Tổng thống Bill Clinton và George Bush cũng từng đến Việt Nam, nhưng tại sao chỉ ông Obama tạo ra sức hút khủng khiếp như vậy?

24/05/2016 08:42 AM | Kinh doanh

Chuyến công du lần này ngoài cương vị là Tổng thống nước Mỹ, người dân Việt Nam đón ông Obama như một "vị khách đặc biệt", một "thần tượng".

Những ngày gần đây, truyền thông và người dân trên khắp cả nước háo hức trước sự kiện tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama tới thăm chính thức Việt Nam.

Ngoài phương diện là chuyến thăm của nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, sự kiện ông Obama đến Việt Nam còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân trên cả nước. Những thông tin liên quan đến chính sách, thậm chí còn kém hấp dẫn với người dân hơn những thông tin ông Obama ở đâu, ăn gì, nói gì,....

Những thông tin có tính xã hội đó, tạo ra sự khác biệt giữa những vị tổng thống Mỹ khác. Trước đây, ông Bill Clinton và George Bush cũng từng đến Việt Nam. Cuộc viếng thăm của ông Clinton vào năm 2000 còn được đánh giá là cực kỳ quan trọng trong mối quan hệ Việt - Mỹ và đưa ra những quyết định có tầm ảnh hưởng rất lớn.

Tuy nhiên, tại sao chỉ ông Obama mới tạo ra sức hút khủng khiếp đến như vậy?

Sự khác thường này có thể được lý giải là do sức hấp dẫn và danh tiếng của ông Obama. Không phải chỉ tới khi đến Việt Nam, ông Obama mới được biết đến như một nhà lãnh đạo tài ba rất giỏi diễn thuyết và truyền cảm hứng. Chúng ta phần nào cũng đã nghe và biết tới những bài phát biểu kinh điển của vị tổng thống này.

Chuyến công du lần này ngoài cương vị là Tổng thống nước Mỹ, người dân Việt Nam đón ông Obama như một "vị khách đặc biệt", một "thần tượng".

Nhà lãnh đạo đại tài

Không ai có thể phủ nhận tài lãnh đạo của ông Obama. Là vị tổng thống da màu đầu tiên, ông Obama đã ghi dấu ấn rõ nét trong suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Dù sắp hết nhiệm kỳ nhưng tờ WashingtonPost nhận định rằng, cứ xem cách ông Obama thưởng thức cuộc sống bây giờ không ai nghĩ tới giai đoạn “thoái trào” của một vị tổng thống.

Tình hình kinh tế Mỹ ổn định khiến ông Obama đang bắt đầu chuỗi ngày thảnh thơi chứng kiến những chính sách dài hạn của mình "đơm hoa kết trái" - và những di sản mà ông để lại cho nước Mỹ dường như đang được thành hình.

Có lẽ không nhà lịch sử nào phản đối kết luận rằng một trong những thành tựu vĩ đại nhất của ông Obama là khiến nền kinh tế Mỹ quay trở lại tốc độ phát triển thực và gần đạt được ngưỡng cung cấp đủ việc làm cho xã hội. Dẫu việc này xảy ra chậm hơn so những gì người dân Mỹ mong đợi nhưng có lẽ, đó là mức ổn định cần thiết.

Ngoài ra, trong suốt 8 năm nắm quyền, ngoài những hình ảnh đời thường bình dị, những khoảnh khắc thân thiện đến không tưởng của vị tổng thống Mỹ, hình ảnh ông Obama không hề bị vấy bẩn bởi bất kỳ bê bối nào.

Trong khi đó, thử nhìn lại nhiệm kỳ của Reagan và Clinton; sự kiện bê bối với lực lượng Contra tại Iran và chuyện ngoại tình với cô thực tập sinh Lewinsky đã chôn vùi hoàn toàn hai vị tổng thống này.

Còn hiện nay, bà Hilary Clinton liên tục phải tổ chức các cuộc họp báo nhằm bảo vệ hình ảnh của bản thân, cũng như cố gắng phủi sạch bằng chứng liên quan đến các quyết định của mình.

Sự trong sạch của ông Obama còn khiến Tổng biên tập của tạp chí GQ, Jim Nelson phải thốt lên rằng: "Dù điều gì xảy ra tiếp theo, người Mỹ sau này cũng sẽ nhìn lại lịch sử, và cùng nhau gật gù thừa nhận rằng: Một Tổng thống như Obama thật hiếm. Và chúng ta thật quá may mắn khi có ông".

Người đàn ông truyền cảm hứng

Có thể chắc chắn rằng, ông Obama là một trong những chính trị gia có khả năng biểu đạt cảm xúc và diễn thuyết xuất sắc nhất thế giới. Từng cử chỉ tay, chân, ánh mắt, giọng điệu của ông đều rất ăn khớp với nhau, từ lúc phát biểu cho tới những hành động thân mật.

Một vài câu nói của ông Obama đã trở thành bất hủ, chẳng hạn như câu slogan "Yes, we can" (Vâng, chúng ta có thể) được ông sử dụng trong chiến dịch tranh cử năm 2008.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, ông Obama còn là đại diện tiêu biểu cho thứ người ta gọi là "giấc mơ Mỹ", một "tinh thần Mỹ".

Ông Obama không xuất thân từ một gia thế vọng tộc như người tiền nhiệm của ông là George Bush hay nhiều tổng thống Mỹ trước đó. Tuổi thơ của ông đã đi qua nhiều sóng gió khi phải trải qua hai đời cha và lưu lạc qua nhiều mảnh đất khác nhau từ Indonesia tới Kenya...

Khoảng khắc thay đổi cuộc đời ông có lẽ là năm 2008 khi ông tuyên bố tranh cử Tổng thống và trở thành Tổng thống Mỹ da đen đầu tiên vào 1/2009 sau khi đánh bại Thượng nghị sỹ kỳ cựu John Mccain của Đảng Cộng hoà. Năm 2012, ông tái đắc cử tổng thống.

Câu chuyện của ông ông chỉ khiến người Mỹ mà người dân trên toàn thế giới phải nể phục. Cho đến tận sau khi đã trúng cử, ông Obama vẫn chứng minh rằng nước Mỹ đã không sai lầm khi lựa chọn ông.

Cứ nhìn cách ông Obama vui đùa cùng những đứa trẻ trong nhà Trắng, cách ông đối xử với người linh gác khi ông quên chào khiến người ta quên đi hình ảnh một vị tổng thống Mỹ quyền lực và xa lạ. Thay vào đó là hình ảnh người đàn ông lịch thiệp, bình dị và ấm áp.

Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng 1/2017. Nhưng với nhiều người, kể cả những người không ủng hộ ông đều xếp ông vào danh sách những Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Dĩ nhiên vẫn còn những thiếu sót nhưng với riêng người dân Mỹ mà nói ông Obama có những phẩm chất mà không một ứng viên hiện tại nào có được. Chẳng thế mà nhà báo kỳ cựu David Brooks của tờ New York Times đã phải thốt lên rằng: "nước Mỹ sẽ nhớ Obama".

Nhìn chung, tầm ảnh hưởng, sức hấp dẫn và danh tiếng của ông Obama không chỉ dừng lại ở nước Mỹ mà mang tầm vóc trên toàn thế giới.

Có lẽ vì lý do đặc biệt đó mà ông đến Việt Nam với sự chào đón của một vị khách đặc biệt, một thần tượng chứ không chỉ đơn thuần là một chính trị gia.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM