Tổng thống Obama: "Sự chia rẽ đau thương nhất cũng có thể hàn gắn"

28/05/2016 09:08 AM | Kinh doanh

Đúng như dự đoán, ông Obama không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào về vụ Hiroshima. Song theo ông Eiji Hattori, nhân chứng thảm hoạ Hiroshima, những lời phát biểu của Tổng thống Obama có thể coi như là một lời xin lỗi dù ông Obama không nhắc đến từ đó.

Bỏ lại phía sau lưng những lời chỉ trích và mọi phỏng đoán, cuối cùng ông Obama đã làm được điều đó. Ông đã trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân đến mảnh đất Hiroshima 71 năm sau khi Mỹ thực hiện cuộc đánh bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới dội xuống thành phố xinh đẹp này.

Chuyến viếng thăm Hiroshima của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 27/5 vì thế đã thu hút sự chú ý đặc biệt của toàn thế giới. Còn đối với đất nước mặt trời mọc, đây là một chuyến thăm tạo ra nhiều cảm xúc bởi như theo lời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe không chỉ người dân Hiroshima mà toàn bộ nhân dân Nhật chờ đợi chuyến thăm này quá lâu.

Nhiều người dân Hiroshima sống sót sau thảm hoạ này thậm chí không tin là mình có thể sống lâu để được tận mắt chứng kiến những gì đã diễn ra trong ngày 27/5 tại Công viên Hoà Bình, Hiroshima. Tổng thống Obama đặt vòng hoa ở đài tưởng niệm, sau giây lát trầm ngâm ông cúi nhẹ đầu xuống. Với hành động này, ông đã bày tỏ lòng thành kính đến nhân dân Hiroshima và kêu gọi nhân loại rút ra bài học từ quá khứ để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

Ông nói: "Vào một buổi sáng trong trẻo, trời quang mây tạnh, tử thần từ bầu trời dội xuống và làm thay đổi thế giới. Nhân loại ngày đó đã có phương tiện để tự huỷ diệt mình. Tại sao chúng tôi lại đến Hiroshima? Chúng tôi đến đây để suy ngẫm về sức công phá khủng khiếp của quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống trong quá khứ không xa.

Chúng tôi đến để tỏ lòng thương tiếc những người đã khuất. Tâm hồn của họ nói với chúng tôi, họ đề nghị chúng tôi hãy nhìn vào sâu thẳm lòng mình và nhìn nhận mình là ai”. Trong giây phút xúc động, Tổng thống Obama đã ôm lấy ông Shigeaki Mori, 79 tuổi, một nạn nhân sống sót sau thảm hoạ Hiroshima.

Ông Mori nói: "Ngài tổng thống có những cử chỉ dường như ông ấy muốn ôm lấy tôi và thế là chúng tôi ôm nhau”. Ông Mori còn được biết tới là người trong hàng thập kỷ qua đã tham gia tìm kiếm gia đình của 12 tù nhân chiến tranh Mỹ, những người đã chết trong cuộc đánh bom nguyên tử này để đảm bảo cho những cái chết họ chính thức được công nhận.

Tổng thống Obama còn có cuộc trò chuyện với một nạn nhân còn sống sót khác là ông Sunao Tsuboi, 91 tuổi. Ông Tsuboi đã cảm ơn Tổng thống Obama đã đến thăm Hiroshima song ông cũng nhắc nhớ Tổng thống Obama về trách nhiệm phải hành động để hiện thực hoá ước nguyện đưa thế giới đến một kỷ nguyên không có vũ khí hạt nhân. Có những khoảnh khắc Tổng thống Obama và ông Tsuboi cùng lấp lánh nụ cười. Song Tổng thống Obama chủ yếu lắng nghe ông Tsuboi nói vừa nắm chặt lấy tay ông.

Trong bài phát biểu của mình, ông Obama đã thúc giục thế giới chọn một tương lai mà trong đó Hiroshima và Nagasaki không phải là "bình minh" của chiến tranh hạt nhân mà cần là sự khởi đầu thức tỉnh mọi lương tri.

Ông nói: "Tiến bộ công nghệ mà không song hành với tiến bộ trong các định chế của loài người có thể làm chúng ta diệt vong. Cuộc cách mạng khoa học đã dẫn tới sự phân tách nguyên tử nhưng đi kèm với nó cần phải có cuộc cách mạng về đạo đức. Đó chính là lý do vì sao chúng tôi đến nơi này.

Chúng tôi đứng ở đây, giữa lòng thành phố Hiroshima để bắt mình thử tưởng tượng thời điểm bom rơi. Chúng tôi bắt mình phải cảm thấy sự khiếp sợ của trẻ em bởi những gì chúng thấy. Chúng tôi nghe thấy tiếng than khóc lặng lẽ. Một ngày nào đó những tiếng nói này sẽ không còn ở bên chúng ta để làm bằng chứng, song ký ức sẽ không bao giờ nhạt phai. Ký ức đó khơi dậy trí tưởng tượng của chúng ta. Nó cho phép chúng ta thay đổi”.

Bài phát biểu của Tổng thống Obama còn nhắc đến hàng chục ngàn người Hàn Quốc, nhiều người trong đó là lao động khổ sai cũng như những người Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc ném bom nguyên tử ở Hiroshima.

Trước chuyến thăm Hiroshima, Tổng thống Obama đã phát biểu rằng "chuyến thăm Hiroshima sẽ là một bằng chứng cho thấy thậm chí những sự chia rẽ đau thương nhất cũng có thể hàn gắn. Hai nước có thể trở thành không chỉ là đối tác mà còn là những người bạn tốt nhất của nhau".

Thủ tướng Abe mô tả chuyến thăm này của Tổng thống Obama là một hành động "dũng cảm”. Ông nói: "Một vị tổng thống Mỹ đã đến để tìm hiểu thực tế về đánh bom nguyên tử và tiếp tục chủ trương hiện thực hoá một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Ông Kaneo Izumi, một cư dân Hiroshima là một trong hàng trăm người đã có mặt tại công viên Hoà Bình vào buổi tối ngày 27/5, cho biết bài phát biểu của Tổng thống Obama đã đem lại hy vọng cho những người già còn sống sót sau thảm hoạ này, những nạn nhân đã chờ đợi hầu như cả đời mình để được thấy một vị tổng thống Mỹ đến thăm Hiroshima.

Tuy nhiên, cũng có người dân mong muốn Tổng thống Obama đưa ra những tuyên bố cụ thể hơn về cách thức ông dự định làm để đạt được mục tiêu xoá bỏ vũ khí hạt nhân.

Chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Obama gây nhiều tranh cãi trong và ngoài nước Mỹ cũng như trước và sau chuyến đi. Trước chuyến thăm này, Nhà Trắng khẳng định sẽ không có lời xin lỗi nào được đưa. Song có ý kiến cho rằng ông Obama cần phải đưa ra lời xin lỗi vì việc dùng bom nguyên tử là tội ác.

Đúng như dự đoán, ông Obama không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào về quyết định ném bom nguyên tử xuống Hiroshima của người tiền nhiệm mình Harry Truman. Trận ném bom diễn ra vào ngày 6/8/1945 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 80.000 ngay sau đó. Đến cuối năm 1945, con số nạn nhân thiệt mạng lên tới 140.000 người.

Song theo ông Eiji Hattori, nhân chứng thảm hoạ Hiroshima, những lời phát biểu của Tổng thống Obama có thể coi như là một lời xin lỗi thậm chí dù ông Obama không nhắc đến từ đó. Ông nói: "Tôi đã không dám nghĩ là ngài Tổng thống đã đi xa như vậy và nói nhiều đến vậy. Tôi cảm thấy mình như được cứu vớt phần nào...Đối với tôi, thế là quá đủ”.

Theo Xuân Hương

Cùng chuyên mục
XEM