Trạm thu phí không dừng: Viettel sắp nhảy vào cạnh tranh với Tasco

15/03/2017 08:41 AM | Kinh doanh

Trạm thu phí không dừng là đề án được bộ GTVT công bố và áp dụng từ 2015 tại các trạm thu phí BOT theo hình thức hợp đồng BOO. Được đánh giá là một hình thức đầu tư PPP hấp dẫn, khả năng hoàn vốn cao, mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng hiện nay Bộ GTVT mới cấp phép cho 2 công ty.

Thị trường “thu phí không dừng” đang là của ai?

Theo tính toán của Bộ GTVT, nhà đầu tư sẽ thu về khoảng 3,5 tỷ đồng cho mỗi làn trạm thu phí không dừng (ETC) trong 3 năm đầu. Từ năm thứ 4 đến năm thứ 8, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 8% tổng doanh thu của trạm, từ năm thứ 9 đến năm thứ 13, bằng 9% tổng doanh thu của trạm, từ năm thứ 14 trở đi, bằng 10% tổng doanh thu của trạm.

Sau đó, tháng 6/2016 một nhà đầu tư khác là Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ hạ tầng VIETIN cũng đã được Bộ GTVT phê duyệt thực hiện dự án Thu phí không dừng đối với các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung và miền Nam với nguồn vốn được tài trợ từ VietinBank.

Như vậy, thị trường cung cấp dịch vụ thu phí không dừng mới có hai doanh nghiệp là Liên danh Tasco – VETC và Vietin dưới hình thức đầu tư BOO, với tổng mức đầu tư tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng.

Cửa “thu phí không dừng” đã hé mở

Giải thích về việc chỉ định nhà đầu tư là liên danh Tasco - VETC thực hiện hệ thống thu phí không dừng giai đoạn 1, Bộ GTVT cho biết: Hệ thống thu phí tự động không dừng tích hợp giải pháp của nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, tự động hóa, thanh toán điện tử… Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực tiễn về đầu tư công trình giao thông, hệ thống thu phí cũng như có kỹ thuật quản lý hiện đại, linh hoạt, nếu nhiều công ty cùng thực hiện sẽ khó kết nối với nhau.

Trong khi đó, Tasco là “ông lớn” trong lĩnh vực này, được Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông xếp hạng nhà thầu đáp ứng yêu cầu xây lắp (2015). Vì vậy, Bộ đã làm đúng quy định, công khai minh bạch trong lựa chọn liên danh Tasco – VETC.

Tuy nhiên, tháng 12/2016, Bộ GTVT công bố khuyến khích tất cả các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào là quyền của nhà đầu tư BOT thông qua đàm phán, đấu thầu. Bộ này chỉ lưu ý, công nghệ thu phí không dừng phải thống nhất trên toàn quốc, sử dụng một loại thẻ Etag để tránh gây phiền toái, rắc rối cho lái xe và cơ quan kiểm soát.

Hiện nay, trên toàn tuyến Quốc lộ cả nước có khoảng 86 trạm thu phí, trong đó 72 trạm thu phí do Bộ GTVT có thẩm quyền ký hợp đồng và 14 trạm thuộc sự quản lý của UBND các tỉnh, thành phố. Dự kiến, giai đoạn 2016 – 2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1 – 2 làn thu phí mỗi chiều xe chạy, sau 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn của các trạm thu phí trên toàn quốc. Với sự “mở cửa” của Bộ GTVT, đây chính là thị trường đầy tiềm năng và triển vọng trong thời gian tới, cơ hội đang được chia đều cho các nhà đầu tư.

Đầu tháng 3/2017, Viettel cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT mong muốn Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp với nhà mạng này triển khai dịch vụ ETC cho 2 tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài – Lào Cai trong quý I/2017.

Nguồn tin từ công ty này cho biết họ đã thử nghiệm thành công dịch vụ ETC tại các trạm Hoàng Mai, Đắc Nông với Tasco năm 2015 và tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình năm 2016, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ của dịch vụ. Theo đó, Viettel khẳng định hệ thống do công ty này triển khai có thể nhận diện và phản hồi với phương tiện có tốc độ di chuyển lên tới 90 km/h.

Theo Đinh Hồng Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM