Trách nhiệm để học sinh ngồi “nhầm” lớp thuộc về ai?

27/10/2016 21:07 PM | Sống

Sự kiện học sinh lớp 6 bị “ xuống lớp 1” vì không biết đọc, biết viết ở Trường Tiểu học Lý Đạo Thành- TP. Sóc Trăng và mới đây “ Một ngôi trường tại TP.HCM có hàng chục học sinh sáng học lớp 5 nhưng chiều phải chuyển xuống học lớp 1 vì không thực hiện được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi số tự nhiên 20, không biết đọc rành rẽ” ( theo Báo Thanh niên), thật sự gây lo lắng trong dư luận: Vì sao nhà trường để học sinh ngồi “ nhầm” lớp và trách nhiệm thuộc về ai ?

Trước hết, phải khẳng định trách nhiệm đó thuộc về giáo viên dạy lớp các năm học trước đó; bởi lẽ :“ Giáo viên dạy lớp năm học trước giúp giáo viên nhận lớp trong năm học tiếp theo, có đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả” ( điều 15 Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT quy định về nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh)

Nghĩa là, một học sinh học kém từ lớp 1, bị đưa “nhầm” lên lớp 2 rồi đến lớp 5, thì thầy cô dạy các lớp đó nhất là giáo viên chủ nhiệm biết rõ năng lực học tập của học sinh đó; nhưng vì sao họ vẫn để học sinh được lên lớp ?

Thường, thầy cô ở trường Tiểu học có chung suy nghĩ: Thương học trò; nhưng quan trọng nhất là đầu năm học, thầy cô đã đăng ký không có học sinh “ở lại lớp”, để được xét danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến”; được xếp loại công chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; bởi đây còn là yêu cầu, là chỉ tiêu thi đua của từng khối lớp trong trường, mà không đăng ký không được.

Do vậy, từ bệnh thành tích, từ lo sợ Hiệu trưởng xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”, nên giáo viên không thể không cho các em lên lớp, dù biết rõ học sinh đó không có khả năng học ở lớp trên; vì thế phải tìm cách để các em đủ điều kiện “hoàn thành chương trình lớp học”, trong đó cách đơn giản nhất là cùng với giáo viên nhận lớp ở năm sau, thoả thuận nhau nâng điểm bài kiểm tra cuối năm, thay vì đánh giá: “chưa hoàn thành chương trình lớp học” để lập kế hoạch phụ đạo, giúp đỡ các em được lên lớp theo quy định, họ lại bắt tay nhau cho học sinh lên lớp.

Bỏ qua lỗi của phụ huynh học sinh do thiếu quan tâm đến việc học tập của con, thì rõ ràng học sinh ngồi “ nhầm” lớp, trước hết là lỗi của tất cả giáo viên chủ nhiệm ở các lớp mà học sinh đó đã học ; bởi theo điều 19 Thộng tư 30 của Bộ GD&ĐT quy định giáo viên chủ nhiệm: “ Chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá học sinh, chất lượng giáo dục học sinh trong lớp; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định; thực hiện nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh”.

Ngoài giáo viên chủ nhiệm, trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường để học sinh ngồi “nhầm” lớp, là không nhỏ, bởi: “Đối với những học sinh đã được giáo viên trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt ít nhất một trong các điều kiện quy định về xét hoàn thành chương trình lớp học: tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, bài kiểm tra định kì, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp” (điều 14 Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT).

Để hạn chế học sinh ngồi “ nhầm” lớp, thiết nghĩ Hiệu trưởng trường Tiểu học phân công giáo viên có kinh nghiệm giáo dục học sinh chậm phát triển về trí tuệ ( thiểu năng trí tuệ ) giảng dạy ở lớp có các em theo học và không tính vào tiêu chí thi đua của giáo viên đối với những học sinh này; tổ chức nghiêm túc bài kiểm tra học kỳ và cuối năm qua đó lập kế hoạch phụ đạo, giúp đỡ để các em được lên lớp đúng theo quy định; chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện theo quy định của giáo viên: “Hàng tháng, giáo viên thông qua quá trình quan sát, ý kiến trao đổi với cha mẹ học sinh và những người khác (nếu có) để nhận xét học sinh, ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục ” ( điều 8 Thộng tư 30 của Bộ GD&ĐT về đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển năng lực của học sinh).

Mặt khác, cơ quan quản lý giáo dục cấp trên tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị trường học sai phạm về xét công nhận “hoàn thành chương trình lớp học, cấp học”; để học sinh ngồi “nhầm” lớp; xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”; không công nhận danh hiệu thi đua đối với Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm để học sinh ngồi “nhầm” lớp.

Nên chăng, ngành GD&ĐT cần xem xét áp dụng linh hoạt “một chương trình hai cách đánh giá ” đối với học sinh Tiểu học tuỳ theo vùng, miền; theo đó cách đánh giá theo Thông tư 30 ( hoặc Thông tư 22) chỉ áp dụng đối với học sinh ở Thành phố, Thị xã, ở các đô thị; còn các trường Tiểu học ở vùng khó khăn, vùng sâu, miền núi, hải đảo… giáo viên được dùng điểm số để đánh giá thường xuyên kết quả học tập hàng tháng, học kỳ và cả năm của học sinh, qua đó phụ huynh học sinh nhất là những người lao động dễ dàng theo dõi sự tiến bộ trong quá trình học tập và rèn luyện của con em mình.

Theo Trần Vũ

Cùng chuyên mục
XEM