"Tôi thà làm một người đánh giày còn hơn là nhân viên ngân hàng"

28/04/2017 08:47 AM | Kinh doanh

Hai con người, hai công việc, hai đẳng cấp - nhưng tựu chung lại vẫn là những mưu cầu cơ bản của một con người: cần được tự do và hạnh phúc. Nhà báo Lucy Kellaway của tờ FT đã kể lại một câu chuyện có thật như vậy giữa lòng nước Anh.

Thứ năm tuần trước, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thấy đôi giày của mình sạch bóng như thế. Ngồi trên một chiếc ghế bên ngoài St Mary-le-Bow, một người đàn ông đã bước đến và hỏi tôi có muốn đánh giày hay không. Anh ta quỳ xuống dưới chân tôi và bận rộn với những chiếc giẻ lau, bàn chải và hộp xi Kiwi của mình.

Điều này chưa bao giờ xảy ra với tôi trước đây, bởi tôi thường tự mình đánh bóng chúng. Hơn thế nữa, tôi cảm thấy không hay khi có một người làm công việc của họ dưới chân bạn. Tôi vẫn còn nhớ vào đầu những năm 1980, khi còn đang làm việc ở phố Wall , tôi thường bắt gặp hình ảnh những người đàn ông khoác trên mình những bộ suit thẳng tắp, ngồi trên những chiếc ghế cao và tờ Wall Street Journal trên tay, trong khi những người đàn ông khác khoác trên mình chiếc tạp dề bẩn lướt ngang qua họ. Tôi đã không thể kìm lòng mình trước cảnh tượng ấy.

Tại một bữa tối trang trọng tuần trước, tôi có gặp một người phụ nữ là cán bộ cấp cao của một ngân hàng lớn trong thành phố. Tôi hỏi cô ấy có muốn trở thành bà chủ ngân hàng hay không. Tất cả những ai làm việc trong ngành dịch vụ tài chính đều rất điên, cô ấy trả lời kèm một nét mặt đau khổ.

Thứ nhất, sức ép quy định khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn. Sau đó đến chính trị và sự khoa trương trở thành nhu cầu vô tận. Cuối cùng, sự kỳ thị giới tính và văn hóa quan liêu là bản chất không thể thay đổi. Người phụ nữ nói rằng cô đã kiếm đủ tiền sau 2 thập niên làm việc để không bao giờ phải làm việc nữa, và giờ đây cô cảm thấy vui với điều đó.

Trong một hoàn cảnh khác, một chàng sinh viên trẻ tuổi đã bắt đầu sự nghiệp của anh bằng chiếc giỏ đánh giày và đến thời điểm này anh vẫn muốn được làm công việc đó.

Vào cái ngày mà cô bắt đầu đến làm việc tại trụ sở ngân hàng lát đá hoa cương sáng loáng, có một chàng thanh niên cũng mới đến sân nhà thờ cách văn phòng cô khoảng 100m để xin được đánh giày ở đây. Trong gần 20 năm qua, ngày nào anh cũng đến nhà thờ vào lúc 11h30, bật một chiếc ô xanh và kiếm tiền bằng những chiếc giày bẩn của đám công sở làm việc tại những tòa nhà quanh đó.

Ở đây, đánh giày vốn vẫn được coi là công việc của những đứa trẻ Mumbai mồ côi cha mẹ và cần tiền để sống qua ngày. Nhưng Marc lại kể một câu chuyện khác.

Khi anh đến London vào đầu những năm 1990, anh hy vọng sẽ làm việc trong ngành truyền thông. Nhưng sau một thời gian anh nhận ra công ty truyền thông này là một sự giả tạo, nó giống như một vở kịch được diễn đi diễn lại hàng ngày bởi những nhân viên làm ở đó và anh cảm thấy hài lòng hơn với những chiếc bàn chải và lọ xi đánh bóng của mình.

Tôi đã đích thân đến sân nhà thờ đó để đợi anh. Trong khi anh đang đánh bóng chiếc giày chưa bao giờ được đánh bóng bởi một ai khác ngoài chủ nhân của nó, tôi tò mò hỏi điều gì khiến anh ở lại với công việc này lâu đến thế.

Anh nói. "Tôi không cần phải thông minh. Tôi có thể câm như hến nếu tôi muốn. Tôi không cần phải cố gắng gây ấn tượng với bất cứ ai. Đó là điều tuyệt vời nhất. Tôi đã dành cả một nửa cuộc đời để gây ấn tượng với mọi người. Điều đó thật mệt mỏi. Tồi tệ hơn cả việc bạn cứ phải giả vờ thông minh là khi bạn làm việc với những người giả vờ còn giỏi hơn cả bạn".

Tôi nhận ra những chia sẻ này của anh trong lời nói của người phụ nữ tôi gặp buổi tối hôm trước.

"Điều tuyệt vời thứ hai là sự hài lòng đối với công việc", anh chia sẻ. "18 phút trước, bạn nhận từ khách hàng một đôi giầy bẩn, 18 phút sau nó đã hoàn toàn bóng sáng. Trái với ngành ngân hàng, công việc của chúng tôi đem lại cho khách hàng niềm vui. Khi bước đi trên những đôi giày sáng lấp lánh, họ cảm thấy tự tin hơn và thông minh hơn. Người ta nói, một đôi giày tốt sẽ đưa bạn đến những nơi tuyệt vời".

Đó cũng là lý do tại sao thợ làm tóc, nhân viên spa luôn được đánh giá cao hơn trong danh sách các nghề nghiệp đem lại hạnh phúc hơn là cố vấn quản lý và luật sư doanh nghiệp. Là một nhà báo, tôi cố gắng làm cho độc giả cảm thấy vui, nhưng tôi cũng chưa bao giờ được nhìn thấy họ thỏa mãn tận mắt như những người thợ đánh giầy chứng kiến khách hàng của họ.

Điều cuối cùng là Marc có thể tự chọn giờ làm riêng cho mình. Anh có thể đi đánh giày vào giờ ăn trưa và thời gian còn lại thì làm công việc phiên dịch. Không có người quản lý, không phải sống bó buộc trong những quan hệ chính trị.

Tất nhiên có duy nhất một điều tệ hơn đó là tiền bạc. Marc kiếm được 4,5 bảng Anh cho mỗi 1 đôi giày. Như vậy, mỗi 1 giờ anh kiếm được khoảng 30 bảng. Anh có chia sẻ chân thành rằng anh đã không kiếm đủ tiền để nghỉ hưu. Nhưng điều đó cũng không phải là chuyện to tát vì anh thực sự không cần một tài khoản nghỉ hưu đầy đặn.

Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi hỏi Marc nếu được chọn lại anh sẽ làm gì và anh ấy trả lời "tôi thà làm một người đánh giày còn hơn là một nhân viên ngân hàng".

Nếu là bạn, bạn sẽ chọn gì?

Theo Anh Sa

Cùng chuyên mục
XEM