Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện chính sách bảo hộ thương mại?

07/07/2017 14:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Báo cáo mới đây của Trung tâm CEPR cho thấy những quyết định cứng rắn và thậm chí gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến những đối tác thương mại chủ chốt hạn chế các rào cản thương mại lên hàng hóa Mỹ do lo ngại sẽ bị trả đũa một cách phi lý.

Theo đó, CEPR cho biết những nền kinh tế lớn trong nhóm G20 đã áp đặt 52 quy định bao gồm hàng rào thuế quan, hạn ngạch… lên hàng hóa Mỹ trong nửa đầu năm 2017, ít hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng những quyết định mạnh mẽ gây bất ngờ đã khiến các nền kinh tế phải suy tính kỹ hơn khi có động thái áp đặt lên hàng hóa Mỹ.

Những tổ chức khác như Capital Economics cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng các nước muốn bảo hộ thương mại trước hàng hóa Mỹ sẽ phải dè chừng hơn khi ra quyết định. Theo đó, tổ chức này cho biết Mexico đã phải có thái độ mềm dẻo trước những động thái cứng rắn của Tổng thống Trump và điều đáng ngạc nhiên là tư tưởng bảo hộ của nhà lãnh đạo này lại có vẻ khiến thương mại toàn cầu bớt bảo hộ hơn trước.

Trước đó, Nhà Trắng đã chỉ trích những đối tác thương mại như Đức hay Trung Quốc về việc gây nên thâm hụt thương mại cho Mỹ. Với quan điểm trên, Tổng thống Trump đã có những dấu hiệu cho thấy sẽ rút lui hoặc đàm phán lại các hiệp định thương mại mà ông cho rằng gây bất lợi chi người dân Mỹ.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã áp đặt 189 quy định chống lại các hàng hóa của những nước thuộc G20, cao hơn mức bình quân của nhiệm kỳ thứ 2 của Cựu Tổng thống Barack Obama.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ là quốc gia áp đặt nhiều quy định lên các hàng hóa của thành viên G20 nhất thế giới. Kể từ năm 2008, Mỹ đã áp đặt gần 1.250 quy định bảo hộ lên các hàng hóa thương mại, cao hơn rất nhiều so với con số 265 của Trung Quốc và 145 của Hàn Quốc.

Tất nhiên, những động thái cứng rắn của Tổng thống Trump đã khiến nhiều quốc gia bất bình. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng việc giải quyết các vấn đề bằng những biện pháp cứng rắn và bảo hộ là một sai lầm.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe cũng tuyên bố hiệp định thương mại tự do EU-Nhật mới hoàn thành là một bước tiến trong thế giới đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tích cực tuyên dương tự do thương mại trong những bài phát biểu gần đây.

BT

Cùng chuyên mục
XEM