Tổng thống Donald Trump "tìm đường" tăng giá dầu của Mỹ

17/12/2016 09:35 AM | Xã hội

Sau khi đắc cử tổng thống, ông Donald Trump đã cam kết sẽ thực hiện hàng loạt các chính sách về năng lượng.

Một trong số đó là lời hứa hẹn sẽ tăng giá than và gas. Tuy nhiên giới chuyên gia lại cho rằng chính sách mà ông Trump sẽ đặt ra khó lòng làm tăng giá gas và than ở thị trường nội địa do hai loại năng lượng này đang phải cạnh tranh rất gay gắt để dành lại thị phần trên thế giới. Tương tự vậy, ý định đem việc làm quay trở lại khu vực mỏ than phía Đông vốn trước đây bị tàn lụi do phải cạnh tranh với các mỏ than khu vực phía Tây dường như là không thể.

Tuy nhiên còn một cam kết khác của ông Trump mà giới phân tích cho là khả thi nhất đó là tăng giá dầu trong nước. Thế nhưng, để làm được điều này, bắt buộc cần phải có sự can thiệp của Quốc hội. Trong khi đó các dữ liệu cho thấy vẫn còn nhiều mỏ dầu khổng lồ khác mà Mỹ chưa khai thác.

Chính phủ liên bang Mỹ đã ước tính tổng trữ lượng dầu ở các mỏ mới được phát hiện lên tới 120 tỷ thùng trong đó gần 30 tỷ thùng là ở đất liền và 90 tỷ thùng còn lại là ở ngoài biển. Mặc dù vậy không phải tất cả số dầu trên đều có thể khai thác được. Các mỏ dầu ở khu vực vùng biển phía Đông và phía Tây đang nắm giữ gần 15 tỷ thùng dầu.

Tuy nhiên, mỏ dầu này lại nằm ở phía vùng nước sâu trong khi cơ sở vật chất, kỹ thuật lại không đủ để khai thác. Mới đây nhất, chính quyền bang California cũng đã từ chối khoan giếng dầu này. Ngoài ra, hơn 23 tỷ thùng dầu nằm ở khu vực biển Alaska cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Trước đó vào năm 2015, công ty khai thác dầu khí Royal Dutch Shell cũng đã tiêu tốn tới 7 tỷ USD để tìm ra mỏ dầu này, nhưng cuối cùng cũng phải ra về tay trắng.

Thế nhưng vẫn còn hai mỏ dầu lớn khác mà ông Trump tin tưởng rằng có thể dễ dàng tiếp cận từ đó tăng sản lượng dầu khai thác bất chấp điều này có thể sẽ gặp phải những phản đối về cả mặt pháp lý lẫn chính trị.

Mỏ đầu tiên nằm ở vùng duyên hải của Khu bảo tồn quốc gia của động vật hoang dã Bắc Cực ở Alaska với 7,7 tỷ thùng tương đương với chỉ 8% tổng lượng dầu ở khu vực Alaska. Từ năm 1980, đây là khu vực được Quốc hội Mỹ thiết kế làm khu bảo tồn và gìn giữ nét hoang sơ nhất của thiên nhiên nơi đây.

Cũng chính bởi vì thế, ý định khai thác dầu mỏ vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động vì môi trường. Bất chấp điều đó, các thành viên của Quốc hội ủng hộ dự án coi mỏ dầu này là khu vực ưu tiên hàng đầu trong năm 2017.

Về phần bang Alaska, hơn ai hết, chính quyền bang tán thành mạnh mẽ dự án bởi Alaska là một trong những bang hứng chịu nặng nề nhất hậu quả của việc giá dầu giảm liên tục cùng với đó là sản lượng khai thác dầu bị giảm trong nhiều năm qua.

Mỏ dầu thứ hai nằm ở phía Đông vịnh Mexico. Chính phủ liên bang ước tính trữ lượng dầu ở khu vực này đạt 3,6 tỷ thùng. Mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng nơi đây không thực sự có nhiều dầu như mọi người nghĩ tuy vậy vẫn còn nhiều lý do để lạc quan rằng vịnh Mexico là một "hũ" dầu lớn của nước Mỹ. Điển hình là trong một số báo cáo gần đây cho thấy, các nhà khoa học còn tìm ra một số mỏ dầu khác nằm ở trung tâm , nơi tiếp giáp với phía Đông vịnh Mexico.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác này lại bị chính quyền bang Florida phản đối do lo ngại tàn dư dầu tràn có thể trôi tới vùng biển của bang gây ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Mặc dù ước tính về những ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác dầu ở hai khu vực trên còn chưa rõ ràng nhưng những lợi ích và giá trị kinh tế lại đang dần được ghi nhận. Một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2011 đã chỉ ra rằng sản lượng dầu ở khu vực vùng duyên hải của Khu bảo tồn quốc gia của động vật hoang dã Bắc Cực có thể đạt 1 triệu thùng/ ngày và có thể khai thác liên tục trong vòng một thập kỷ, trong khi con số ấy ở khu vực Đông vịnh Mexico thậm chí còn cao hơn. Trong khi đó, tháng 9/2016, tổng sản lượng dầu khai thác của Mỹ đạt 8,6 triệu thùng/ngày.

Thế nhưng một câu hỏi được đặt ra là liệu rằng thị trường có cần lượng dầu lớn đến vậy không? Nhìn vào thực tế khi OPEC mới đây cam kết cắt giảm lượng dầu khai thác dẫn đến nhu cầu sẽ tăng mạnh mẽ trong khi nguồn cung lại giảm. Đấy là lúc dầu của Mỹ "chen chân" và lấp đầy khoảng trống tạo ra bởi chính OPEC.

Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM