TP.HCM: Hành trình từ "chính quyền đô thị" đến cơ chế đặc thù

25/11/2017 16:10 PM | Kinh tế vĩ mô

Chiều ngày 24/11, Quốc hội khóa 14 đã thông qua “Cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM". Được đưa ra bàn thảo và thông qua chỉ trong một kỳ họp, nhưng để có được cơ chế này TP đã phải chuẩn bị từ nhiều năm trước đó.

Từ đề xuất "Chính quyền đô thị" 

Được thành phố bắt tay xây dựng từ năm 2007, nhưng phải đến tháng 9/2013 HĐND TP.HCM mới chính thức thông qua “dự thảo” đề án chính quyền đô thị sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống” và xin ý kiến các bộ ngành.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng chủ trương này rất táo bạo, tâm huyết, với mục đích có được cơ chế vận hành đúng với vai trò là đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước.

Được đưa lên Trung ương với rất nhiều kỳ vọng, nhưng đề án đã không được thông qua, mà nguyên nhân là do đề án quá lớn và vướng nhiều vấn đề liên quan đến Hiến pháp, pháp luật, đồng thời cần nhiều cơ quan tham gia nên “Trung ương chưa thuận” – như Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan đã nói trong một cuộc họp báo.

Đã có một thời gian đề án này gần như bị gác lại, cho   đến ngày 27/3/2016, tại Hội nghị lần 4 – Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa 10, TP xác định phải kiên trì theo đuổi và kiến nghị bằng được mô hình “Chính quyền đô thị” vì một nơi đầu tàu không thể “mặc chung chiếc áo” với các tỉnh miền núi, đồng bằng khác.

Tiếp theo, ở buổi làm việc với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vào tháng 9/2016 về cải cách hành chính, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhận định rằng “gốc rễ” của vấn đề là phải xây dựng chính quyền đô thị thích ứng với đặc thù của đô thị đặc biệt.

Gần đây nhất, vào tháng 3/2017, tại hội thảo “Các vấn đề phát triển TP.HCM, cơ chế - chính sách đột phá” TS Trần Du Lịch, nguyên phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng những vướng mắc về thể chế chung khiến những vấn đề thí điểm của TP rất khó khăn.

Là một trong những người đầu tiên chắp bút cho đề án, ông Lịch nhấn mạnh rằng phải kiên trì mô hình chính quyền đô thị để tạo cơ chế phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương.

Tuy nhiên thời gian trôi đi, cho đến nay đề án này gần như không còn được đề cập trong các cuộc họp của UBND TP.HCM.

TP.HCM: Hành trình từ chính quyền đô thị đến cơ chế đặc thù - Ảnh 1.

TP.HCM đang đối mặt hàng loạt vấn đề liên quan đến hạ tầng đô thị, trong đó trầm trọng nhất là ngập nước, kẹt xe.

"Cơ chế đặc thù" dần phổ biến

Kể từ giữa năm 2016 cụm từ “cơ chế đặc thù” cùng với những đề xuất rõ ràng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và dần thay thế cho “chính quyền đô thị” trong các buổi làm việc giữa thành phố với các bộ ngành Trung ương.

Nhiều chuyên gia cho rằng thực chất thành phố đang tiếp tục một phần của chính quyền đô thị - tất nhiên với quy mô nhỏ, hay một cách tiếp cận mềm dẻo, khéo léo và khôn ngoan hơn của thành phố.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội vào tháng 6/2016, TS Trần Du Lịch từng thốt lên rằng “Thành phố chỉ xin cái bình thường của mọi đô thị”.

Ông nhấn mạnh rằng: “Đó là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương, cái bình thường nhưng lâu nay ta làm cái cá biệt thành ra nó lạ lùng”.

Lấy ví dụ cụ thể về khó khăn khi xin một điều khoản trong “cơ chế đặc thù”, ông Lịch cho biết dù đề nghị Quốc hội cho phép Chính quyền đô thị của TP.HCM được đặt ra một số loại phí, nhưng cuối cùng “không cho chính quyền địa phương quyền nào cả”.

“Lâu nay thành phố vẫn là xin cơ chế, không phải xin Trung ương bớt phần các địa phương khác. TP xin tạo cơ chế để tăng nguồn thu” – ông cho hay.

TP.HCM: Hành trình từ chính quyền đô thị đến cơ chế đặc thù - Ảnh 2.

Nguyên ĐBQH Trần Du Lịch từng là người rất tâm huyết kiến nghị các cơ chế mới cho TP.HCM.

Vì sao thành phố cần nghị quyết của Quốc hội?

Theo Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, dù “chưa thuận” với đề án “Chính quyền đô thị” nhưng Trung ương “đã cho phép thành phố làm một số việc”. Tuy nhiên thành phố vẫn muốn nâng lên một “cấp độ” cao hơn.

Quan điểm này của TP đã được ông Võ Văn Hoan nêu trong cuộc họp báo định kỳ tháng 6/2016.

“Kỳ này có nghiên cứu đề xuất rằng không phải là chỉ một nghị định của Chính phủ. Ủy ban thành phố báo cáo ban Thường vụ Thành ủy và cơ bản thống nhất rằng cần phải mạnh mẽ hơn, đó là một nghị quyết của Quốc hội về những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP như đã nói ở trên” – ông Hoan cho hay.

Theo ông, chỉ khi đó thành phố mới có thể hiện thực một số mục tiêu, bởi “cơ chế ở cấp nghị định thì dưới luật dữ lắm, không thể thực hiện được”.

Sau hơn 1 năm bắt tay gấp rút xây dựng cùng hàng chục lần làm việc với các bộ ngành Trung ương về cơ chế đặc thù, cuối cùng dự thảo đề án về cơ chế đặc thù đã được hoàn thành để đưa ra trước Quốc hội.

Theo Nguyễn Cường

Cùng chuyên mục
XEM