Tôi đi làm công nhân Samsung: Sự thật những tin đồn

22/03/2018 11:13 AM | Kinh doanh

Công nhân bên trong nhà máy Samsung và ở bên ngoài nhà máy, có rất nhiều lời đồn về môi trường độc hại. Liệu lời đồn này có đúng? Bên trong nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất khu vực ở Việt Nam ra sao?

Mùi lạ là mùi gì?

Trong những ngày đào tạo, chúng tôi đi bộ từ trung tâm đào tạo ra phía Cổng Đông của nhà máy (do diện tích nhà máy rộng nên được phân chia thành các cổng như Đông, Nam...). Trên đường đi, khi tới gần nhà ăn số 2, có mùi lạ bốc lên. Ngày hôm ấy mưa phùn, trời dần tối, nhìn lên phía trên nhà xưởng có 2 tháp cao với dòng khói trắng bay thẳng lên trời. Hỏi nhân viên cũ, chúng tôi nhận được câu trả lời: Tháp khí thải. Câu trả lời này cũng được đại diện bộ phận môi trường nói với chúng tôi trong buổi học về môi trường.

Mở đầu bài giảng không phải mô típ thông thường: môi trường là gì, Samsung chấp hành tốt tiêu chuẩn môi trường ra sao, mà chúng tôi được giảng viên tên Lan kể cho nghe về những lời đồn môi trường độc hại ở nhà máy này.

“Ở công ty có rất nhiều tin đồn vì vậy chúng tôi sẽ kể cho các bạn nghe, trước khi bạn nghe từ công nhân cũ”, giảng viên bắt đầu.

Tôi đi làm công nhân Samsung: Sự thật những tin đồn   - Ảnh 1.
Trong dây chuyền sản xuất.

Tin đồn đầu tiên chúng tôi được nghe từ đại diện của Samsung là: Nhà máy cứ mất điện 10 phút có một người chết. Nhân viên cũ nói đa số mọi người đều tin bởi lẽ không có lửa làm sao có khói. Hơn nữa trên facebook tiếp tục lan truyền: mấy đứa cùng line (dây chuyền) được đút tiền hết rồi nên không nói ra ai là người bị chết (?!)

“Không hề có chuyện như lời đồn là mất điện để khiêng xác người ra ngoài. Trong nhà xưởng của chúng tôi chỉ mất điện nhiều nhất khoảng 10phút. Bóng đèn nhà xưởng gồm 6 bóng, trong đó có 2 bóng đèn pin. Khi mất điện, 2 bóng đèn pin vẫn sáng. Bên cạnh đó, đèn exit luôn luôn sáng giúp các bạn nhìn thấy nhau”, giảng viên nói.

Tiếp tục bài giảng, chị Lan kể câu chuyện thật của chính bản thân về những lời đồn cho chúng tôi nghe. “Hơn 2 năm trước, tôi vào Samsung, khi đi bộ đến nhà ăn 2, ngửi thấy mùi khó chịu. Không biết mùi gì, tôi hỏi anh chị công nhân cũ ngồi ở ghế chờ.

- Anh chị ơi mùi gì mà kinh thế?

- Em ơi ! Đây là mùi khí metan ở tòa nhà metan.

Tôi tin sái cổ và sợ hãi. Mãi khi về tới bộ phận môi trường mới biết đó là mùi bể phốt. Có thực tế là mùi bể phốt trong nhà máy vẫn còn. Chúng tôi đã xử lý nhưng không thể xử lý hết được, dù đã hút sạch và cho men vi sinh. Hút xong, chúng tôi cho silicon gắn chặt nhưng không hết mùi nên cả SEVT (Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên) vẫn chưa xử lý được vấn đề đó. Nhưng nhân viên phán như thánh khí mê tan. Đúng là công ty có toà nhà Metan nhưng đã đổi tên khác. Nhân viên truyền tai nhau toà nhà metan có dùng khí metan”, chị Lan kể.

Theo chị Lan, đối diện nhà ăn 2, có tháp thải khí, nhất là vào ban đêm hoặc ngày mưa sẽ nhìn thấy dòng khí trắng bay lên trời, công nhân cũ nói khí này độc lắm. Nhưng thực tế, đó là hơi nước thoát ra từ 2 tháp làm mát nên bộ phận môi trường Samsung không xử lý hơi nước và cho thoát lên tháp khí.

Chị Lan tiếp tục giảng cho chúng tôi các quy định an toàn và chỉ ra các ví dụ cụ thể. Ở trong xưởng có rất nhiều tai nạn xảy ra do công nhân không đảm bảo an toàn. Công đoạn xe kéo, xe nâng cần đồ bảo hộ nhưng không mặc, khi xảy ra va chạm khiến công nhân bị đứt dây chằng. Hoặc nhân viên vào xưởng, thấy nhân viên cũ cho cồn vào lọ thuốc nhỏ mắt để rửa sản phẩm dễ hơn. Nhưng nhân viên ca sau vào không biết, cầm lọ thuốc (có chứa cồn) nhỏ vào mắt, xảy ra tai nạn lao động.

“Nhiều tai nạn vớ vẩn. Đi ăn khoác vai nhau, vỗ tay nhau giật mình ngã cầu thang. Đi vào xưởng không để ý, vấp ngã, chấn thương, rách đầu. Ngủ gật, đầu chạm vào cạnh bàn, phải khâu vài mũi. Các bạn cần nhớ, vào xưởng luôn luôn giữ an toàn tính mạng. Ngồi làm việc phải kiểm tra xung quanh có gì nguy hiểm không để bảo vệ an toàn. Ở xưởng đã xảy ra sự cố, miếng gỗ trên cao lung lay và rơi vào đầu. May chỉ bị thương”, giáo viên kể lại.

 Đồ lót cũng phải theo quy định

Sau khi học về môi trường, đến giờ học an ninh, chúng tôi được đại diện bộ phận an ninh dạy cách cài đặt phần mềm SMS (phần mềm hỗ trợ tắt camera điện thoại cá nhân thay vì dán tem giấy hàng ngày). Theo đó, SMS chỉ cài đặt trên điện thoại do Samsung sản xuất và cài bằng mã số nhân viên. Sau khi cài đặt, công nhân đến gần nhà máy, phần mềm sẽ tự động bật bluetooth để tắt camera. Nếu ai không tắt camera, phần mềm sẽ tự động báo cho bộ phận an ninh xử lý.

Ngoài việc phải mặc đồng phục của công ty, giảng viên Mai Tuyết Hải - bộ phận an ninh của nhà máy còn dặn dò chúng tôi: “Để đỡ mất công kiểm tra an ninh ở cửa từ, các bạn nữ nên mặc áo không có gọng sắt. Mỗi năm công ty sẽ phát cho nữ công nhân 6 áo lót không gọng sắt. Nam công nhân sẽ được phát dây lưng”, giảng viên Hải nói.

Theo đại diện bộ phận an ninh của Samsung, một trong những quy định tuyệt đối của Samsung là: cán bộ, công nhân viên không được đăng bất cứ thông tin gì từ hình ảnh công ty, nhà xưởng, sản phẩm, linh kiện đến số tiền lương, thưởng... lên mạng xã hội như Facebook. Nếu đăng tải, người đăng lên sẽ bị bộ phận an ninh xử lý.

Tôi đi làm công nhân Samsung: Sự thật những tin đồn   - Ảnh 2.
Nhà máy Samsung rộng hàng trăm hecta, hiện tại bộ phận môi trường vẫn bó tay với mùi bể phốt.

Tại xưởng sản xuất, có nhiều camera soi trực tiếp vào công nhân. Nếu công nhân nào ghét camera thì xin quản lý đổi vị trí làm việc, không tự ý xoay camera. Ở Samsung đã có trường hợp xoay camera vào tường, bị bộ phận an ninh phát hiện và sa thải.

“Chúng tôi gọi đây là “cái chết” ngu si nhất ở Samsung bởi không làm gì cả, chỉ xoay camera vào tường cũng bị sa thải”, chị Tuyết Hải nói.

Ngoài quy định trên, đại diện bộ phận an ninh cũng dặn dò thêm các ứng viên mới về việc tuân thủ đầy đủ quy định về đeo khẩu trang đảm bảo an toàn. Ở một số xưởng sản xuất, công ty phát cho nhân viên khẩu trang bảo hộ mà công nhân vẫn gọi là “mõm lợn”. Vì kích thước lớn, cồng kềnh, nhiều công nhân phàn nàn khó thở, không muốn đeo. Có bạn công nhân đeo khẩu trang này nhưng mệt nên tháo ra thở hoặc đeo thêm khẩu trang mỏng bên trong để không có mùi, khiến cho khẩu trang bảo hộ mất tác dụng.

“Các công ty khác trang bị trang phục bảo hộ cá nhân không bằng Samsung nhưng khi được trang bị cẩn thận thì công nhân lại nghĩ môi trường quá độc nên mới phải trang bị cẩn thận thế”, đại diện bộ phận an ninh cho biết.

Theo chị Tuyết Hải, khi công nhân xưởng sản xuất phản ánh có mùi khó chịu, bộ phận an ninh đến kiểm tra. Trong xưởng, công nhân của các dây chuyền đang làm việc say sưa, chúng tôi hỏi: đây là hoá chất gì? Công nhân trả lời “không biết nhưng chắc độc lắm”. Hỏi ai cũng trả lời như thế trong khi đó đi thêm vài bước thì có dán hướng dẫn sử dụng, tên hoá chất.

“Tôi chỉ mong các bạn nghĩ đến mình đầu tiên và kiểm tra vị trí làm việc. Nhỡ không may chỗ đó rò rỉ điện, giật chết mình thì sao? Tiếp theo hoá chất mình sử dụng là gì, để đeo găng tay khi dùng. Phải tìm vị trí có cây tắm, bình nhỏ mắt để sơ cứu khi bị hoá chất dính vào”, giảng viên dặn dò.

Sau những ngày training, chúng tôi chính thức xuống xưởng và hiểu thế nào là công nhân trong dây chuyền công nghiệp, hiện đại.

“Có thực tế là mùi bể phốt trong nhà máy vẫn còn. Chúng tôi đã xử lý nhưng không thể xử lý hết được, dù đã hút sạch và cho men vi sinh. Hút xong, chúng tôi cho silicon gắn chặt nhưng vẫn không hết mùi nên cả SEVT (Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên) chưa xử lý được vấn đề đó”.

Đại diện bộ phận môi trường của Samsung nói với ứng viên xin làm công nhân

“Các công ty khác trang bị trang phục bảo hộ cá nhân không bằng Samsung nhưng khi được trang bị cẩn thận thì công nhân lại nghĩ môi trường quá độc nên phải trang bị cẩn thận thế”.

Đại diện bộ phận an ninh Samsung nói

(Còn nữa)

(tên nhân vật đã được thay đổi)

Theo Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
XEM