TPHCM và Hà Nội đầu bảng về giao dịch B2C trong TMĐT, Hải Phòng phải nhường vị trí số 3 cho Bình Dương

26/03/2019 13:53 PM | Kinh doanh

Xét về nhóm chỉ số thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), TPHCM dẫn đầu (87,2 điểm), tiếp đó là Hà Nội (85,8 điểm). Thành phố Hải Phòng đứng ở vị trí thứ 4, nhường vị trí thứ 3 cho một tỉnh miền Nam, theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2019.

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2019 (EBI 2019) vừa được công bố tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2019).

Báo cáo cũng công bố chỉ số B2C (Doanh nghiệp bán hàng cho người tiêu dùng) giữa các tỉnh. Báo cáo cho rằng giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), phản ánh sát nhất với những thay đổi từ các hành vi, thói quen và nhận thức người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số.

Theo đó, xét về nhóm chỉ số thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), TPHCM dẫn đầu (87,2 điểm), tiếp đó là Hà Nội (85,8 điểm).

Vị trí thứ 3 thuộc về Bình Dương (74,6 điểm), sau đó mới đến Hải Phòng (72,5 điểm) và Bắc Ninh (68 điểm).

Về chỉ số hạ tầng và nguồn nhân lực, chỉ số B2C không có nhiều chênh lệch giữa nhóm các tỉnh thành dẫn đầu so với nhóm các tỉnh thành liền kề sau đó, điển hình là khoảng cách giữa TPHCM (thứ 1) và Bắc Ninh (thứ 5) chỉ chênh nhau gần 20 điểm. Qua đó có thể thấy mức độ phát triển B2C giữa nhóm các thành phố lân cận nhau là tương đối đồng đều.

Điểm trung bình của chỉ số giao dịch B2C trong cả nước là 45,7 điểm, cao hơn một chút so với điểm số 42,4 điểm năm 2017.

Theo báo cáo, nhóm chỉ tiêu thành phần của chỉ số B2C gồm: (1) Xây dựng website doanh nghiệp; (2) Tần suất cập nhật thông tin trên website; (3) Ứng dụng bán hàng qua mạng xã hội; (4) Tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; (5) Website phiên bản di động; (6) Ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động; (7) Cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm tên thiết bị di động; (8) Tình hình nhận đơn đặt hàng; (9) Quảng cáo website/ứng dụng di động; (10) Doanh thu từ kênh trực tuyến và 11) thu nhập bình quân đầu người.

Theo EBI 2019, quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 ở mức 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.

Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM