Tổng giám đốc của Vntrip.vn: "Tôi tuyên chiến với một kẻ nước ngoài trốn thuế, đó là Agoda"

05/12/2016 18:17 PM | Công nghệ

Việc Vntrip ký kết hợp tác chiến lược với Booking.com nhưng lại đi khởi kiện Agoda.com – vốn là 2 công ty cùng một hệ thống – là một động thái khá lạ.

Chiều ngày 5/12, Công ty Vntrip OTA, đơn vị chủ quản của startup du lịch Vntrip.vn đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí với nội dung “Vntrip.vn khởi kiện Agoda trốn thuế tại Việt Nam”.

Vntrip.vn là một startup mới nổi trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến tại Việt Nam, được thành lập bởi các nhà đầu tư từ Việt Nam và Hongkong. Đồng sáng lập và điều hành Vntrip là Lê Đắc Lâm - một CEO trẻ thuộc thế hệ 8X và là con trai ông Lê Đắc Sơn, nguyên Tổng giám đốc VPBank, hiện là Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đại Nam.

Ông Lê Đắc Lâm – Tổng giám đốc của Vntrip.vn cho biết, từ khi thành lập Vntrip.vn, câu hỏi mà ông luôn đặt ra là : “Tại sao một đất nước đầy tiềm năng du lịch và du lịch có thể đóng góp 10% GDP, lại không có công ty Việt Nam nào đủ khả năng lật đổ những “ông lớn” ngoại như Agoda? Vì sao chúng ta cam chịu dâng miếng bánh màu mỡ cho Agoda, để họ không nộp một đồng thuế nào cho Việt Nam?”

Ông Lâm lên tiếng: “Với khát vọng và sự tự trọng của một người Việt Nam, tôi thay mặt cho những công ty, doanh nghiệp Việt tuyên chiến với một kẻ nước ngoài trốn thuế, hiện không đóng góp gì cho Việt Nam dù vẫn được hưởng lợi hàng ngày, đó là Agoda.”

CEO Vntrip.vn "chỉ điểm" Agoda trốn thuế như thế nào

Tại buổi gặp gỡ, ông Lê Đắc Lâm chỉ ra cách trốn thuế của Agoda. Khi khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng cho Agoda, doanh nghiệp này thu 20 USD tiền phí, 80 USD trả cho khách sạn tại Việt Nam. Như thế, 20U SD đó nằm ngoài Việt Nam và Việt Nam không thu được đồng thuế nào.

CEO của Vntrip.vn ước tính, nếu như năm 2020, chỉ cần 50% doanh thu đến từ khách nội địa cũng đủ đóng góp 5,25 tỷ USD tiền phòng cho toàn ngành du lịch và nếu không có chế tài kiểm soát Agoda, Việt Nam có thể thất thoát 10.000 tỷ đồng tiền thuế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Vntrip đã từng đề cập vấn đề này với Agoda hay chưa, ông Lâm cho biết, Vntrip chưa đặt câu hỏi với Agoda nhưng “có thể họ sẽ phớt lờ mình thôi nên không quá quan trọng”.

Còn về phía các doanh nghiệp Việt khác, ông Lâm cho biết họ không chính thức nói ra nhưng rất cổ vũ Vntrip.

“Hy vọng sau này có nhiều Doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn nói ra những khó khăn của mình.”

Cụ thể hơn về việc Agoda trốn thuế, Luật sư Trương Quốc Hòe chia sẻ, dòng tiền đã từ Việt Nam đi sang Singapore – nơi Agoda đăng ký kinh doanh mà chưa có chế tài nào kiểm soát. Ngoài cơ quan điều tra, không ai có thể chính thức lấy được thông tin giao dịch của doanh nghiệp và khách hàng sử dụng phòng. Tuy nhiên luật sư khẳng định có thể kiểm soát được các dòng tiền của doanh nghiệp nước ngoài như Agoda dựa trên cơ chế của các cơ quan thống kê nhà nước.

Luật sư Trương Anh Tú cho biết, ở Việt Nam, phương pháp thu thuế là thu của Doanh nghiệp có thu nhập phát sinh tại Việt Nam theo các sắc thuế khác nhau. Việc thu thuế của doanh nghiệp ngoại có cơ chế cụ thể chứ không phức tạp như nhiều người nghĩ, và sẽ có những bước đi lần lượt.

Vntrip.vn có đang dựng chiêu trò để PR?

Sự kiện lần này của Vntrip gây chú ý không chỉ bởi nội dung là khởi kiện một doanh nghiệp ngoại trốn thuế, mà còn bởi mối quan hệ giữa 2 bên.

Agoda.com là một công ty hỗ trợ du lịch trực tuyến cho người dùng có trụ sở tại Singapore. Đây là công ty con của Princeline Group – tập đoàn toàn cầu chuyên về lữ hành và các dịch vụ trực tuyến liên quan du lịch, lữ hành. Ngoài Agoda.com, Priceline Group còn sở hữu nhiều công ty tên tuổi khác như Booking.com, Priceline.com, Kayak.com…

Đáng chú ý, vào tháng 4 năm nay, Vntrip từng công bố rộng rãi việc kí kết hợp tác chiến lược với Booking.com để trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam được cấp quyền truy cập vào mạng lưới khách sạn của Booking.com trên toàn thế giới. Do đó, việc Vntrip ký kết hợp tác chiến lược với Booking.com nhưng lại đi khởi kiện Agoda.com – vốn là 2 công ty cùng một hệ thống – là một động thái khá lạ.

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Đắc Lâm cho hay, Booking.com và Agoda là 2 công ty anh em cùng một mẹ nhưng hoạt động độc lập và bản thân họ cạnh tranh với nhau. Việc hợp tác giữa Vntrip và Booking.com nhằm mục đích để Vntrip có thể tận dụng đại lý của Booking về hệ thống khách sạn quốc tế. Còn tại hệ thống khách sạn trong nước, Vntrip hoạt động độc lập.

Ông Lâm cũng chia sẻ, Booking.vn ở Singapore rất hỗ trợ Vntrip.vn vì họ được hưởng hoa hồng, nhưng Booking ở Việt Nam lại không hề thích Vntrip vì lấy thị phần của họ. Tuy nhiên, theo ông Lâm, đối tác Booking.vn không trốn thuế vì hoạt động theo mô hình khách hàng trả tiền cho khách sạn, sau đó khách sạn trả phí cho Booking.vn và đã phải trả thuế nhà thầu.

“Bản thân tập đoàn rất chồng chéo nhau, chúng tôi không sử dụng sự việc này để PR cho Vntrip.vn”. – CEO của Vntrip.vn khẳng định.

Tuy nhiên, phải thấy rằng, Vntrip.vn là một doanh nghiệp được sở hữu bởi Vntrip OTA – một doanh nghiệp Hồng Kong. Tại buổi gặp mặt, ông Lâm cũng chia sẻ: “Tại Vntrip.vn, tôi và anh Huy Nhật - 2 người Việt Nam là chủ sở hữu chính. Ngoài ra, NĐT nước ngoài là phần nhỏ và họ không liên quan gì đến Agoda hay Booking. Nói gì thì nói, 2 người quản lý vẫn là người Việt Nam.”

Chính vì thế, ông Lê Đắc Lâm khẳng định: “Với khát vọng và sự tự trọng của một người Việt Nam, tôi thay mặt cho những công ty, doanh nghiệp Việt tuyên chiến với Agoda”.

Ông Lâm cũng lên tiếng kêu gọi nhiều khách hàng Việt đừng sính ngoại vì đã có nhiều hàng nội chất lượng hơn hẳn để khách hàng dùng.

“Tôi không có ý định tuyên ngôn như Đặng Lê Nguyên Vũ khi nói cafe Trung Nguyên mới là café thứ thiệt còn Starbucks chỉ là nước có mùi café pha với đường, rằng Trung NGuyên sẽ tấn công vào Mỹ và thế giới. Sau tuyên bố ấy, không những Trung Nguyên không thể tấn công được ở Mỹ mà còn trở nên yếu ớt ngay ở Việt Nam.

Tôi cũng không muốn tuyên ngôn như anh Nguyễn Tử Quảng về siêu phẩm Bphone. Người Việt nào chẳng muốn anh QUảng cho ra đời một siêu phẩm sánh ngang Iphone nhưng ai cũng biết rằng LÀM phải luôn đi trước NÓI thì mới thuyết phục.”

Cùng chuyên mục
XEM