Topica, Kyna,... quanh đi quẩn lại chỉ có gia sư và dạy tiếng Anh online, làm sao để vượt lên?

09/08/2016 09:27 AM | Kinh doanh

GotIt! mở văn phòng tại Việt Nam. Kyna.vn được rót vốn triệu USD từ CyberAgent Ventures. Topica đang phát triển nhanh chóng… Tuy nhiên, bức tranh về Edtech Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các hoạt động gia sư hoặc dạy tiếng Anh. Trong khi đó, các Startup toàn cầu đã vượt xa cấp độ này.

Edtech (Công nghệ giáo dục - PV) là một công cụ để người dùng có thể thu được kiến thức theo cách Nhanh hơn, Giá cả hợp lýHiệu quả hơn”, ông Danny Goh – Cofounder của Innovatube – cho biết bên lề hội thảo “Làm thế nào để xây dựng chiến lược xâm nhập thị trường mới cho các Startup giáo dục".

Trong 3 yếu tố trên, Giá cả hợp lý là một yếu tố mà đâu đó có thể giải quyết phần nào bằng cách cung cấp dịch vụ free hoặc áp mức giá thấp hơn so với dịch vụ giáo dục truyền thống. Nhưng hai yếu tố còn lại - Nhanh hơn Hiệu quả hơn, chỉ được giải quyết bằng các ý tưởng hoặc công nghệ sáng tạo – điều mà không nhiều người ở Việt Nam có thể giải quyết được.

“Tôi nghĩ 90% Edtech Startup ở Việt Nam chỉ tập trung vào dạy ngoại ngữ và gia sư”, ông Danny Goh nhận định.

* 90% có vẻ là con số khá lớn?

Ông Danny Goh: Đây chỉ là con số ước lượng. Các Startup tôi gặp đều tập trung vào các lĩnh vực này – dạy ngoại ngữ và gia sư. Ngay cả Topica, GotIt!, Kyna.vn… - tất cả cũng đều tập trung vào lĩnh vực nói trên.

Nhưng bức tranh về Edtech rộng lớn hơn thế.

* Trong bức tranh rộng lớn ấy, Edtech Startup của Việt Nam đang đứng ở đâu?

Họ có lẽ đang ở dưới cấp độ phiên bản 1.0. Bản thân họ đang phải tìm cách để tạo ra các bước đột phá để đi từ mô hình hiện tại sang một mô hình thành công hơn.


Ông Danny Doh. Ảnh: Innovatube.

Ông Danny Doh. Ảnh: Innovatube.

Nhìn chung trên thế giới, Edtech vẫn chưa thực sự thành công như các lĩnh vực khác. Bởi chưa có một bước đột phá thực sự trong Edtech so với các lĩnh vực khác ví như Uber trong lĩnh vực vận tải hay Airbnb trong lĩnh vực khách sạn – nhà ở. Nhưng với Edtech, tất cả mọi người vẫn trông đợi một giải pháp thực sự đột phá.

Ở thời điểm hiện tại, nếu nhìn vào tổng thể, tình trạng Edtech chỉ là các hoạt động gia sư hoặc đào tạo về ngoại ngữ không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước cũng vậy.

Tuy nhiên, Edtech ở Châu Âu và Mỹ đang từ phiên bản 1.0 bước đến phiên bản 2.0. Trong khi đó, các Edtech Startup ở Việt Nam vẫn đang tập trung vào phiên bản 1.0. Có rất nhiều Startup tại Việt Nam tôi thấy hầu hết vẫn dạy ngoại ngữ. Tôi thấy các Startup này đang hoạt động dưới mức tiềm năng.

Vẫn đang chờ một Uber trong Edtech

* Ông có nói về Edtech phiên bản 1.0 và 2.0. Đâu là điểm khác nhau giữa 2 phiên bản này?

Mặc dù mọi người có những quan niệm khác nhau về phiên bản 2.0, nhưng nhìn chung, mọi người cho rằng Edtech 2.0 sẽ giống như các ngành khác, sẽ có những Uber và Airbnb trong lĩnh vực Edtech. Nhưng cần phải có một bước đột phá để có 1 hoặc 2 Startup có thể đại diện cho lĩnh vực này.

Đấy là ý niệm chung của tất cả mọi người về một phiên bản tiếp theo của Edtech.

Mặc dù Edtech trên toàn cầu vẫn chưa đạt được tới phiên bản 2.0 nhưng mọi người vẫn đang cố gắng để thoát khỏi phiên bản 1.0. Thế nhưng, Edtech ở Việt Nam vẫn đang duy trì ở vị trí này.

