số liệu được cập nhật vào lúc 14h ngày 16/12 như sau: Trung Yên 3: 94 (Trung bình); Minh Khai - Bắc Từ Liêm: 101 (Kém); Hoàn Kiếm: 105 (Kém); Hàng Đậu: 103 (Kém); Kim Liên: 91 (Trung bình); Thành Công: 90 (Trung bình); Tân Mai: 89 (Trung bình); Mỹ Đình: 78 (Trung bình); Phạm Văn Đồng: 106 (Kém); Tây Mỗ: 62 (Trung bình).

Nhìn chung, chất lượng không khí trong ngày tại các điểm quan trắc tại Hà Nội ở mức trung bình. So với hôm 15/12, cả 10 chỉ số AQI đều tăng. 4 khu vực có chất lượng không khí ở mức kém đều là những điểm giao thông như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu và Hoàn Kiếm.

 Trận chung kết AFF Cup là tác nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội xấu đi  - Ảnh 1.

AQI tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội từ 15h ngày 15/12 đến 14h ngày 16/12.

Nguyên nhân là do thời tiết hơi hanh khô, độ ẩm khá thấp, không có mưa, các khí thải khói bụi không phát tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại bề mặt trái đất khiến cho nồng độ các chất ô nhiễm giảm rất chậm, do đó chỉ số không khí trong ngày tăng cao.

Ngoài ra, trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình tối 15/12 cũng là một tác nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội xấu đi nhanh chóng.

Theo đó, từ chiều 15/12, nhiều đoàn dài các phương tiện đã đổ về khu vực sân vận động theo dõi trực tiếp trận chung kết, đặc biệt, sau chiến thắng hàng vạn cổ động viên đã xuống đường khiến giao thông bị ùn ứ.

Đoàn người cổ vũ diễu hành chậm qua các tuyến phố đến sáng 16/12 mới giải tán hết. Do lượng phương tiện giao thông tăng đột biến trên đã phát sinh khí thải, làm tăng lượng khói bụi, qua đó khiến các chỉ số AQI tăng cao.

Theo bảng quy đổi giá trị chỉ số chất lượng không khí, nếu chất lượng không khí ở mức tốt sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe; mức trung bình khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài; mức kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài…

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM