Trái cây Trung Quốc “đại bại” ở Sài Gòn

12/06/2016 13:43 PM | Xã hội

Trái cây nhập khẩu như táo, cam, nho, lê từ các nước Hoa Kỳ, Canada, Úc, Thái Lan... đang ngày càng phổ biến trên quầy kệ siêu thị, cửa hàng ở TP.HCM, đánh bật trái cây Trung Quốc, hàng nhập nhèm kém chất lượng.

Khi các hiệp định thương mại giữa VN và các nước còn trên bàn đàm phán hay đang chờ có hiệu lực, hàng nông sản ngoại đã ùn ùn vào VN.

Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2016, VN đã chi gần 278 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng đến 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái cây Mỹ đẩy lui 
hàng Trung Quốc

Có mặt ở khu vực bán trái cây tại một siêu thị trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), chúng tôi nhận thấy số lượng vượt trội loại táo có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ so với táo từ Pháp, New Zealand, Bỉ.

Trong mặt hàng táo Mỹ, loại táo đỏ có giá rẻ nhất khoảng 55.000 đồng/kg, kệ kế tiếp là mặt hàng táo Empire giá 73.000 đồng/kg, táo xanh 62.000 đồng/kg, táo Jazz 88.500 đồng/kg, táo vàng 80.000 đồng/kg, táo Pinata 100.000 đồng/kg, táo Fuji 80.000 đồng/kg...

Xen lẫn các kệ hàng này là số ít các loại táo đến từ Pháp như táo Gala 60.000 đồng/kg, táo Juliet 85.000 đồng/kg.

Tương tự, tại một siêu thị khác trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), táo Mỹ vẫn chiếm số đông về chủng loại với giá từ 60.000 - 100.000 đồng/kg, trong khi các quốc gia như Bỉ, Pháp, New Zealand nhập vào đây chỉ có một số ít mặt hàng như Rocket, Fuji, táo bi.

Chọn loại táo Jazz và Pinata Mỹ bỏ vào giỏ hàng của mình, chị Xuân Thùy, một bà nội trợ, cho biết: “Do vị ngọt, giòn và mang lại cảm giác an toàn hơn so với chợ, nên mỗi khi gia đình muốn ăn táo tôi thường đi siêu thị chọn các loại táo đã dùng quen và hợp khẩu vị”.

Bên cạnh mặt hàng táo, nho cũng là loại trái cây được nhập từ nhiều quốc gia với nhiều chủng loại.

Chị Hiền, nhân viên siêu thị, chỉ tay hướng về các kệ hàng được bày bán trên cao giới thiệu nho đến từ Nam Phi với nhiều chủng loại như nho đỏ, đen, loại không hạt và có hạt với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg.

Ngoài mặt hàng nhập khẩu đến từ Nam Phi, loại nho của Úc cũng được bày bán tại hệ thống siêu thị trong khoảng thời gian này.

“Trong các loại trái cây nhập từ nước ngoài, người tiêu dùng thường chọn mua táo và nho do đây là loại trái cây giàu vitamin C, tốt cho sức khỏe và hợp túi tiền của họ” - nhân viên nữ tại hệ thống siêu thị nói.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao không có nho đến từ Mỹ, chị này nói thêm rằng một năm mùa vụ nho Mỹ chỉ có từ tháng 10 đến tháng 12, ngoài các tháng đó thì không phải là nho Mỹ (?).

Chị Loan, bán trái cây khu vực chợ Bến Thành, Q.1, cho biết cả chợ này từ lâu không còn thấy trái táo, cam Trung Quốc. Ngoài trái cây VN như mít, xoài, măng cụt... sạp của chị nhập thêm một vài loại trái cây ngoại bán theo mùa như táo, cherry, nho... Mỹ.

“Người tiêu dùng giờ thông minh lắm, bán hàng dở là họ đi luôn, không quay lại nữa” - chị Loan nói.

Ông Diệp Dũng, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cũng cho biết từ lâu tại hệ thống siêu thị này không còn bày bán trái cây Trung Quốc do nguồn cung trái cây nhập khẩu bây giờ quá đa dạng, giá cả cũng không quá đắt đỏ so với khả năng chi trả của người tiêu dùng.

Những loại được ưa chuộng chủ yếu là trái cây hàn đới như táo, cam, nho, dâu tây, kiwi và được nhập khẩu từ các nước vốn có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao như Mỹ, Canada, Úc...

Trái cây nhập 
ra chợ nhỏ lẻ

Ông Nguyễn Phúc Khoa, giám đốc kinh doanh của Satra, cho biết gần đây hệ thống này có nhập khẩu và độc quyền phân phối lê tươi từ Hàn Quốc, lê tươi từ Hà Lan. Dù chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp và phân khúc nhỏ trong hệ thống nhưng với giá tốt nên nhanh chóng được người tiêu dùng quan tâm.

Theo ông Khoa, các sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến, đông lạnh chiếm từ 92-95% trong hệ thống bán lẻ của Satra. Tuy nhiên để tạo điểm nhấn, sự khác biệt và cũng để đưa những sản phẩm có giá cả hợp lý, chất lượng cao, nhà bán lẻ đã chủ động tìm kiếm và nhập khẩu những sản phẩm mới và độc quyền về phân phối trong hệ thống của mình.

Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết với thuế suất khoảng 10%, cộng thêm 5% VAT, giá các mặt hàng như táo, nho Mỹ vào VN không quá cao. Nếu được giảm thuế thời gian tới, giá những mặt hàng này sẽ càng cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, một cán bộ Hải quan TP.HCM cũng lưu ý theo quy định, trái cây nhập khẩu vào VN theo con đường chính ngạch đều được kiểm dịch tốt, những loại quả không đạt chuẩn sẽ không được phép thông quan, nhưng với nguồn hàng được nhập qua tiểu ngạch, việc kiểm soát chất lượng đang bị bỏ ngỏ.

Theo nhiều nhà cung cấp, nho Mỹ chỉ về VN nhiều từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm, nhưng khi khảo sát thị trường vào thời điểm tháng 5, chúng tôi vẫn dễ dàng tìm được loại nho đen, đỏ quảng cáo nhập khẩu từ Mỹ, được bán với giá từ 140.000 - 180.000 đồng/kg. Đây là loại mà các hệ thống siêu thị không có.

Tại một sạp trái cây trên đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, loại nho đen không hạt Mỹ được trưng ngoài trời và bảo quản khá sơ sài. Anh L., chủ sạp, cho biết giá nho này 140.000 đồng/kg, hàng nhập từ chợ đầu mối, mua về bỏ ngăn lạnh được cả tháng và chỉ được khoảng vài ngày nếu để ngoài.

Cách đấy khoảng vài căn là cửa hàng của chị H., chị cho biết loại nho đen, đỏ được nhập từ Mỹ, lấy từ người quen tại chợ đầu mối nên không cần hóa đơn hay giấy chứng nhận xuất xứ, giấy kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, mà cũng vì trước giờ có thấy ai hỏi đâu mà trình. Tương tự tại các cửa hàng kinh doanh trái cây nhập khẩu ở khu vực Q.1 cũng có mặt hàng nho Mỹ.

Anh S., chủ một cửa hàng trái cây nhập trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), giới thiệu loại nho xanh, đen nhập qua đường hàng không với giá khoảng 180.000 đồng/kg, được đóng trong hộp nhựa trong suốt nhưng không có nhãn mác, trong khi các loại táo Mỹ ở đây đều có nhãn mác, ghi rõ chủng loại như Gala, Jazz và Empire.

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, mở cửa cho trái cây nhập khẩu như là một phần tất yếu trong quá trình hội nhập của VN.

Mặt hàng hoa quả tươi nằm trong diện kiểm dịch thực vật, khi nhập khẩu vào VN phải phân tích nguy cơ dịch hại trước. Do đó, để nhập khẩu trái cây vào VN, người nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, sản phẩm không có dịch hại thuộc diện điều chỉnh trước khi nhập khẩu vào VN, phải có giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu...

VN là thị trường tiêu dùng tiềm năng

Trong chuyến khảo sát nhanh thị trường nông sản VN gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas James Vilsack đã tỏ ra thích thú khi trên các quầy kệ siêu thị ở TP.HCM xuất hiện nhiều mặt hàng táo, nho... của Hoa Kỳ.

Ông Thomas James Vilsack cho rằng nông nghiệp sẽ nhận nhiều tác động lớn về phương diện thương mại sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, trong khi nhiều loại nông sản VN đã có mặt tại Hoa Kỳ và ngược lại.

“Người tiêu dùng cũng muốn thử nhiều loại trái cây, rau củ khác nhau và có nhiều loại được ưa chuộng. Do đó, sẽ có thêm nhiều loại nông sản Hoa Kỳ tiếp cận người tiêu dùng VN thời gian tới”, ông Thomas James Vilsack nói. Không chỉ Hoa Kỳ, hầu hết các nước thành viên TPP đều xem VN là thị trường tiêu dùng tiềm năng với nguồn dân số trẻ, thu nhập ngày càng được cải thiện.

Theo ĐINH LỘC - N.BÌNH

Cùng chuyên mục
XEM