Top 10 doanh nghiệp thịnh vượng Việt Nam 2017: Điều gì tạo nên sự thịnh vượng?

13/04/2017 09:33 AM | Kinh tế vĩ mô

Nếu ví doanh nghiệp như những tế bào của nền kinh tế, thì doanh nghiệp thịnh vượng chính là những tế bào khỏe mạnh nhất tạo nên sự thịnh vượng quốc gia.

Bảng xếp hạng BP500 – 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng năm 2017 được đánh giá dựa trên các tiêu chí chính bao gồm: hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả, khả năng tạo việc làm cho xã hội và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và cộng đồng.

Tại buổi lễ công bố 500 doanh nghiệp tăng trưởng và thịnh vượng Việt Nam năm 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Đặng Huy Đông đánh giá cao những doanh nghiệp được vinh danh. Họ đều là những đại diện có hoạt động kinh doanh tốt, có tiềm năng tăng trưởng, không ngừng tìm tòi, sáng tạo và linh biến trong kinh doanh; có trách nhiệm xã hội và cộng đồng, cũng như góp phần không nhỏ cho sự phát triển và phồn vinh của nền kinh tế.

Top 10 B1 có tổng doanh thu bình quân: 114.545 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế bình quân 13.862 tỷ đồng, số lao động bình quân 17.819 người.

Thịnh vượng là một khái niệm chứa đựng đầy đủ các yếu tố, đó là sự bùng nổ về mặt vật chất, sự hoàn mỹ nội tại về mặt tinh thần, cộng với những ảnh hưởng của cả khối vật chất, tinh thần đến những người xung quanh hay những cộng đồng lân cận. Với một doanh nghiệp, sự thịnh vượng được thể hiện ở các nhóm chỉ số tài chính: tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời…, chỉ số nhân lực: số lượng lao động, thu nhập bình quân lao động… và chỉ số trách nhiệm xã hội và cộng đồng (CSR).

Theo đó, các doanh nghiệp thịnh vượng được xem như những đại diện tiêu biểu có thành tích kinh doanh xuất sắc, có triển vọng tăng trưởng và có trách nhiệm xã hội và cộng đồng. Nếu ví doanh nghiệp như những tế bào của nền kinh tế, thì doanh nghiệp thịnh vượng chính là những tế bào khỏe mạnh nhất tạo nên sự thịnh vượng quốc gia.

Tăng trưởng là nền tảng của sự thịnh vượng

Theo nhận định của 85,7% doanh nghiệp khảo sát, tăng trưởng doanh thu/ lợi nhuận là mục tiêu chính yếu của doanh nghiệp trong thời gian tới. Để tăng trưởng trong ít nhất 2 năm tiếp theo, các doanh nghiệp dự tính sẽ chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm/ dịch vụ (76,2% lựa chọn), chất lượng nhân lực (52,4%) và mô hình quản trị doanh nghiệp (42,9%).

Các ưu tiên trong chiến lược kinh doanh của Doanh nghiệp thịnh vượng. Nguồn: Vietnam Report.​

Doanh nghiệp thịnh vượng phải gắn kết với xã hội và cộng đồng

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, 5 vấn đề xã hội nhận được nhiều phản hồi nhất từ phía các doanh nghiệp là: thúc đẩy tính minh bạch trong kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng địa phương, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo vệ môi trường và hỗ trợ việc làm cho thanh niên.

Nhận định của DN về 5 vấn đề xã hội quan trọng nhất mà DN đã góp phần giải quyết trong những năm qua. Nguồn: Vietnam Report.

Theo đó, động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhiều nhất trong việc thực thi các chiến lược CSR là nhằm bảo tồn và nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp (chiếm 89,5% phản hồi của doanh nghiệp). Đây là minh chứng cho thấy doanh nghiệp đã ý thức được rằng việc “cho đi” không hoàn toàn chỉ đem tới đóng góp cho cộng đồng, xã hội mà thực chất doanh nghiệp còn có thể “nhận lại”, được hưởng những lợi ích từ những hoạt động doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp thể hiện sự “tôn trọng” sản phẩm, thương hiệu của mình thì xã hội sẽ mang lại lợi nhuận cho chính bản thân doanh nghiệp.

Theo Linh Bùi

Cùng chuyên mục
XEM