* Vì họ không muốn thoát ra?

Tôi không nói họ không muốn. Điều tôi muốn nói là tôi mong họ có thể mở rộng tầm mắt để có thể thấy rằng Edtech không chỉ có gia sư và dạy ngoại ngữ. Còn rất-rất-nhiều vấn đề đang chờ giải quyết.

Ví dụ như cung cấp phần mềm cho các trường học để quản lý alumni (cựu học viên) tốt hơn chẳng hạn, hoặc cung cấp phần mềm cho các đơn vị trung gian để tìm các trường ĐH tốt hơn…

Tại sao các bạn cứ phải cạnh tranh với nhau trong 1 lĩnh vực nhỏ trong khi còn rất nhiều vấn đề to lớn hơn đang chờ được giải quyết?

Tôi nghĩ Founders người Việt rất thông minh, có nhiều nguồn lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật. Tôi cho rằng xét về năng lực kỹ thuật thì Việt Nam là quốc gia tốt nhất tại Đông Nam Á. Nhưng chúng ta phải sử dụng nó.

Tại sao chúng ta lại đợi những Founders khác, những Startup từ nước khác đến đây để tận dụng nguồn lực này?

Các Startup Việt Nam nên sử dụng nguồn lực này, nên làm việc cùng họ để tạo ra những giải pháp thực thụ tại trong các lĩnh vực khác trong chuỗi Edtech chứ không chỉ bó hẹp trong các hoạt động dạy ngoại ngữ hay gia sư.

Ai biết chứ? Bạn không thể đo đếm được khả năng giải quyết vấn đề của họ trong việc tiến tới Edtech phiên bản 2.0 nhanh hơn. Tôi thực sự tin các Founders Việt có thể làm vậy, nếu họ bắt đầu hướng tới cho ra sản phẩm tại các phân khúc khác trong chuỗi này.

Có lẽ chúng ta có thể có một Uber trong lĩnh vực giáo dục từ 1 Startup của Việt Nam.

* Tại sao ông lại cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho Edtech Startup?

Việt Nam có một vị thế rất độc đáo. Tôi sẽ đưa ra 2 lý do.

Một là, thị trường Việt Nam lớn hơn khi so với thị trường tại các quốc gia Đông Nam Á khác, có nhiều người dùng mục tiêu hơn.

Hai là, so với các nước ASEAN khác, tôi cảm giác Việt Nam có một nguồn nhân lực rất tốt về kỹ thuật và doanh nhân, trong việc cung cấp những giải pháp thực sự trong lĩnh vực Edtech.

Người Việt thích hàng miễn phí, nếu không có giải pháp thực sự tốt và đột phá, đừng mong họ trả tiền

* Ở Việt Nam, nhiều người vẫn thích những cái gì miễn phí, như ứng dụng miễn phí hay các khóa đào tạo trực miễn phí. Ông có nghĩ đây là trở ngại cho các Startup trong lĩnh vực Edtech?

Để trả lời câu hỏi của bạn, tôi không nghĩ chúng ta có thể thay đổi tiềm thức người dùng. Các Startup Founders không thể thay đổi tiềm thức của người dùng về việc cố gắng thay đổi suy nghĩ người dùng chỉ trong một đêm để họ chi trả cho một sản phẩm đắt đỏ.

Bởi đây vốn là hành vi ứng xử của người dùng ở Việt Nam. Nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cả ngành để có thể thay đổi được, giống như tôi có thể sẵn sàng chi trả cho một chiếc xe Uber và sau này sẽ sẵn sàng chi trả cho dịch vụ Edtech.

Nếu người Việt Nam thích miễn phí thì doanh nghiệp có thể cung cấp các sản phẩm miễn phí ở các giai đoạn khác nhau, và sau này sẽ kiếm tiền bằng giai giai đoạn exit (bán cổ phần), tức doanh nghiệp có thể exit bằng cách lên sàn hoặc bán lại cho công ty khác.

Edtech là một công cụ để người dùng có thể thu được kiến thức theo cách Nhanh hơn, Giá cả hợp lý và Hiệu quả hơn.

Trong 3 yếu tố trên, Giá cả hợp lý là một yếu tố mà đâu đó có thể giải quyết phần nào bằng cách cung cấp dịch vụ free hoặc áp mức giá thấp hơn so với dịch vụ giáo dục truyền thống. Nhưng hai yếu tố còn lại - Nhanh hơn và Hiệu quả hơn, chỉ được giải quyết bằng các ý tưởng hoặc công nghệ sáng tạo – điều mà không nhiều người ở Việt Nam có thể giải quyết được.

Tại thời điểm hiện tại, khá khó khăn để thay đổi nếu các Edtech Founders tại Việt Nam bắt đầu thoát ra khỏi suy nghĩ chỉ tập trung vào đào tạo ngoại ngữ hay gia sư, để nghĩ nhiều hơn vào yếu tố Nhanh hơn và Hiệu quả hơn. Bởi Việt Nam có nguồn lực IT khá tốt. Họ có thể nhận được sự hỗ trợ từ một người giảng dạy thực thụ để tìm ra đâu là vấn đề thực sự ở trong chuỗi này, hoặc đầu là công nghệ để hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Nếu người dùng cuối có thể thấy đây là một giải pháp mới, đột phá, một giải pháp cực cool, có thể mang lại cho họ nhiều lợi ích hơn so với các dịch vụ giáo dục truyền thống họ nhận được, họ chắc chắn tình nguyện trả phí.

Vấn đề là ngay lúc này đây, rất nhiều người chỉ nghĩ: Ồ, các bạn chỉ cung cấp các giải pháp đào tạo ngoại ngữ online, hoặc gia sư online. Khi họ so sánh với các dịch vụ truyền thống, dịch vụ của các bạn không quá vượt trội hơn, và thực sự lợi ích mang lại ít hơn bởi cách giáo dục này không tương tác trực tiếp…

Nếu vậy, đương nhiên, họ chỉ tình nguyện chi trả ít tiền hơn hoặc thậm chí muốn miễn phí. Tôi có cảm giác đây là tình huống hiện tại. Nhưng có thể thay đổi rất dễ dàng nếu Founders ở Việt Nam bắt đầu nghĩ đến bức tranh lớn hơn để giải quyết các vấn đề khác của Edtech.

* Đâu là yếu tố mà các Edtech Startup ở Việt Nam còn thiếu?

Thời điểm hiện nay, có rất nhiều founders – người trẻ từ 25 – 30 tuổi - mới trở thành giảng viên trong ít năm trong việc giảng dạy tiếng Anh. Họ chưa thực sự hiểu Giáo dục thực sự là gì, hoặc họ không thực sự hiểu công nghệ thực sự có thể tạo ra những gì.

Họ cần tham khảo những chuyên gia trong lĩnh vực vày. Tôi không nói họ không thể điều hành công ty, nhưng họ nên ra ngoài và hỏi những chuyên gia thực sự trong ngành xem đâu là vấn đề thực sự, họ có thể tiếp tục hỏi những chuyên gia công nghệ xem họ có thể hỗ trợ tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Nhưng ngay lúc này đây, tôi có cảm giác Edtech Founders ở Việt Nam hoàn toàn đang đi đơn độc.

Hầu hết bọn họ mới có chút ít năm kinh nghiệm giảng dạy, chủ yếu giảng dạy tiếng Anh. Và rồi họ khởi sự kinh doanh. Họ không có một mạng lưới mạnh với những giảng viên thực thụ – những người đã giảng dạy 30-40 năm ở Việt Nam tại các trường cấp 3 chẳng hạn. Đấy chính là những người nắm được vấn đề thực sự của giáo dục.

Vì vậy, định nghĩa của tôi về Edtech ở Việt Nam là vẫn dưới phiên bản 1.0 - nơi mọi người đang cố gắng lao vào một thành tố duy nhất trong chuỗi – gia sư và đào tạo ngoại ngữ. Nhưng còn rất nhiều thành tố khác trong chuỗi này có thể làm được.

Nếu gặp các Edtech ở Châu Âu hay Mỹ, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy các giải pháp khác nhau mà những Edtech Founders đang cố gắng đưa ra để giải quyết một vấn đề nào đó.

Giải pháp quay người trước camera nhưng cùng lúc hiển thị 3D ở một môi trường khác chẳng hạn. Đây là một công nghệ mới nhưng không quá khó. Và tôi tin người Việt có thể làm được.

Hay như một vài người cố gắng cung cấp giải pháp công nghệ tương tác ảo (Augmented reality - AR) – một chủ đề rất hot đang được ứng dụng trong Pokemon Go! Sao chúng ta không sử dụng công nghệ này để giảng dạy sinh viên để việc thu nhận kiến thức dễ dàng hơn?

* Xin cảm ơn ông!

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM