Tôi chỉ ước lúc mới ra trường có người chia sẻ 4 lời khuyên về tiền bạc này để cuộc sống về sau đỡ vất vả hơn

08/05/2017 09:31 AM | Sống

Tốt nghiệp Đại học, thời 'cơm áo gạo tiền' ập đến, bạn ngập trong những nợ nần và hóa đơn thanh toán chỗ ở, ăn uống... Thanh xuân ngắn lắm, chẳng lẽ cứ kiếm tiền mãi để lại trả nợ, mà giấc mơ tự do tài chính ngày xưa đâu rồi ?

Sau 12 năm đèn sách và một khoảng thời gian trung bình 4 - 5 năm Đại học, cũng giống như bao người khác, bạn sẽ phải đi tìm việc làm, kiếm tiền và phải tự lo cho bản thân mình.

Và Austin Netzley, người sáng lập YoPro Wealth tại Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Anh từng là một cựu vận động viên, trước khi chuyển sang làm kỹ sư, nhà đầu tư và hiện là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Kiếm tiền, sống giàu có”.

Tuy nhiên, điều làm Netzley nổi tiếng trước công chúng nhất là việc anh đã sáng lập nên Công ty đầu tư ONE Pursuit Investments và trang web chuyên về tài chính cá nhân YoPro Wealth đã nhắc đến ở trên.

Là một 'ông trùm' về tài chính nhưng đã có lúc, Netzley đã phải chịu khoản nợ lớn tới 81.000 USD sau khi tốt nghiệp Đại Học. Vào thời điểm đó, anh tưởng rằng sự nghiệp mình đã tàn ngay khi mình mới bước vào đời.

"Khi ấy, tôi đang là sinh viên năm cuối và sắp trở thành kỹ sư ở thành phố Houston (Texas, Mỹ). Đến một ngày, tôi nhận được thông báo từ Sallie Mae - một công ty tài chính chuyên hỗ trợ vay vốn cho sinh viên - về tổng khoản nợ của mình trong bốn năm qua.

Tôi có ít nhất 8 khoản vay khác nhau, tức là sẽ phải trả tổng cộng 72.000 USD. Với một sinh viên nghèo, chuyện này không chỉ đáng ngán ngẩm, mà còn mang lại cái cảm giác khủng hoảng mà tới hôm nay tôi vẫn còn nhớ rõ. Cộng thêm chiếc Honda 9.000 USD đang sử dụng nữa, tôi vào đời với tình trạng còn thê thảm hơn cả phá sản - nợ 81.000 USD"

Dù vậy, anh chàng này đã đứng lên và chỉ trong chưa đầy 4 năm, Netzley đã không chỉ 'xử lý' hết số nợ nần trên mà còn gây dựng cho mình một nền tàng của sự tự do tài chính cuộc đời ngay từ độ tuổi 20.


Austin Netzley

Austin Netzley

Vậy, lời khuyên đến từ kẻ kiếm tiền chân chính và trả hết khoản nợ 81.000 USD chỉ trong 3 năm này liệu có đáng nghe không?

Có quá nhiều câu hỏi, chắc chắn rằng một khoản nợ khổng lồ không nằm trong kế hoạch của những sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, "quả bom" đó sẽ lớn lên từng ngày nếu bạn xem nhẹ cách quản lý tài chính.

Hãy lắng nghe 4 lời khuyên xương máu mà Austin Netzley đã rút ra trong quá trình trở thành một người "biết tiêu tiền":

1. Bắt đầu đầu tư thứ gì đó càng sớm càng tốt

Ban đầu chắc chắn sẽ gặp thất bại, nhưng tốt hơn hãy thất bại lúc bạn có "ít thứ để mất", còn hơn mất một đống tiền và không có khả năng đứng dậy nữa.

Quan trọng nhất, đừng giao quyền quản lý tài chính của bạn cho người khác, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho chính mình.

Bạn sẽ học được rất nhiều điều (hầu hết là những gì không nên làm) khi mới đầu tư.

2. Tìm việc

Có một công việc, có một ai đó trả tiền trong khi chúng ta học hỏi, có tiền để trả nợ. Đó là điều cơ bản bất cứ ai cũng hiểu.

Hãy tập trung vào tìm kiếm công việc đáp ứng được ít nhất một trong những điều kiện sau:

- Công ty có nhiều chương trình đào tạo tuyệt vời cho nhân sự.

- Được làm việc với những người mà bạn ngưỡng mộ và mong muốn học hỏi từ họ.

- Đừng ngại làm việc cho công ty nhỏ, bạn sẽ được chứng kiến "hậu trường" để xây dựng một doanh nghiệp từ trong trứng nước.

- Môi trường cho phép bạn làm thứ mình vẫn quan tâm bấy lâu nay, 10 năm qua bạn để ý nhất đến ngành nghề nào? Liệu chúng có tiềm năng trong tương lai không?

3. Dành một phần thu nhập để đầu tư cho bản thân

Bất cứ người thành công nào cũng chú trọng đầu tư cho bản thân, họ biết rằng nhà cửa, xe hơi... chỉ là thứ bên ngoài, quan trọng nhất vẫn là phát triển con người.

"Trường lớp chỉ là lớp sơn lót cho những gì bạn tự học sau này", Austin Netzley.

Tìm những người bạn ngưỡng mộ và học hỏi từ họ. Muốn tìm thấy "phím tắt" cho thành công thì phải tự học.

4. Đa dạng hóa dòng thu nhập

Có ba loại thu nhập chính:

- Thu nhập từ làm việc: làm một lần, được trả lương một lần (lương tháng, lương theo giờ).

- Thu nhập dôi ra: làm việc một lần, được trả lương nhiều lần (viết sách, viết chương trình).

- Thu nhập thụ động: không cần làm việc, được trả lương nhiều lần (đầu tư).

Ở đây, tự do tài chính là mục tiêu: chấm dứt việc đổi thời gian để lấy tiền, xây dựng một "cỗ máy kiếm tiền" và để chúng làm việc cho bạn.

Austin Netzley đã may mắn có được tự do tài chính ở tuổi 27, tiền vẫn chảy vào túi trong khi anh ta đi khắp thế giới.

90% số người trên thế giới này có thu nhập nhờ đổi thời gian của họ lấy tiền. Người giàu thì khác, họ xây dựng những thứ kiếm ra tiền trong khi chúng ta đang ngủ.

Điểm cốt yếu là phải tư duy khác đi, ban đầu sẽ gặp khó khăn, hãy cố gắng lên vì thành công chỉ dành cho người nào xứng đáng.

Phan Lê

Cùng chuyên mục
XEM