TP.HCM chủ trương xây nhà hát 1.500 tỷ: Đáng lẽ phải có từ lâu rồi!

10/10/2018 08:48 AM | Bất động sản

Người dân thành phố đi quốc gia khác thấy nhà hát của người ta như thế mới thấy mình thiệt thòi. Tại sao thành phố đóng góp 1/4 ngân sách, tốc độ phát triển gấp rưỡi cả nước từ mấy chục năm nay cuối cùng lại không có một nhà hát xứng tầm?

Ngày 8/10, với sự đồng thuận tuyệt đối các đại biểu, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch tại Thủ Thiêm (quận 2) với quy mô 1.700 chỗ ngồi, tổng kinh phí 1.508 tỷ đồng.

Ngay sau đó, dư luận đã xuất hiện những ý kiến trái chiều về dự án này. Nhiều người cho rằng trong bối cảnh ngân sách thành phố đang khó khăn, nhiều công trình thiếu vốn trầm trọng thì việc xây nhà hát giao hưởng thời điểm này là lãng phí.

 TP.HCM chủ trương xây nhà hát 1.500 tỷ: Đáng lẽ phải có từ lâu rồi!  - Ảnh 1.

TS Trần Du Lịch - một trong những người chấp bút cho đề án "Chính quyền đô thị".

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Du Lịch – nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, ông “ủng hộ” chủ trương này.

“Quan điểm của tôi là ủng hộ, vì vấn đề này đặt ra hàng chục năm rồi. Một thành phố cả chục triệu dân mà một công trình văn hóa đề ra cả chục năm mà chưa làm được?” – ông nói.

Theo ông thành phố có thể lấy nguồn kinh phí bằng cách bán đấu giá một số khu đất hiện là những công trình văn hóa trong nội thành.

“Các khu đất nhỏ nhưng có giá trị rất lớn, chúng ta dùng nó để tập trung nguồn lực, hình thành một công trình ở khu đô thị mới là cần thiết” – TS Lịch nhận định.

Trước câu hỏi cho rằng thời điểm này TP cần tập trung phát triển hạ tầng, bệnh viện… hơn là nhà hát nghìn tỷ, TS Lịch chia sẻ: “Gần 20 năm nay chúng ta đã ưu tiên làm tất cả công trình hạ tầng mà văn hóa chúng ta bỏ hoàn toàn”.

Ông đồng thời chỉ ra rằng, ngoài nhà hát thì thành phố còn một dự án lớn khác cũng đang bị bỏ ngỏ là Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc – công trình ông cho rằng khó hoàn thành.

“Chúng ta cứ nhìn mất cân đối như vậy thì làm sao phát triển được? Bây giờ hỏi công trình văn hóa – thể thao thì thành phố có cái gì? Chúng ta đừng để nó quá lệch, bây giờ thành phố cần phải bù lại những phát triển lệch pha đó” – ông nhấn mạnh.

 TP.HCM chủ trương xây nhà hát 1.500 tỷ: Đáng lẽ phải có từ lâu rồi!  - Ảnh 2.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

Cùng thể hiện sự đồng tình với dự án là ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. Ông chia sẻ: “Đáng lẽ thành phố phải có một nhà hát hiện đại và tương xứng với phát triển kinh tế, với vai trò vị trí của thành phố cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân từ lâu rồi”.

Theo ông, dự án này đã được đề xuất từ nhiều năm trước, thậm chí từng có những mặt bằng rất đẹp ở trung tâm thành phố dự kiến làm nơi đặt nhà hát nhưng lãnh đạo trước đây của thành phố đã quyết định dùng cho việc khác. “Ngày này đề ra như thế thì về thời gian đã là chậm rồi” – ông nhìn nhận.

“Chủ trương này rất đúng vì lâu nay thành phố chỉ lo phát triển kinh tế. Người dân thành phố đi quốc gia khác thấy nhà hát của người ta như thế mới thấy mình thiệt thòi. Tại sao thành phố đóng góp 1/4 ngân sách, tốc độ phát triển gấp rưỡi cả nước từ mấy chục năm nay cuối cùng lại không có một nhà hát xứng tầm?” – ĐB Nghĩa nhận định.

Theo ĐB Nghĩa, ngoài người dân thành phố sẽ còn rất nhiều thành phần khác có nhu cầu về thưởng thức nghệ thuật.

“Những nguồn lực cao cấp đang làm việc tại thành phố - trong đó có cộng đồng nước ngoài mấy trăm ngàn người, rồi khách du lịch và cả người dân ở các địa phương khác muốn đến thưởng thức nghệ thuật cao cấp ở đó” – ông cho hay.

Trước đó, ngày 29/9, trao đổi với phóng viên Infonet, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết quan điểm nếu thành phố dự tính xây dựng tại Thủ Thiêm thì đây là một vị trí tốt, nhưng để kích thích cho Thủ Thiêm phát triển thì tác dụng không cao.

“1.500 tỷ là số tiền khá lớn, nếu dùng hiệu quả sẽ giúp Thủ Thiêm cất cánh, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội tốt hơn cho nơi này nói riêng và cả thành phố nói chung” – ông cho hay.

Kiến trúc sư Nam Sơn cho rằng với số tiền trên thành phố có thể làm 3 việc. Đầu tiên là quy hoạch lại khu trung tâm bao gồm cả bờ Tây và bờ Đông sông Sài Gòn. Thứ hai là thêm kết nối quận 1 với Thủ Thiêm bằng cây cầu từ đường Hàm Nghi. Thứ ba là đầu tư cho hạ tầng cơ bản tại Thủ Thiêm.

Trong khi đó có những người dân Thủ Thiêm tỏ ra không đồng tình với dự án này. Họ cho rằng 1.500 tỷ đồng có thể giúp nhiều người trong số họ ổn định cuộc sống, bù đắp lại những thiệt hại sau thời gian dài khiếu kiện. Chị Minh Tâm – người phải di dời cho dự án Thủ Thiêm nói với PV: “Trước hết thành phố cần giải quyết các vấn đề những hộ dân đang khiếu kiện hơn 22 năm qua một cách đúng pháp luật, ranh giới rõ ràng. Chính quyền thành phố lên quan tâm đến đời sống người dân hiện tại trước vì họ là những người đóng thuế, tạo ra nguồn thu ngân sách, sau đó hãy tính đến các khu vui chơi, giải trí, văn hoá nghệ thuật”.

Theo Phong Vũ

Từ khóa:  nhà hát
Cùng chuyên mục
XEM