Tổng thống Trump quyết định áp thêm thuế với hàng hoá Trung Quốc, chứng khoán Mỹ 'đỏ lửa', Dow Jones tiếp tục mất gần 300 điểm

02/08/2019 08:34 AM | Xã hội

Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 8, chứng khoán Mỹ chứng kiến đà sụt giảm mạnh, xoá bỏ đà tăng trước đó của phiên. Nguyên nhân của diễn biến này là Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào nước này.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên giảm 280,85 điểm xuống còn 26.583,42 điểm. Ở đầu phiên, chỉ số gồm 30 cổ phiếu này đã tăng mạnh lên 311 điểm. S&P 500 kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 2.953,56 điểm, sau khi tăng hơn 1%. Nasdaq Composite đóng cửa sụt 0,8% còn 8.111,12 điểm, sau khi tăng hơn 1,6%.

Tổng thống Trump cho biết trong một loạt các tweet rằng thuế quan sẽ được áp dụng đối với 300 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9.

Sau đó, ông cho biết thêm mức thuế 10% đó có thể sẽ được nâng lên 25%. Bình luận của ông Trump được đưa ra sau khi một phái đoàn Mỹ có cuộc gặp với các quan chức thương mại Trung Quốc vào đầu tuần này. Đó là những cuộc đàm phán thương mại trực tiếp đầu tiên giữa Trung Quốc và Mỹ kể từ khi cả hai nước đạt được thỏa thuận "ngừng bắn" hồi tháng 6 tại Osaka - Nhật Bản.

Tổng thống Trump quyết định áp thêm thuế với hàng hoá Trung Quốc, chứng khoán Mỹ đỏ lửa, Dow Jones tiếp tục mất gần 300 điểm - Ảnh 1.

Diễn biến của S&P 500 trong phiên.


Cổ phiếu của Caterpillar và Deere, hai cổ phiếu dẫn sóng cho thương mại toàn cầu, đã giảm 2,6%. Boeing cũng mất 2%. Cổ phiếu của FedEx sụt 4,2%.

Apple, công ty đã cố gắng tránh sự ảnh hưởng nặng nề từ thuế quan thương mại Mỹ - Trung Quốc, đã giảm 2,2%. "Gã khổng lồ" công nghệ nói với đại diện thương mại Mỹ  Robert Lighthizer vào ngày 17 tháng 6 rằng, thuế quan đối với 300 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu còn lại của Trung Quốc sẽ bao gồm "tất cả các sản phẩm chính của Apple."

Các cổ phiếu của nhà bán lẻ như Nike đã giảm 3,4%. Yeti Holdings giảm 7% trong khi PVH mất 6,9%. Chứng chỉ quỹ ngành bán lẻ SPDR S&P Retail ETF (XRT) giảm mạnh ở 3,2%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc giảm mạnh sau khi thông tin trên được đưa ra. Trái phiếu lợi suất 10 năm giảm 1,892%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Trái phiếu lợi suất 2 năm cũng tương tự, giao dịch ở mức 1,752%.

Giá vàng tăng vọt khi các nhà đầu tư tìm kiếm một hầm trú ẩn an toàn, tăng 1,2% và xóa đà giảm trước đó. Chỉ số biến động Cboe (VIX), được coi là thước đo hiệu quả nhất về tâm lý lo ngại trên thị trường, tăng 8,7% ở quanh mức 17,57.

Trước đó trong phiên, thị trường đồng loạt tăng điểm, vì các nhà đầu tư đang đặt cược Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 9.

Fed đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào thứ Tư - lần cắt giảm đầu tiên trong hơn một thập kỷ - với lý do đà tăng trưởng toàn cầu đang giảm tốc, cùng với việc không có dấu hiệu lạm phát.

Nhưng Chủ tịch Jerome Powell đã nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo sau quyết định của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) rằng quyết định cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương là một sự điều chỉnh giữa chu kỳ, phát tín hiệu rằng việc cắt giảm lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay không phải là điều chắc chắn.

Nhận xét đó đã khiến Dow Jones "bay" 333 điểm, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 31/5. Kết thúc tháng 7, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 1,1% và 1,2%.

Thứ Năm đánh dấu ngày giao dịch đầu tiên của tháng 8, vốn là tháng không thuân lợi với Phố Wall. Kể từ năm 1950, tháng 8 đã là tháng tồi tệ thứ hai đối với S&P 500, theo Stock Trader Tra Almanac. Trong thời gian đó, S&P 500 đã mất trung bình 0,1% trong tháng 8.

Các nhà đầu tư sẽ kết thúc ngày thứ Sáu với báo cáo việc làm tháng 7. Các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones dự kiến ​​nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ có thêm 165.000 việc làm vào tháng trước.

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM