Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện một hành trình marathon không mệt mỏi với các chương trình đối thoại doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư ở nhiều tỉnh, thành phố và cả ở nước ngoài. Với việc lắng nghe kỹ càng phản ánh từ các doanh nhân, Thủ tướng cũng có những phản hồi nhanh chóng và thiết thực. Quyết định không cho phép thanh kiểm tra quá 1 lần/năm với doanh nghiệp được ký ngay trong hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp là ví dụ điển hình.

Cam kết về một Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động, và phục vụ” cũng được thể hiện rất rõ qua các chỉ thị và buổi làm việc cuả Thủ tướng với các bộ ngành, địa phương. Những phát ngôn như “phải gãi đúng chỗ, không để ngứa trên đầu mà cứ gãi dưới chân”, “cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm”… đều đi cùng với hành động đã chứng minh cho cam kết của Thủ tướng.

Tháng 9/2017, Bộ Công thương công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh – mức lớn chưa từng có trong lịch sử ngành này, kéo theo động thái tương tự của hàng loạt bộ, ngành khác thời gian ngay sau đó. Cam kết về một Chính phủ “hành động và phục vụ” trở nên rất rõ nét.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn. Mục tiêu là phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Sinh năm 1961 tại xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan xuất thân là kiến trúc sư nhưng lại sớm bước chân vào con đường chính trị. Ông từng giữ chức vụ phó bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp trước khi được bầu vào vị trí Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp thay cho người tiền nhiệm được điều động về Ban kinh tế Trung Ương. Ông giữ chức vụ này từ tháng 4/2014 và tái đắc cử nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong nhiệm kỳ Bí thư tỉnh ủy lần thứ hai của mình, ông Lê Minh Hoan góp phần quan trọng đưa Đồng Tháp – một tỉnh thuần nông, thiếu lợi thế tự nhiên – vào danh sách top 3 địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cao nhất năm 2016. Trong mắt nhiều doanh nghiệp tại Đồng Tháp, lý do khiến họ quyết định đầu tư kinh doanh tại đây là có ông “Xích Lô” – vị “Bí thư hay cười” – luôn đặt bản thân vào vai trò của người kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyển để đưa miền đất của loài sen hồng này trở thành điểm đến của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp trong cả nước.

Ông từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành lời khen ngợi vì “hàng tuần đều uống cà phê với doanh nghiệp, giải quyết trực tiếp những kiến nghị của doanh nghiệp. Đây là hình ảnh của người lãnh đạo rất tuyệt vời”.

Diễn ra từ ngày 6 đến 11/11/2017, với trên 11.000 người tham dự, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á,Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam là một trong số ít Tuần lễ Cấp cao thu hút sự tham dự đông đảo của các giới gồm 4.500 quan chức các nền kinh tế thành viên APEC, hơn 4.000 doanh nghiệp và gần 3.000 phóng viên báo chí, trở thành sự kiện kinh tế mang đậm dấu ấn của Việt Nam trong năm 2017. Trong lần tổ chức này, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đã có nhiều bước tiến trong việc định hướng tương lai một trong những nhóm đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu thế giới, khi 21 nền kinh tế thành viên đã chiếm khoảng 60,5 % GDP toàn cầu, 51% thương mại quốc tế và 53,1% FDI.

Trong số những nội dung lớn về hợp tác kinh tế, định hướng tương lai đã được bàn thảo tại Đà Nẵng năm nay, ngoài “Tuyên bố Đà Nẵng” nhằm tạo động lực mới cho hợp tác APEC, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tăng cường liên kết kinh tế khu vực (đặc biệt có tác động tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa), cuộc đàm phán bên lề của 11 nền kinh tế để thông qua các nội dung khung của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – thỏa thuận được đánh giá là cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định trước đây đã ký trên thế giới - cũng là thành công lớn của Tuần lễ Cấp cao APEC.

Thành công chung của APEC 2017 đã thể hiện được quyết tâm cao của nước chủ nhà Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện vào cộng đồng quốc tế, chứng tỏ bản thân là một thành viên tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm của APEC cũng như trên thế giới.

Năm 2017, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chiếm 3 vị trí số 1 quan trọng nhất của khối doanh nghiệp trong nước: công ty có lợi nhuận tốt nhất, thương hiệu giá trị nhất, nộp thuế lớn nhất. Ở mảng đầu tư ra nước ngoài, Viettel bắt đầu kinh doanh tại Myanmar - thị trường quốc tế thứ 10, và có 5 quốc gia đứng vị trí số 1 về thị phần viễn thông. Tại APEC CEO Summit 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, Tổng thống Peru – ông Pedro Pablo Kuczinski đã lấy Viettel là ví dụ điển hình của thành công nhờ tự do hoá thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Với thương hiệu được Brand Finance định giá hơn 2,56 tỷ USD, lợi nhuận năm 2017 từ hoạt động kinh doanh khoảng hơn 2 tỷ USD, sở hữu hạ tầng 4G thuộc top hiện đại của thế giới và thành công lớn trong nghiên cứu sản xuất thiết bị 4G, OCS lớn nhất thế giới - sản phẩm được coi là “Core Banking của mạng viễn thông”, vũ khí công nghệ cao… Viettel là một công ty Nhà nước đặc biệt nhất, không giống với bất kỳ một mô hình nào trước đó.

Những thành công lớn ở trong nước cùng với tầm ảnh hưởng quốc tế (tập đoàn này nằm trong Top 30 nhà mạng lớn nhất thế giới và tạo ra nhiều cuộc cách mạng về viễn thông ở các quốc gia khác tương tự như thành công trong nước), Viettel chính là “Samsung của Việt Nam”.

Tháng 12/2017, tỷ phú Phạm Nhật Vượng – ông chủ của tập đoàn Vingroup – ghi tên mình vào danh sách 500 người giàu nhất thế giới, và trở thành doanh nhân Việt Nam được xếp hạng cao nhất trong lịch sử của Forbes. Ông đồng thời cũng lấy lại danh hiệu người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau nhiều lần bị đẩy xuống vị trí thứ hai. Tài sản của ông Vượng được Forbes ước tính ở mức 4,2 tỷ USD, trong khi con số đồn đoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên mức 5,5 tỷ USD.

Cú huých tạo nên mức tăng tài sản kỷ lục của vị này trong năm 2017 là việc Vingroup khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng với vốn điều lệ 5.250 tỷ đồng, thành lập Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) với Giám đốc là 2 cầu thủ huyền thoại của Manchester United (Ryan Giggs và Paul Scholes), đồng thời đưa công ty con Vincom Retail lên sàn HOSE. Trong kế hoạch của vị tỷ phú này, Vingroup sẽ sớm vươn dài hoạt động sang ngành giải trí với việc đầu tư mạnh hơn vào xây dựng công viên kiểu Disney, phát triển hãng phim VinTaTa và hoàn tất công trình tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81 ở Sài Gòn.

Từng tốt nghiệp Kinh tế Địa chất tại Nga, ông Phạm Nhật Vượng đã phát triển kinh doanh từ ngành thực phẩm tại Ukraina, với công ty LLC Technocom chuyên sản xuất và phân phối mì gói, bột canh. Sau gần 20 năm về nước kinh doanh thông qua việc thành lập tập đoàn Vingroup, hiện tại, ông Vượng đã trở thành ông chủ của doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, kinh doanh trải dài trên nhiều lĩnh vực từ địa ốc, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, ô tô,…

Ngày 28/2/2017, cổ phiếu của Vietjet Air chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán với mã VJC, giá tham chiếu 90.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch kiêm CEO Vietjet Air nắm hơn 39,5 triệu cổ phiếu VJC tương đương 8,76% vốn điều lệ. Sự gia tăng nhanh chóng của giá cổ phiếu VJC cũng khiến tài sản cá nhân của bà Thảo tăng gấp rưỡi trên sàn chứng khoán những tháng sau đó.

Theo định giá của Forbes, tài sản của bà Thảo đạt 2,3 tỷ USD và trở thành nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam. CEO Vietjet đứng thứ 3 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng cùng ông Phạm Nhật Vương – Chủ tịch Vingroup, đứng trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes. Một “tỷ phú” khác đứng trên bà Thảo về tài sản ở sàn chứng khoán Việt Nam nhưng không được Forbes xếp hạng.

Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam còn giữ chức Chủ tịch Sovico Holding và Phó chủ tịch HDBank. Bà Thảo cũng là nữ doanh nhân Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes, xếp vị trí thứ 55 trên cả Hillary Clinton (đứng thứ 65).

Từ một triệu phú sinh viên năm 21 tuổi tại Nga, bà Thảo về nước và bắt tay vào kinh doanh bất động sản. Năm 2013, bà lập nên hãng hàng không tư nhân giá rẻ Vietjet Air, và chỉ 3 năm sau, hãng có lãi. Đến năm 2016, Vietjet Air vượt Vietnam Airlines về thị phần trong ngành hàng không, khi đảm nhận vận chuyển 42% lượng hành khách nội địa. CEO Vietjet được mệnh danh là “người phụ nữ làm thay đổi ngành hàng không Việt Nam”.

Chúng tôi chọn Đào Chi Anh làm nhân vật cho “startup của năm” vì cô gái này là điển hình cho thành công nhanh chóng, cùng với sự nổi tiếng, hào nhoáng trên thế giới mạng. Rồi Chi Anh thất bại, phải rời công ty do mình sáng lập, stress nặng, đổ lỗi cho nhà đầu tư…Startup không phải màu hồng mà phần lớn gặp thất bại với Đào Chi Anh là ví dụ tiêu biểu. Tuy nhiên, cô gái này không gục ngã.

Câu chuyện về Đào Chi Anh với mối lương duyên The KAfe từng kết lại trong năm 2016 với nỗi buồn về một startup nổi tiếng nhờ huy động thành công 5,5 triệu USD vốn đầu tư từ London và Hong Kong nhưng không thành công trong kinh doanh. Đầu năm 2017, khi The KAfe chính thức đóng cửa, truyền thông lại dậy sóng vì những lời tâm sự gan ruột của nữ sáng lập sinh năm 1984 khi cô cho biết mình từng ở đỉnh cao của sự cô đơn, trải qua cảm giác cực kỳ đau đớn khi thất bại. Đào Chi Anh cảm thấy kinh khủng trước áp lực trở thành "người thành công trên mạng xã hội", bị hút cạn thời gian bởi những phán xét vô lý, và mất niềm tin vào đối tác, bạn đồng hành.

Thế nhưng, chỉ 1 tháng sau khi rời The KAfe, Đào Chi Anh đã nung nấu ý định mở một tạp chí ẩm thực. Gần một năm sau đó, Chi Anh trở thành chủ một công ty mới: DCA Holdings International. Đây là agency đầu tiên của Việt Nam chuyên về ẩm thực, với đối tác lớn nhất là Golden Gate. Dự án đầu tiên của mối lương duyên này là chuỗi cửa hàng trà Yu Tang.

Ngoài Golden Gate, DCA Holdings còn hợp tác với nhiều thương hiệu khác như Thu Hương Bakery, Maian Bakers, Olive Studio trong mảng bánh ngọt hay C'est Si Bon trong mảng cà phê, và ra mắt tạo chí Nếp Magazine. Từng khởi nghiệp thành công, rồi thất bại cũng hoành tráng nhưng Đào Chi Anh đang quay trở lại…

Ra đời vào năm 2009, nhưng năm 2017 mới là thời điểm bùng nổ của Bitcoin - loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Dựa trên những đặc tính quan trọng như ẩn danh, số lượng hữu hạn (21 triệu đồng), được phân chia hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán và ai cũng có quyền sở hữu nếu đưa ra lời giải chính xác cho các phương trình toán học, kỷ nguyên blockchain trong giao dịch hiện đại được mở ra. Bitcoin dần trở thành trung tâm của các giao dịch tiền ảo trên thế giới, giá tăng từ 1.023 USD (2/1/2017) lên 20.000 USD (8/12/2017) - mức cao nhất mọi thời đại.

Sự thành công của Bitcoin đã vượt qua những đoán định lạc quan nhất của giới đầu tư, nhất là khi đồng tiền này từng trở thành tâm điểm chỉ trích của những ông lớn ngân hàng thế giới và vướng hàng loạt biện pháp ngăn chặn mở rộng giao dịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, Nga… Vốn hóa của Bitcoin vượt 300 tỷ USD, cao hơn GDP nhiều quốc gia phát triển, và không có dấu hiệu ngừng “phình to” khi giới hạn giá của Bitcoin vào thời điểm này hầu như chưa thể xác định.

Trong vòng xoáy điên cuồng của Bitcoin, nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú thế giới, nhưng cũng có không ít người tay trắng, thậm chí tìm đến cái chết vì biên độ dao động quá lớn của đồng tiền này qua những lần điều chỉnh là hàng ngàn USD chỉ trong 24h. Dù thắng hay bại, tất cả họ đều đã bỏ qua hàng loạt cảnh báo về mã độc, bong bóng thị trường, trò lừa thế kỷ mà các chuyên gia gắn với Bitcoin và góp phần tạo nên một năm 2017 cực kỳ khó tin với thế giới tiền ảo.

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 4/12/2017 tại nên kỷ lục cao nhất của chỉ số VnIndex - chỉ số chứng khoán chính của sàn giao dịch TP HCM - khi chốt mức 970,02 điểm. Đây cũng là mức điểm cao nhất trong vòng 10 năm của chỉ số chứng khoán Việt Nam kể từ tháng 12/2007. Nếu so sánh với đầu năm, VnIndex đã tăng khoảng 300 điểm, mức tăng ấn tượng nhất khoảng trong một thập niên qua.

Thanh khoản toàn thị trường trong ngày 4/12 đạt 267 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 6.084 tỷ đồng, và trở thành phiên giao dịch có giá trị giao dịch cao thứ hai trong lịch sử thị trường chứng khoán. Đà hưng phấn của thị trường đồng thời cũng đưa hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh mọi thời đại, điển hình như VIC, VNM, VJC, MWG, ACV...

Sự thăng hoa của VnIndex cũng đưa chỉ số này vào top 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2017. Dù đã bắt đầu xuất hiện những phiên điều chỉnh ngay sau đó, nhưng phần lớn giới chuyên gia vẫn đặt cược vào việc VnIndex sẽ kết thúc năm 2017 ở mốc tiệm cận 1.000 điểm.

Lên sàn từ tháng 12/2016 nhưng Sabeco chỉ trở thành “siêu cổ phiếu” sau khi kế hoạch thoái vốn của Bộ Công thương được công bố. Với mức giá chào bán 320.000 đồng/cổ phiếu, Sabeco được định giá đắt nhất thế giới tính theo chỉ số P/E. Mức giá chào bán này đưa P/E của SAB đạt 47. Mức giá giao dịch trên 300.000 đồng mà SAB đạt được cũng là hiếm hoi đối với một cổ phiếu niêm yết trong 10 năm trở lại đây.

Theo dự báo của Bloomberg, trong 12 tháng tiếp theo, cổ phiếu Sabeco sẽ giao dịch với chỉ số P/E là 37,8 lần, cao hơn nhiều so với mức 19 lần của Asahi, 20 lần của Heineken và 24 lần của Kirin.

Ngày 18/12/2017, khi giao dịch chào bán cổ phiếu Sabeco trị giá gần 5 tỷ USD được hoàn tất, công ty này không chỉ ghi dấu ấn là thương vụ thoái vốn tỷ đô kỷ lục của năm 2017 mà còn lớn nhất, với cách thức chưa từng có trong lịch sử ngành chứng khoán và tiến trình cổ phần hóa Việt Nam.

Buổi đấu giá chào bán cạnh tranh chỉ có 2 nhà đầu tư “trong nước” tham gia, gồm 1 cá nhân mua 20.000 đơn vị, và 1 tổ chức mua trọn lô 343,66 triệu cổ phần. Tổ chức bỏ gần 5 tỷ USD để mua SAB là Vietnam Beverage - một công ty mới thành lập 2 tháng ở Việt Nam, vốn điều lệ 681,66 tỷ đồng. Công ty có 3 nhân viên, có trụ sở tại phòng khách của một gia đình nằm trong một con ngõ nhỏ của khu tập thể 16A Lý Nam Đế, Hà Nội. Đứng sau Vietnam Beverage là ThaiBev của tỷ phú Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi.