Tổng thống Obama: Nếu không thể hoàn thành hiệp định TPP, đó là thất bại của nước Mỹ

23/05/2016 10:55 AM | Kinh tế vĩ mô

Ngày 2/5 mới đây, tổng thống Barack Obama đã có bài viết tâm huyết đăng trên The Washington Post nhằm hối thúc quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong vòng 6 năm vừa qua, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo ra hơn 14 triệu việc làm mới và để giữ vững sự tiến bộ này, chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội cho tăng kinh tế. Hiện tại, khu vực Châu Á Thái Bình Dương là một trong những cơ hội tăng trưởng kinh tế lớn nhất của chúng ta tại nước ngoài. Đây cũng là khu vực đang trên đà trở thành thị trường đông dân và hấp dẫn nhất thế giới.

Việc tăng cường giao dịch thương mại trong khu vực này sẽ tạo nên nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như người lao động Mỹ, đồng thời giúp chúng ta vượt lên các đối thủ cạnh tranh trên thế giới, bao gồm quốc gia mà chúng ta đã nghe rất nhiều trong cuộc vận động tranh cử vừa qua: Trung Quốc.

Tất nhiên, những cơ hội tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng liên quan đến các thị trường Châu Á Thái Bình Dương quanh đó, và đó là lý do tại sao quốc gia này sẽ không lãng phí thời gian chờ đợi chúng ta hành động.

Ngay lúc này đây, Trung Quốc đang xây dựng một thỏa thuận thương mại tự do trên một thị trường phát triển nhanh nhất thế giới (Châu Á Thái Bình Dương) và điều này sẽ khiến chúng ta chịu thiệt hại khi đe dọa đến những doanh nghiệp, các cơ hội việc làm và hàng hóa của Mỹ.

Trong tuần vừa qua, Trung Quốc và 15 quốc gia khác đã có cuộc gặp tại Australia với mục tiêu hoàn thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm nay. Thỏa thuận thương mại này sẽ không thể ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với công ty quốc doanh hay trong những ngành có trợ cấp từ chính phủ.

Hiệp định này cũng sẽ không giúp đảm bảo một hệ thống Internet miễn phí và tự do. Chúng cũng sẽ không giúp thị trường tôn trọng quyền bảo hộ trí tuệ mà những nhà sáng tạo hay nghệ sĩ Mỹ xứng đáng được nhận.

Rõ ràng, thỏa thuận này cũng sẽ không giúp lao động của chúng ta nâng cao được mức sống và môi trường làm việc.

May mắn thay, Mỹ có một kế hoạch riêng có thể đáp ứng được những điều trên, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ đã xây dựng một hiệp định TPP với quy chuẩn quốc tế, một thỏa thuận thương mại tự do có thể giúp đỡ được cho những người lao động Mỹ và trở thành một quy tắc nền tàng cho các giao dịch thương mại trong thế kỷ 21.

Hiệp định thương mại này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Thỏa thuận TPP với 12 nước thành viên và chiếm tới gần 40% GDP toàn cầu sẽ đảm bảo được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp tư nhân và công ty quốc doanh. Nó sẽ thúc đẩy quá trình mở cửa Internet miễn phí, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho chúng ta.

Đồng thời, hiệp định TPP sẽ cung cấp một sân chơi rộng lớn hơn với những tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời loại bỏ các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của chúng ta tại nước ngoài, đặc biệt là việc cắt giảm hơn 18.000 loại thuế mà những quốc gia khác áp đặt cho sản phẩm từ Mỹ.

Hay nói cách khác, hiệp định TPP nếu được hoàn thành sẽ khiến ngành xuất khẩu của Mỹ phát triển, qua đó tạo ra nhiều việc làm hơn.

Thỏa thuận này đồng thời cũng giúp tăng cường an ninh quốc gia cho Mỹ. Khi nền kinh tế Mỹ tiếp xúc gần hơn với những thị trường chiến lược khác, khi các đối tác thương mại của chúng ta được hưởng lợi từ các hiệp định, khi số người nghèo đói giảm dần nhờ các thỏa thuận kinh tế thì vị thế của nước Mỹ sẽ cao hơn và an ninh quốc gia cũng sẽ được đảm bảo hơn.

Dẫu vậy, tất cả những điều trên sẽ không thể trở thành sự thực nếu hiệp định TPP không được hoàn thành. Bởi vì khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tiến trình hội nhập kinh tế của họ dù có hay không có sự tham gia của Mỹ nên hoặc là chúng ta dẫn dắt quá trình này, hoặc là ngồi xem sự thịnh vượng trôi qua mắt mình.

Nếu chúng ta không thể hoàn thành hiệp định TPP, các sản phẩm của Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với rào cản thuế quan và những cản trở khác trong thương mại khu vực. Khi đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ mất lợi thế tiếp cận thị trường Châu Á, các nhà máy sản xuất ô tô sẽ không thể xuất khẩu thêm nhiều xe hơi sang thị trường này, các sản phẩm nông sản sẽ phải tiếp tục chịu hàng rào thuế quan và nhiều công ty nhỏ sẽ tiếp tục gặp khó tại thị trường nước ngoài.

Nếu chúng ta không thể hoàn thành hiệp định TPP, các chủ doanh nghiệp tại Mỹ sẽ không có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước khác trên một thị trường bình đẳng. Trong khi đó, nếu cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, không nước nào có thể đánh bại các doanh nghiệp và lao động Mỹ.

Tôi hiểu rằng có nhiều người hoài nghi về các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là trong cộng đồng người lao động chịu tác động mạnh từ quá trình tự động hóa và toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, việc xây dựng một bức tường ngăn cách để cô lập mình với nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ ngăn chặn những cơ hội phát triển từ bên ngoài.

Thay vì tự cô lập mình, người dân Mỹ nên chủ động viết luật chơi cho thương mại toàn cầu, Mỹ nên là nước chủ động kêu gọi thành lập các liên minh thương mại và những nền kinh tế khác sẽ phải tuân theo luật chơi do Mỹ và các đối tác soạn sẵn.

Đây là những gì mà hiệp định TPP có thể mang lại cho chúng ta và đó là lý do tại sao chính phủ của tôi đang làm việc với các nghị sĩ nhằm đảm bảo hiệp định sẽ được thông qua. Việc chờ đợi càng lâu, khả năng hiệp định TPP được thông qua có thể sẽ càng khó.

Thế giới đang thay đổi từng ngày và luật chơi cũng biến đổi theo. Vì vậy, chính nước Mỹ chứ không phải các quốc gia như Trung Quốc nên là người viết luật chơi mới.

Hãy nắm bắt cơ hội này và thông qua hiệp định TPP. Hãy chắc chắn rằng Mỹ là người viết luật chơi chứ không phải chơi theo luật của kẻ khác.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM