Trái với tưởng tượng, cung nữ Trung Hoa xưa luôn sợ bị Hoàng đế sủng hạnh vì 3 lý do này

13/12/2019 19:37 PM | Sống

Ít ai biết rằng, việc được nhà vua nhìn trúng lại là nỗi ám ảnh của đa số các cung nữ thời xưa. Vậy lý do khiến họ e dè trước cơ hội đổi đời ngàn năm có một này là gì?

Trong xã hội phong kiến Trung Hoa, cung nữ vẫn thường bị xem là tầng lớp nô bộc và sở hữu cuộc sống hết sức cực khổ.

Cũng bởi vậy mà có không ít người cho rằng, những cung nhân này chỉ cần may mắn lọt vào mắt xanh của Hoàng đế là có thể nhanh chóng một bước lên mây.

Thế nhưng trên thực tế, hầu hết các cung nữ thời bấy giờ đều rất sợ hãi việc được nhà vua sủng ái. Vậy liệu rằng đâu là nguyên nhân khiến họ khước từ và e dè trước cơ hội đổi đời hiếm có này?

Theo phân tích của chuyên trang lịch sử Qulishi (Trung Quốc), lý do khiến tầng lớp cung nhân sợ hãi được Hoàng đế sủng hạnh bắt nguồn từ 3 nguyên do dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Ý thức được sự thua thiệt về xuất thân

 Trái với tưởng tượng, cung nữ Trung Hoa xưa luôn sợ bị Hoàng đế sủng hạnh vì 3 lý do này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Nhìn vào thực tế lịch sử Trung Hoa, không khó để nhận thấy hầu hết các cung nữ có cơ hội được Hoàng đế sủng hạnh đều chẳng mấy ai có được kết cục tốt đẹp.

Nguyên nhân là bởi họ ý thức rõ hơn ai hết sự thua thiệt về xuất thân của mình trong hoàng cung khi ấy. Bởi lẽ các cung nhân đa số đều xuất thân từ tầng lớp nô bộc trong xã hội.

Sau khi nhập cung, họ đều đã buông xuôi hết thảy những lý tưởng, hy vọng của cuộc đời, một lòng chỉ mong có thể may mắn bảo vệ được tính mạng cho tới lúc xuất cung mà thôi.

Trong khi đó, những phi tử của hậu cung đều là các nhân vật có xuất thân danh giá, sở hữu hậu thuẫn vững chắc, hơn nữa còn trải qua những cuộc tuyển tú gắt gao mới có thể danh chính ngôn thuận tiến vào hoàng cung làm chủ tử.

Các cung nữ biết rằng mình vĩnh viễn không có tư cách đường hoàng như vậy, cho nên dù Hoàng đế có vô tình nhìn trúng họ thì cũng chỉ có thể xem là nhất thời xúc động.

Vì không có hậu thuẫn, không có địa vị, không có sự danh chính ngôn thuận, nên ngay cả khi được sủng hạnh, họ vẫn dễ dàng bị ban chết chỉ vì một hành động bất cẩn.

Cổ nhân có câu "gần vua như gần cọp", cho nên nếu bị nhà vua nhìn trúng, cuộc sống của họ có lẽ còn bấp bênh hơn cả quãng thời gian làm một cung nữ bình thường.

Chính vì hiểu rõ sự thua thiệt này, hầu hết các cung nữ thà rằng sống một đời trong kiếp nô bộc để bảo vệ tính mạng chứ không dám đánh cuộc tất cả vào tấm chân tình vốn đã hiếm hoi của bậc đế vương.

Nguyên nhân thứ hai: Không có năng lực trụ lại trong những cuộc sủng khốc liệt

 Trái với tưởng tượng, cung nữ Trung Hoa xưa luôn sợ bị Hoàng đế sủng hạnh vì 3 lý do này - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Vào thời phong kiến, hầu hết các Hoàng đế Trung Hoa đều chẳng thiếu cung tần mỹ nữ. Bởi phi tử quá đông, ai ai cũng mang tâm lý muốn đắc sủng, nên hậu cung từ lâu đã được ví như "nơi ăn thịt người", là chiến trường không đao kiếm nhưng vô cùng khốc liệt giữa các mỹ nhân.

Bởi vậy, phàm là ai được Hoàng đế sủng ái nhất thời cũng nghiễm nhiên trở thành tâm điểm chú ý của toàn bộ hậu cung khi đó.

Đặc biệt là đối với những phi tần đã từng đắc sủng, một khi phát hiện ra những tình địch mới đe dọa tới địa vị của mình, họ nhất định sẽ trăm phương ngàn kế tìm cách loại bỏ rào cản.

Trong khi đó, các cung nữ vốn đã thua thiệt về xuất thân, sao có đủ thế lực để đấu lại những phi tử vừa có hậu thuẫn, vừa có vây cánh, lại sành sỏi muôn vàn mánh lới đấu đá nơi hậu cung?

Hơn nữa ở chốn thâm cung chẳng thiếu cung tần mỹ nữ khi ấy, cái chết của một cung nữ hay một phi tần nhỏ nhoi có xuất thân từ tầng lớp nô bộc chẳng mấy chốc sẽ rơi vào quên lãng.

Đây cũng là lý do trong muôn vàn cung nữ may mắn đắc sủng, số người có thể trụ vững tới sau cùng là hết sức hiếm hoi. Còn những người còn lại đều nhanh chóng rơi vào cảnh thất sủng, thậm chí còn bị vong mạng bởi những chiêu trò minh ám tranh đấu nơi hoàng cung.

Nguyên nhân thứ ba: Không có tư cách được mang long thai

 Trái với tưởng tượng, cung nữ Trung Hoa xưa luôn sợ bị Hoàng đế sủng hạnh vì 3 lý do này - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Vào thời cổ đại, nền y học còn chưa phát triển, những biện pháp tránh thai cũng bởi vậy mà khó có thể coi là an toàn tuyệt đối. Vì vậy mang thai ngoài ý muốn là chuyện vẫn thường xảy ra nơi hậu cung.

Đối với các cung nữ được nhà vua ân sủng, nếu vô tình mang thai mà không được sắc phong thì nhất định sẽ bị ban chết. Bởi dù cho họ đã mang trong mình giọt máu của hoàng tộc thì việc sở hữu xuất thân thua thiệt sẽ khiến cho nhà vua mất mặt, vì vậy long thai càng khó có thể giữ lại.

Hơn nữa ngay cả khi nhận được sắc phong và có được tư cách mang long thai danh chính ngôn thuận, những phi tử khác trong hậu cung cũng không từ thủ đoạn nào để khiến cho các cung nữ không có căn cơ hay hậu thuẫn này bị sảy thai.

Cổ nhân có câu "mẫu dĩ tử quý", bất kỳ cung phi, mỹ nữ nào cũng muốn tranh thủ cơ hội cho con cái mình, vì thế họ sẽ chẳng từ thủ đoạn để loại bỏ mọi chướng ngại.

Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, y học thời cổ đại vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều khi sảy thai thì ngay tới tính mạng cũng khó giữ. Nếu may mắn giữ được tính mạng, cơ thể của những người này cũng sẽ bị tổn thương và rất khó có được cơ hội đắc sủng hay mang thai lần nữa.

Một khi rơi vào tình cảnh như vậy, cuộc đời họ sẽ lại bị đẩy vào vết xe đổ đầy bi thảm của vô số những phi tần thất sủng chốn thâm cung.

Từ những minh chứng trên đây, không khó để nhận thấy ân sủng của nhà vua đối với các cung nữ vốn là thứ đem tới họa nhiều hơn phúc.

Vì vậy mà hầu hết những cung nhân này đều mong muốn an ổn làm nô tỳ, giữ được tính mạng cho tới ngày xuất cung chứ chẳng hề nuôi khát vọng một bước lên mây, để rồi sau đó lại bị kéo vào những cuộc chiến đẫm máu không hồi kết sau bức tường thành hoa lệ kia…

*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).

Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM