Tổng thống Obama sang Việt Nam mục tiêu là thúc đẩy TPP

19/05/2016 10:48 AM | Kinh tế vĩ mô

Hiện Tổng thống Obama sẽ có chuyên thăm Việt Nam vào tuần tới với Đại diện Thương mại Mike Froman, một trong những mục tiêu là để thúc đẩy hiệp định TPP và đặt nền móng cho việc thực hiện thỏa thuận thương mại này trong tương lai.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (UITC), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Tổng thống Barack Obama ký và đang là vấn đề gây tranh cãi tại cuộc bầu cử hiện nay thực tế sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp và dịch vụ của quốc gia này.

Nếu được phê duyệt, hiệp định TPP sẽ nâng tổng GDP của Mỹ lên 0,15%, tương đương 42,7 tỷ USD vào năm 2032 và tạo thêm được 128.000 việc làm toàn thời gian.

Hiệp định TPP được ký kết vào tháng 2/2016 và sẽ giảm hoặc miễn thuế cho các thành viên bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Việt Nam...

Nhờ đó, những mặt hàng nông sản và thực phẩm của Mỹ sẽ được hưởng lợi lớn khi tiếp cận các thị trường tiềm năng như Nhật bản hay Việt Nam.

Ngoài ra, tổng giá trị ngành dịch vụ của Mỹ cũng sẽ tăng trưởng thêm khoảng 42,3 tỷ USD vào năm 2032, bao gồm mức tăng 11,6 tỷ USD trong ngành dịch vụ doanh nghiệp và 7,5 tỷ USD trong ngành bán buôn, bán lẻ.

Dẫu vậy, sản lượng của ngành sản xuất tại Mỹ sẽ giảm một chút do việc mở cửa khiến các công ty nội địa tại đây gặp cạnh tranh nhiều hơn.

Theo UITC, hiệp định TPP sẽ khiến cán cân thương mại của Mỹ ngày càng được cải thiện trong 15 năm tới, nhưng thâm hụt thương mại của nước này có lẽ sẽ không suy giảm do Trung Quốc không nằm trong TPP.

Trong những tháng gần đây, ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump và Đảng Dân chủ Hilarry Clinton đều không đồng ý với bản thỏa thuận TPP đã được ký.

Hiện Nghị viện Mỹ hầu như sẽ không tổ chức bỏ phiếu cho hiệp định TPP cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11/2016.

Cả 2 ứng cử viên tiêu biểu là ông Trump và bà Clinton đều chỉ trích những hiệp định tự do thương mại trước đó và cho rằng chính sách thương mại hiện nay của Mỹ đã khiến thị trường lao động trong nước gặp bất ổn và ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Mặc dù vậy, báo cáo của UITC lại cho thấy hiệp định TPP có tác động tiêu cực vô cùng nhỏ đến nền kinh tế cũng như các ngành công nghiệp của Mỹ.

Hiện Tổng thống Obama sẽ có chuyên thăm Việt Nam vào tuần tới với Đại diện Thương mại Mike Froman, một trong những mục tiêu là để thúc đẩy hiệp định TPP và đặt nền móng chó việc thực hiện thỏa thuận thương mại này trong tương lai.

Theo nhiều chuyên gia, việc Mỹ thúc đẩy hiệp định TPP là một quân bài chiến lược nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc thời gian gần đây.

Ông Froman cho biết nghiên cứu của UITC hiện vẫn chưa thể chỉ ra được những thiệt hại mà Mỹ phải gánh chịu nếu TPP không được thông qua trong khi Trung Quốc xây dựng thành công một hiệp định thương mại của riêng họ tại Châu Á Thái Bình Dương.

Trước đó, một nghiên cứu đã cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể thêm khoảng 0,4% vào năm 2030 nếu TPP được thông qua, còn kinh tế Việt nam có thể tăng trưởng thêm 10% trong cùng thời kỳ.

Dẫu vậy, chính phủ Mỹ cho rằng nghiên cứu của UITC chưa bao gồm tất cả những lợi ích mà hiệp định TPP đem lại, như việc dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan giữa các nước thành viên.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc dự đoán tăng trưởng hay thu nhập ảnh hưởng bởi hiệp định TPP là rất khó chính xác. Hiện các chuyên gia thậm chí vẫn chưa thể đánh giá hết các tác động từ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã được ký kết trước đây.

Đó là chưa kể việc đánh giá các tác động của hiệp định thương mại song phương dễ dàng hơn nhiều co với một thỏa thuận đa phương.

Nhiều chính trị gia Đảng Dân chủ và nhà hoạt động xã hội hiện cho rằng hiệp định TPP không đủ sức nâng các tiêu chuẩn thị trường khác như tại Việt Nam, qua đó phản đối việc dịch chuyển công việc của các tập đoàn đa quốc gia từ Mỹ sang các nước khác.

Trong khi đó, các chính trị gia Đảng Cộng hòa cùng với ứng cử viên Donald Trump cũng bày tỏ quan điểm nghi ngờ về hiệp định TPP.

Một số chính trị gia Đảng Cộng hòa vốn ủng hộ TPP như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Chủ tịch Ủy ban tài chính, Thượng nghị sĩ Orrin Hatch cũng đang đòi hỏi bản thỏa thuận TPP hiện nay cần có một số thay đổi hoặc làm rõ. Theo đó, các chính trị gia yêu cầu TPP cần làm rõ vấn đề sở hữu trí tuệ, thời gian bảo hộ dược phẩm và sự minh bạch trong thông tin khách hàng từ các tổ chức tài chính.

Hiện chính quyền Tổng thống Obama đang làm việc với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và những đối tác thương mại thành viên TPP để giải quyết các vấn đề còn khúc mắc.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM