Trái đất nóng lên, Việt Nam nóng lên theo, nhưng mới chỉ có 17% hộ gia đình có điều hòa, đây sẽ là ngành hàng tỷ đô khiến các nhà đầu tư không thể cầm lòng

18/05/2019 09:19 AM | Kinh doanh

Theo báo cáo từ TechSci Research, thị trường máy lạnh ở Việt Nam được dự báo tăng trưởng bình quân 14,64% hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2021 (cao hơn tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ điện tử 11,2% - đang có xu hướng giảm dần) và đạt giá trị 1,35 tỷ USD vào 2021.

Cũng theo báo cáo trên, năm 2017 dân số Việt Nam là 93 triệu nhưng chỉ 17% hộ gia đình sở hữu một máy điều hòa không khí. Đây là chỉ dẫn tích cực cho thấy tiềm năng lớn của thị trường này tại Việt Nam.

Sức tăng trưởng ngành điều hòa được coi là bền vững bởi ba yếu tố:

Tăng trưởng kinh tế nhanh, GDP đầu người tăng, dẫn đến nhu cầu tăng chất lượng cuộc sống: Nielsen gọi Việt Nam là "viên ngọc ở Đông Nam Á", với tốc độ tăng GDP cao nhất khu vực vào khoảng 6,8%/năm trong quý II năm 2018. Thêm vào đó, dân số Việt Nam dự báo đạt 98.2 triệu người năm 2020 (theo Euromonitor, 2018); thu nhập hộ gia đình tăng gần 40% từ năm 2012 tới nay thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sôi động. Thống kê cũng cho thấy TP. HCM và Hà Nội – hai đầu tàu kinh tế cả nước – là những khu vực tiêu thụ điều hòa không khí lớn nhất.

Biến động khí hậu: Theo các nhà khí tượng học, các đợt nắng nóng diễn ra trên phần lớn lãnh thổ Việt Nam mùa hè năm 2016 - 2018 đã chạm kỷ lục về thời lượng và nhiệt độ trong ngày. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 42,5 độ C (Tháng 6/2017) - mức nhiệt kỷ lục trong suốt 45 năm. Do ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, nắng nóng ở Việt Nam dự kiến kéo dài qua các năm tới, kéo theo nhu cầu sử dụng điều hòa tăng.

Tăng trưởng trong ngành bất động sản và du lịch: Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hiệp quốc cho thấy Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh nhất. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, lượng khách nước ngoài đến tham quan đã chạm mốc 12.821.647 lượt, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2017. Theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2019 ước đạt 1.588.161 lượt, tăng 5,8% so với tháng 01/2019 và tăng 10,9% so với tháng 02/2018.

Đi cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng cũng trên đà phát triển: CBRE cung cấp số liệu về 4 thị trường lớn (Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc) lượng cung ra thị trường vào khoảng 30.000 căn hộ khách sạn, trong đó tới 90% đã được tiêu thụ. Bên cạnh đó số căn biệt thự nghỉ dưỡng đã được tung ra thị trường khoảng 5.500, tỷ lệ hấp thụ cũng lên đến 90%.

Trái đất nóng lên, Việt Nam nóng lên theo, nhưng mới chỉ có 17% hộ gia đình có điều hòa, đây sẽ là ngành hàng tỷ đô khiến các nhà đầu tư không thể cầm lòng  - Ảnh 1.

Thị trường điều hòa không khí ở Việt Nam được coi là cuộc chiến của những ông lớn như: Daikin và Panasonic (mỗi hãng chiếm khoảng 25% thị phần máy lạnh Việt Nam), kế đến là LG, Samsung, Electronics.... Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây chúng ta chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của các thương hiệu mới (từ cả trong và ngoài nước) như Casper, Midea, Carrier,… với những chiến lược cạnh tranh khác nhau để khai thác nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Hộ gia đình - Nhóm khách hàng lớn nhất của điều hòa không khí

Theo báo cáo của Google về đối tượng có hành vi quan tâm đến nhóm ngành điện máy, nam giới chiếm đa số với 62%, tuy nhiên nữ giới cũng chiếm tỷ lệ không quá chênh lệch 38% (tỷ lệ này là 56% Nam và 44% Nữ theo Facebook thống kê). Nhóm tuổi quan tâm nhiều nhất là 25-34 tuổi, vị trí thứ 2 là 18-24 tuổi - đây cũng là hai nhóm tuổi lập gia đình và bắt đầu xây dựng cuộc sống riêng.

Trái đất nóng lên, Việt Nam nóng lên theo, nhưng mới chỉ có 17% hộ gia đình có điều hòa, đây sẽ là ngành hàng tỷ đô khiến các nhà đầu tư không thể cầm lòng  - Ảnh 2.

Theo Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN), các gia đình Việt Nam chia làm ba nhóm:

- Nhóm gia đình phân công, chia sẻ (chiếm 74%): bình đẳng về vai trò của người chồng và người vợ. Hai vợ chồng cùng chia sẻ công việc nhà và trách nhiệm nuôi dạy con cái. Mặc dù người vợ phụ trách chính việc mua sắm đồ gia dụng (đồ chơi trẻ em, giường, chăn, ghế, các mặt hàng đồ trang trí, ấm, chén đĩa, thiết bị y tế gia đình, mỹ phẩm thông thường,...), song với các sản phẩm có giá trị lớn như điều hòa, cả hai thường thảo luận với nhau trước khi đưa ra quyết định.

- Nhóm gia đình truyền thống (chiếm 25%): người chồng là trụ cột kinh tế, người vợ quán xuyến việc nhà và chăm sóc con cái, có thể không đi làm. Với nhóm này, người chồng có tiếng nói chính trong việc mua sắm, người vợ chỉ quyết định với những sản phẩm giá trị nhỏ, giá trị càng cao thì sự tham gia của người vợ ít đi.

- Nhóm gia đình chuyển đổi (chỉ 1%): người vợ ra ngoài làm việc, người chồng đảm nhận việc nhà và nuôi dạy con. Trong nhóm này, người chồng không quan tâm nhiều đến việc chọn lựa sản phẩm còn người vợ khá thông thái trong các quyết định mua hàng. Họ cân nhắc cẩn thận để mua sắm tiết kiệm nhất nhưng có được những sản phẩm ưng ý nhất.

Hiểu rõ hành vi của các nhóm khách hàng này là cơ sở để các thương hiệu điều hòa có chiến lược xúc tiến đúng đắn trong mùa cao điểm.

Markus

Từ khóa:  điều hòa
Cùng chuyên mục
XEM