Tổng thống Obama gợi ý 10 cuốn sách ai cũng nên đọc một lần trong đời

30/01/2017 10:02 AM | Kinh doanh

Có lẽ không cần phải bàn cãi khi gọi Tổng thống Obama là một “mọt sách” chính hiệu. Trong cuốn sách “Dreams From My Father” (Tạm dịch: Những giấc mơ từ cha tôi), ông đã chia sẻ tình yêu vĩnh cữu của mình với văn học.

“Khi tôi không phải làm việc, những ngày cuối tuần của tôi sẽ là ngồi một mình trong căn hộ trống với hàng đống sách vở xung quanh”.

Trong một buổi phỏng vấn mới đây với tờ New York Times, ông Obama đã gợi ý những cuốn sách mà ai cũng nên đọc ít nhất một lần trong đời. Tất cả những cuốn sách này ông đều đã đọc và giới thiệu cho cô con gái Malia.

1. The Naked and the Dead (Tạm dịch: Kẻ trần truồng và Người chết) – tác giả Norman Mailer

Được biên soạn vào năm 1948, “The Naked and The Dead” là đại diện tiêu biểu cho những cuốn sách bán chạy nhất thế kỷ 20. Đây cũng là một trong những cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay nhất không tập trung vào những trận chiến đẫm máu liên tiếp trong cuộc sống nơi tiền tuyến, mà là tình bạn nảy sinh trong những hoàn cảnh ngặt nghèo này.

Một cuốn tiểu thuyết mang tính biểu tượng, xuất bản chỉ sau Chiến tranh thế giới thứ II 3 năm, kể câu chuyện của một trung đội trẻ người Mỹ bình thường trong cuộc chiến chống Nhật. Thành công của cuốn sách đã đưa tên tuổi tác giả Mailer lên một tầm cao mới.

2. One Hundred Years of Solitude (Tạm dịch: Trăm năm cô đơn) – tác giả Gabriel Garcia Marquez

Có lẽ không quá khi Amazon gọi đây là cuốn sách “tuyệt vời và bán chạy nhất thời đại”. Cuốn tiểu thuyết kể về câu chuyện của gia đình Buendia, ghi chép lại những mâu thuẫn không thể hòa giải giữa khát khao tự do và nhu cầu tình yêu của con người.

3. The Golden Notebook (Tạm dịch: Sổ tay vàng) – tác giả Doris Lessing

The Golden Notebook kể về cuộc sống của một phụ nữ người Anh sau khi chiến tranh kết thúc. Đây được ca ngợi như một kiệt tác về nữ quyền. Cuốn tiểu thuyết là sự đan cài của 4 cuốn sổ ghi chép, cái mà Anna phản ánh những khía cạnh khác nhau về cuộc đời mình ở châu Phi.

Viện Hàn lâm Thụy Điển gọi tác phẩm là một trong những “số ít các cuốn sách nói lên quan điểm trong các mối quan hệ nam nữ ở thể kỷ 20”. Bản thân Lessing bình thường rất ít khi say mê với góc tiếp cận của cuốn sách. Bà đã phàn nàn rằng nó trở thành “cánh chim hải âu” sau khi các nhà phê bình tập trung chủ yếu vào các khía cạnh nữ quyền mà không chú ý đến phạm vi và cấu trúc của cuốn tiểu thuyết.

4. The Woman Warrior (Tạm dịch: Nữ quân nhân) – tác giả Maxine Hong Kingston

Cuốn sách là câu chuyện của một phụ nữ Mỹ gốc Trung kể về những thần thoại của người Trung Quốc, những câu chuyện về gia đình và cả những sự kiện liên quan đến tuổi thơ của cô ở California… Tất cả những yếu tố đó đã định hình nên tính cách và vận mệnh của cô sau này.

5. The Underground Railroad (Tạm dịch: Đường ray tàu điện ngầm) – tác giả Colson Whitehead

The Underground Railroad được biết đến như sự lựa chọn mới nhất từ câu lạc bộ đọc sách của Oprah. Được nhận định là phảng phất hơi hướng của Gulliver du kí, tiểu thuyết của Whitehead sẽ soi chiếu vào thời kỳ đen tối tiền nội chiến của nước Mỹ gắn liền số phận của các nô lệ da đen cùng khổ.

Cuộc sống địa ngục trần gian với đầy rẫy bất công, các cuộc chạy trốn, vùng vẫy hòng tìm kiếm lối thoát và sự tự do thật sự choáng váng và xúc động.

6. Gilead (Tạm dịch: Gia hương) – tác giả Marilynne Robinson

Dù cho bạn không theo tín ngưỡng của Robinson, những tác phẩm mang màu sắc Thiên Chúa giáo công khai của cô vẫn thể hiện và nuôi dưỡng một tâm hồn đầy xúc cảm. “Gilead” - tiểu thuyết đầu tiên trong bộ ba cuốn sách lấy bối cảnh tại thị trấn giả tưởng Gilead, Iowa, kể về Reverend John Ames – hay đúng hơn là do chính ông kể lại, dưới hình thức một bức thư dài gửi cho đứa con trai của ông.

Một ông già góa vợ từ lâu nay bỗng dưng rơi vào lưới tình, cưới vợ hai và có một đứa con, Ames phải đối mặt với khả năng rất lớn rằng ông sẽ không thể nhìn thấy con trai mình trưởng thành. Trong bức thư của mình, ông chắt chiu từ một cuộc đời đầy sự đau thương, khai sáng, trân trọng lịch sử gia đình và suy ngẫm về mục đích của cuộc sống.

7. Three-Body Problem (Tạm dịch: Tam thể) – tác giả Cixin Liu

Cuốn sách là một câu chuyện khoa học viễn tưởng dành cho người lớn của tác giả Trung Quốc Cixin Liu. Three-Body Problem vẽ lại bối cảnh cổ điển khi con người trên trái đất cố gắng liên lạc với những người ngoài hành tinh và mở ra nhiều nút thắt tâm lý.

Đề tài của truyện khá hấp dẫn và có cơ sở khoa học rõ ràng. Cuốn sách đưa ra một câu hỏi đầy ám ảnh: Liệu con người có thật sự muốn liên lạc với những nền văn minh khác hay không?Nếu bạn có cơ hội tiêu diệt toàn bộ nhân loại, liệu bạn có làm không?...

8. Gone Girl (Tạm dịch: Cô gái mất tích) – tác giả Gillian Flynn

Gone Girl của tác giả Gillian Flynn đã lọt vào nhiều danh sách bán chạy nhất tại Mỹ từ năm 2012. Tác phẩm này còn được chuyển thể thành bộ phim cùng tên thu hút hàng ngàn lượt khách xem. Gone girl không tồn tại khái niệm tình yêu hay hôn nhân thuần khiết nào cả. Buổi ban đầu là thứ tình yêu giả tạo của chàng trai trong mơ và cô gái kỳ diệu.

Lời khuyên mà cuốn sách dành cho tất cả mọi người là: "Hãy tỉnh táo trước hôn nhân, không nên đặt niềm tin quá lớn vào một người nào khác. Khi bạn kết hôn với một con quỷ thì sớm muộn gì bạn cũng xuống địa ngục thôi!"

9. Fates and Furies (Tạm dịch: Định mệnh và Sự trả thù) – tác giả Lauren Groff

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách của nữ văn sĩ 38 tuổi được Tổng thống Obama bình chọn là cuốn sách yêu thích nhất năm 2015. Đây còn là cuốn sách giành được rất nhiều lời khen ngợi từ độc giả cũng như các nhà chuyên môn.

Ra đời vào hồi tháng 9/2015, Fates and Furies đã nhanh chóng lọt vào danh sách Best seller của tờ New York Times. Được đánh giá là một kiệt tác văn học thành công ngoài mong đợi, Fates and Furies là bức chân dung về một cuộc hôn nhân được nhìn từ hai phía - hai quan điểm khác nhau: Phía người chồng và phía người vợ.

10. A Bend in the River (Tạm dịch: Khúc quanh của dòng song) – tác giả V.S. Naipaul

Cuốn sách được mệnh danh là một “cuộc đại phẫu” tài tình trưng bày những ung nhọt, từ các vết thương lâu năm khó lành lẫn các vết thương mới của châu Phi già nua mà ngây thơ, đã giành được độc lập nhưng vẫn còn nguyên vẹn mặc cảm nô lệ - tự ti và thấp kém. Lẫn trong sự miêu tả tinh vi, thấu đáo là một niềm thương cảm kín đáo, một day dứt cho số phận một châu lục đang trong giai đoạn bế tắc.

Naipaul đã đóng góp to lớn cho một dòng văn học đau đớn nhưng có ích, dòng văn học nhìn trực diện vào các xã hội lạc lõng giữa thế giới, đứng bên lề sự phát triển chung và còn lâu năm nữa mới thoát được vũng lầy đó.

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM