Tổng lượng hàng hoá giao dịch lên tới gần 3 tỷ USD mỗi quý, Shopee tự khẳng định mình đang giữ ngôi vương ở Đông Nam Á dù chưa có lãi

02/01/2019 08:18 AM | Kinh doanh

Tốc độ tăng trưởng mạnh gần đây của Shopee là nhờ chiến lược di động hiệu quả, trợ giá và chi tiêu mạnh tay cho marketing dù thị trường cạnh tranh vô cùng gay gắt.

Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh mới đây, Shopee đã đưa ra một thông tin quan trọng. "Chúng tôi không chỉ là đơn vị lớn nhất trong lĩnh vực thương mai điện tử tại Đông Nam Á mà ở cả Indonesia".

Điều đáng nói là khẳng định kể trên được đưa ra dù Shopee là đơn vị "sinh sau đẻ muộn", họ xuất hiện sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử Indonesia là Tokopedia đã hoạt động được 6 năm còn Lazada khởi đầu được 3 năm. 

Không giống như những đối thủ cạnh tranh vốn nhận được sự "chống lưng" của Alibaba và Softbank, Shopee là chi nhánh thuộc Sea Group mà Tencent là cổ đông chính.

Tốc độ tăng trưởng mạnh gần đây của Shopee là nhờ chiến lược di động hiệu quả, trợ giá và chi tiêu mạnh tay cho marketing dù thị trường cạnh tranh vô cùng gay gắt.

Tại Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á, cũng là nơi cuộc chiến trong mảng thương mại điện tử diễn ra khốc liệt nhất thì Shopee tuyên bố họ nhận được 63,7 triệu đơn hàng trong quý 3 của năm 2018, tức là trung bình xử lý 700.000 đơn hàng mỗi ngày.

Theo công ty phân tích AppAnnie, Shopee đã trở thành ứng dụng mua sắm được tải nhiều nhất ở Indonesia trong năm qua, Lazada xếp thứ hai và thứ 3 mới là Tokopedia.

Ngoài ra trong quý 3 của năm 2018, Shopee đã công bố tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) đạt 2,7 tỷ USD - tăng 153% so với cùng kỳ năm trước đó. Công ty kỳ vọng con số này trong năm 2019 sẽ ở quanh mức 9,2 tỷ USD - 9,7 tỷ USD. 

"Shopee đã công bố con số về tổng giá trị hàng hoá giao dịch quý tốt nhất từ trước đến nay và nó cho thấy vị trí dẫn đầu của chúng tôi trong khu vực", Forrest Li - chủ tịch và CEO công ty mẹ của Shopee nói.

Một điều đáng mừng là doanh thu điều chỉnh của Shopee trong quý 3 năm 2018 đạt 71,2 triệu USD - tức là tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2017.

Hơn nữa, doanh số bán hàng và chi tiêu cho quảng cáo trên tổng giá trị hàng hoá giao dịch đã giảm xuống 5,7% so với mức 9,7% cùng kỳ năm trước đó. Một phần trong nỗ lực đó là do Shopee đã giảm trợ giá cho dịch vụ vận chuyển.

Dẫu vậy, đã một năm sau khi IPO, công ty mẹ Shopee là Sea Group vẫn chưa có lãi. Thậm chí, họ ghi nhận mức thua lỗ kỷ lục lên tới 700 triệu USD trong năm nay - phần lớn trong số đó là do đầu tư mạnh tay cho Shopee. Chính vì vậy các chuyên gia đều nhận định rằng bản thân Shopee cũng chưa hề có lãi.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM