Tổng cục Thuế: Giá dầu giảm là buồn, nhưng vẫn phải “múc”

26/03/2016 09:06 AM | Kinh tế vĩ mô

Hai tháng đầu năm khoản thu thuế từ dầu thô chỉ đạt 5,77 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán và giảm chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. “Nói chung giá dầu thô giảm là buồn”

Giá dầu giảm sâu nhưng cũng không thể ngừng “múc” và đưa vào dự toán thu ngân sách.

Theo ông Nguyễn Đại Chí – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế ( Bộ Tài chính ) cho biết, tổng thu NSNN 2 tháng đầu năm 2016 đạt 145.750 tỷ đồng, đạt 17,4% dự toán, bằng 106,1% so với cùng kỳ 2015.

Trong đó, đáng chú ý thu từ dầu thô chỉ đạt 10,6% dự toán, tương đương 5,77 nghìn tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Số thu từ dầu thô trên cơ sở giá dầu thanh toán bình quan 2 tháng ở mức giá 36 USD/thùng, giảm 24 USD/thùng so với giá dự toán.

“Nói chung giá dầu thô giảm là buồn”- ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) chia sẻ.

Phân tích cặn kẽ hơn chuyện “giá dầu thô giảm sâu sao cứ “múc” dầu mãi?”, ông Phụng cho rằng, việc lập dự toán đã có quy định rồi, đây là định hướng dự báo trong điều hành nên vẫn phải lập để điều hành thu – chi cả năm. Lúc xây dựng dự toán ngân sách, việc lấy giá dầu bao nhiêu đã được cân nhắc dựa trên số liệu báo cáo của các tổ chức dự báo uy tín thế giới và được sự thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội.

“Giá dầu thô diễn biến quá phức tạp. Năm ngoái khi xây dựng dự toán đưa ra dầu vào là 100 USD/thùng, thì ngay lập tức giảm xuống còn 50 USD/thùng. Còn năm nay khi vừa đưa ra dự toán 60 USD/thùng, giá dầu lập tức giảm còn một nửa...”- ông Phụng thừa nhận.

Tuy nhiên, theo ông Phụng, tác động của giá dầu thô giảm có cả 2 mặt, trực tiếp và gián tiếp. Dầu thô liên quan tới nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế, nên giá dầu giảm không hẳn chỉ có tác động tiêu cực. Năm rồi, trong khi giá dầu thô giảm, ngân sách trung ương “kẹt” thì ngân sách địa phương lại “xông xênh”.

Ông Phụng ký giải, khi giá dầu thô giảm thì giá chi phí của DN giảm, tích luỹ nội bộ của DN tăng lên nên đóng thuế TNDN cũng tăng và được chia cho cả ngân sách trung ương và địa phương. Trong số 63 tỉnh thành thì chỉ có 13 tỉnh thành “chia lửa” thu thuế cho ngân sách trung ương, còn lại 50 tỉnh thành là nộp về ngân sách địa phương.

“Vì thế, khi DN có lời, phần nộp thuế GTGT , thuế TNDN tăng lên, nhưng toàn chạy về ngân sách địa phương. Thế mới có chuyện, trong khi ngân sách trung ương căng thẳng thì ngân sách địa phương tươi cười” – ông Phụng dí dỏm.

Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cũng ví von, ngân sách Nhà nước cũng giống như ngân sách gia đình, gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong thu thuế, có khoản chạy về trung ương, có khoản chạy về địa phương, có khoản được chia cho cả trung ương và địa phương.

"Tiền túi bố, tiền túi con đều là tiền gia đình nhưng thường chỉ chạy từ túi bố sang túi con chứ không chảy ngược từ túi con sang túi bố. Thế nên khi ngân sách địa phương có tăng thu thì trung ương không lấy về được" - ông Phụng phân tích.

Theo tính toán của ngành thuế , nếu kịch bản giá dầu giảm sâu xuống mức 20 USD/thùng thì ngân sách thất thu khoảng 1.500 tỷ đồng. Dù vậy, vẫn không thể bỏ dầu thô ra khỏi dự toán và đóng mỏ dầu khi giá xuống quá thấp.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Phụng chia sẻ, nếu đóng mỏ dầu ngừng khai thác DN sẽ phải chịu thiệt hại lớn về chi phí khi hoạt động khai thác trở lại.

“Nguyên tắc đối với các nhà đầu tư là lời ăn lỗ chịu, bán dưới giá thành bị lỗ thì phải tự bỏ tiền ra bù chứ không ai bù lỗ cho DN. Không ai bù lỗ cho các nhà thầu có giá thành khai thác thấp hơn giá bán, nên họ phải cân đối bài toán lỗ lãi dù giá dầu xuống thấp”.

Theo Nguyễn Hoài

Cùng chuyên mục
XEM