Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn giảm thuế doanh nghiệp, nhưng mức thuế 35% chỉ nằm trên giấy

11/03/2017 08:48 AM | Xã hội

Mặc dù mức thuế cao nhất cho doanh nghiệp Mỹ là 35% nhưng báo cáo của Viện chính sách kinh tế và thuế (ITEP) cho thấy khoảng 100 công ty trong số 258 hãng, tương đương 40% không trả đồng thuế nào trong ít nhất 1 năm, xét theo khoảng năm 2008-2015

Mỹ là một trong những nước được cho là có mức thuế doanh nghiệp cao nhất thế giới, thậm chí tân Tổng thống Donald Trump và Đảng Cộng hòa cũng đã cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế.

Tuy nhiên, nếu mức thuế ở đây quá cao như vậy thì tại sao nhiều công ty vẫn không phải nộp đồng thuế nào?

Một bản nghiên cứu gần đây với 258 công ty Mỹ có tổng lợi nhuận hơn 3,8 nghìn tỷ USD trong bảng xếp hạng Fortunes 500 cho thấy nhiều hãng không phải đóng một đồng thuế nào.

Mặc dù mức thuế cao nhất cho doanh nghiệp Mỹ là 35% nhưng báo cáo của Viện chính sách kinh tế và thuế (ITEP) cho thấy khoảng 100 công ty trong số 258 hãng, tương đương 40% không trả đồng thuế nào trong ít nhất 1 năm, xét theo khoảng năm 2008-2015.

Đặc biệt, khoảng 18 doanh nghiệp gồm những ông lớn như GE, PG&E, International Paper... có mức đóng thuế âm trong khoảng 8 năm như trên, có nghĩa là họ được hoàn thêm tiền thuế từ chính phủ.

Trên thực tế, các tập đoàn lớn đã tận dụng những lỗ hổng về thuế cùng các chiến lược khôn ngoan để tránh phải trả khoản nghĩa vụ này.

Cụ thể, ITEP nhận định những công ty như Apple, Microsoft hay Coca Cola đã báo cáo lợi nhuận tại nước ngoài, xa khỏi tầm với của cơ quan thuế khiến họ trốn được nhiều khoản nghĩa vụ.

Ngay sau bản báo cáo trên, nghị sĩ Bernie Sanders và Brian Schatz đã kêu gọi chính phủ Mỹ đưa ra một sự luật mới nhằm lấp các lỗ hổng thuế cũng như ngăn chặn việc chuyển lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia ra nước ngoài.

“Việc lạm dụng các thiên đường thuế hiện đã trở nên nực cười đến nỗi 1.5 số văn phòng tại quần đảo Cayman đã trở thành trụ sở cho hơn 18.000 doanh nghiệp Mỹ”, ông Sanders nói.

Trong khi đó, những công ty như American Electric Power, Con Ed và Comcast có thể đăng ký khấu hao nhanh tài sản máy móc, thiết bị, qua đó khiến chi phí của doanh nghiệp theo tài khoản kế toán tăng và làm lợi nhuận giảm, qua đó giảm thuế.

Một số công ty khác như Facebook, Aetna hay Exxon Mobil tiết kiệm được hàng tỷ USD tiền thuế nhờ thưởng quyền chọn mua cổ phiếu trong tương lai với mức giá ưu đãi, qua đó nhận được giảm trừ thuế theo luật định vì mức thưởng phát sinh này bị ghi nhận là một khoản lỗ.

Nghiên cứu của ITEP cho thấy Facebook đã tiết kiệm được 5,78 tỷ USD trong khoảng 2010-2015 nhờ phương pháp này.

Mức thuế 35% chỉ nằm trên giấy

Những ngành công nghiệp khác thì vận động hành lang để chính phủ cho phép các khoản giảm thuế mang tính trợ cấp, hỗ trợ ngành. Ví dụ những loại hình hoạt động được chính phủ ưu đãi thuế như khoan dầu và khí đốt, xây dựng đường đua Nascar, xây đường ray xe lửa, rang xay cà phê, thực hiện một số dự án nghiên cứu, sản xuất xăng ethanol hay đầu tư vào điện ảnh.

Nhờ chính sách này mà hãng phim Walt Disney đã tiết kiệm được 1,48 tỷ USD tiền thuế trong vòng 8 năm.

Lẽ đương nhiên, có những ngành được chính quyền Washington ưu đãi về thuế thì cũng phải có các phân khúc chịu thiệt hại. Nói chung, mức thuế trong từng lĩnh vực kinh doanh ở Mỹ là khác nhau.


Hầu như 18 công ty không nộp đồng thuế nào trong khoảng 2008-2015 đến từ ngành năng lượng

Hầu như 18 công ty không nộp đồng thuế nào trong khoảng 2008-2015 đến từ ngành năng lượng


Top những công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách ưu đãi thuế (tỷ USD)

Top những công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách ưu đãi thuế (tỷ USD)

Báo cáo của ITEP cho thấy mảng sản xuất hàng tiện ích tại Mỹ chỉ có mức thuế thu nhập doanh nghiệp 3,1% trong khoảng 2008-2015 trong khi các ngành công nghiệp thiết bị, viễn thông, dầu khí phải trả 11,5%, ngành Internet trả 15%. Chỉ duy nhất 2 ngành là chăm sóc sức khỏe lẫn bán lẻ phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp trên 30% trong cùng kỳ.

Theo ITEP, trong khi các tập đoàn lớn không phải trả số thuế mà đáng lẽ ra họ nên thanh toán thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là hộ gia đình Mỹ phải gánh số tiền thuế còn lại.

Trước những thông tin trên, phát ngôn viên Tara DiJulio của GE nhận định công ty là một trong những doanh nghiệp đóng nhiều thuế nhất cho chính phủ Mỹ trong những năm qua. Tổng số tiền thuế mà GE đã đóng trong hơn 10 năm qua lên đến 32,9 tỷ USD.

Không đồng ý với quan điểm trên của GE, nhiều chuyên gia cho rằng mức thuế 35% của Mỹ chỉ nằm trên giấy hơn là thực tế. Báo cáo của ITEP cho thấy bình quân mỗi doanh nghiệp lớn tại đây chỉ nộp 21,2% thuế thu nhập.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM