Tôi đã từng dùng Nikon, nhưng không nuối tiếc khi chuyển sang máy ảnh không gương lật Sony

31/08/2018 20:19 PM | Kinh doanh

Nikon (và cả Canon) cần phải tăng tốc thật sớm để đuổi kịp Sony trong cuộc đua không gương lật khốc liệt.

Bài viết là ý kiến cá nhân Alex Garcia, một nhiếp ảnh gia đã đoạt giải báo chí Pulitzer đang sống tại Chicago, Mỹ.

Sau tới nửa năm chờ mong, thì cuối cùng Nikon cũng ra mắt máy ảnh không gương lật Full-frame cho riêng mình , đi theo con đường mà Sony đã khai phá trong nhiều năm nay. Nhưng liệu những sản phẩm này có đủ để giữ chân được những nhiếp ảnh gia ở lại với hệ thống máy ảnh của Nikon?

Tôi là một người đã sử dụng hệ thống máy ảnh DSLR của Nikon, và vừa chuyển sang sử dụng máy ảnh không gương lật Sony vào đầu năm nay. Một câu hỏi luôn ám ảnh tôi là "Liệu rằng tôi, cùng những người đã thực hiện 'công cuộc' chuyển đổi này rồi một ngày sẽ phải hối tiếc?". Câu hỏi này không chỉ dựa trên những yếu tố công nghệ, mà còn về mặt tình cảm nữa. Tôi đã sử dụng Nikon trong một thời gian lâu dài, rời bỏ hệ thống này như từ bỏ một người mình yêu thương bấy lâu vậy.

Nhưng đến giờ, tôi có thể tự tin nói rằng tôi không hề nuối tiếc!

Quá trung thành với một hãng công nghệ cũng không khác gì cố níu giữ một mối quan hệ không thành công. Việc từ bỏ sau khi đã thiết lập mối quan hệ sau nhiều năm sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và cả vấn đề tinh thần nữa; và rất có thể, bạn nghĩ rằng "Nếu như ta cố níu kéo thêm một thời gian nữa, rồi tất cả cũng sẽ tốt hơn, rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn". Nhưng đôi khi, lí chí phải đánh thắng tình cảm!

Tôi đã từng dùng Nikon, nhưng không nuối tiếc khi chuyển sang máy ảnh không gương lật Sony - Ảnh 1.

Sony A7 III, một sản phẩm đã lôi kéo được rất nhiều người sử dụng Canon và Nikon chuyển sang Sony

Trong vòng 5 năm qua, Sony đã đem tới rất nhiều công nghệ mới cho ngành nhiếp ảnh. Hãng có tiềm lực tài chính dồi dào và kì vọng phát triển lớn, nên người dùng cũng cảm thấy yên tâm khi sử dụng dòng sản phẩm máy ảnh của họ, vì biết rằng nó sẽ còn được hỗ trợ trong nhiều năm nữa. Sony không làm người dùng nhớ tới 'những ngày xưa cũ', nhưng là một hãng công nghệ hướng về tương lai khi liên tục ra mắt sản phẩm mới để sửa sai cho những dòng trước đó.

Tôi cũng không nhớ được Sony đã ra mắt bao nhiêu chiếc máy ảnh nữa, nhưng sản phẩm gây ấn tượng mạnh nhất là chiếc A7 III, áp dụng rất nhiều tính năng của những sản phẩm cao cấp hơn ở tầm giá mà ai cũng có thể tiếp cận được. Bạn còn chờ gì nữa mà không chuyển dòng? Sony đã và đang 'mời gọi' rất nhiều nhiếp ảnh gia đang sử dụng các dòng máy ảnh khác, không phải bởi những lời hứa của tương lai, mà là những thay đổi của hiện tại.

Tôi đã từng dùng Nikon, nhưng không nuối tiếc khi chuyển sang máy ảnh không gương lật Sony - Ảnh 2.

Chiếc Nikon Z6 và Z7 vẫn còn nhiều nhược điểm làm người dùng thất vọng

Một trong những lí do chính mà tôi chuyển sang sử dụng Sony đó là những tính năng quay phim. Đa phần nhiếp ảnh gia hiện nay đều có lấn sang ngành sản xuất phim, một ngành đang có rất nhiều cơ hội kiếm tiền. Trước khi chuyển sang Sony, để phục vụ đầy đủ mục đích chụp ảnh và quay phim tôi đã phải sử dụng song song 2 hệ máy là Nikon và Canon Cine EOS. Tôi đã phải mua rất nhiều phụ kiện đắt tiền, trong đó có ống kính cho cả 2 hệ thống nhưng không thể sử dụng chung với nhau. Và cuối cùng tôi đã đi tới quyết định là bán cả 2 và chỉ sử dụng Sony, hãng duy nhất tích hợp cả khả năng chụp ảnh và quay phim chất lượng cao trong một sản phẩm.

Và giờ Nikon đã ra mắt chiếc máy ảnh không gương lật của mình, hãy cùng làm một bài so sánh ngắn về những nhược điểm làm tôi thất vọng, và không nuối tiếc khi chuyển dòng máy:

- Bộ đôi Z6 và Z7 chỉ có một khe cắm thẻ duy nhất, chứ không có 2 khe như dòng máy Sony A7 III và A7R III mới ra mắt. Tôi là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sống nhờ vào chụp ảnh, tôi sẽ không bao giờ tới một buổi chụp mà không có 2 thẻ để có thể back-up những bức hình quý giá.

- Máy không có hệ thống lấy nét mắt (Eye AF) giúp cho việc chụp chân dung trở nên dễ dàng hơn,

- Dung lượng pin của Nikon quá thấp, chỉ đủ chụp 330 tấm ảnh so với 530 tấm trên Sony A7R III. Nếu muốn sử dụng máy lâu dài, người dùng sẽ phải mua thêm pin hoặc báng cầm, tăng số tiền phải bỏ ra.

- Nikon Z7 có thể chụp 9 hình trên giây, nhưng khóa mọi chức năng đo sáng và lấy nét, trong khi A7R III có thể chụp 10 hình trên giây nhưng vẫn có đầy đủ những chức năng đó.

- Nikon hiện tại chỉ có duy nhất 3 ống kính dành cho hệ thống máy ảnh không gương lật, trong đó lại có một ống kính zoom khẩu độ nhỏ. Đa phần những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ sử dụng 2 ống kính 24-70mm và 70-200mm f2.8, và họ sẽ phải đợi thêm vài năm nữa. Nikon sẽ phải ra mắt thêm nhiều ống kính nữa, vì Sony hiện đã có 25 ống dành cho ngàm E, cùng với rất nhiều ống của hãng thứ 3.

- Ống kính 58mm f0.95 thực sự rất ấn tượng, nhưng chỉ là ống kính lấy nét bằng tay (Manual Focus), theo tôi chỉ là một sản phẩm 'giật tít' chứ không có tính ứng dụng cao.

- Hiện Nikon Z7 đang đắt hơn Sony A7R III tới $600, nếu như tính cả ngàm FTZ để có thể sử dụng ống kính F thì cách biệt đã là $850. Đây quả thực là một số tiền lớn mà người dùng Nikon phải trả nếu muốn sử dụng máy ảnh không gương lật của hãng.

Nikon đã tham gia vào cuộc đua không gương lật muộn tới 5 năm, nhưng cuối cùng lại làm người dùng thất vọng vì không theo kịp được về mặt công nghệ so với Sony. Những đồng nghiệp vẫn sử dụng Nikon của tôi chắc chắn sẽ nói rằng tôi thật lạnh lùng và độc ác khi nói những điều này về hệ thống máy ảnh của họ. Có lẽ có những điều thực sự khó nói, phải 'chia tay' rồi ta mới dám thừa nhận.

Tham khảo: Aphauniverse

THEO M.ĐỨC

Từ khóa:  máy ảnh
Cùng chuyên mục
XEM