Toàn cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ

13/08/2018 09:06 AM | Xã hội

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người dân bán vàng và USD để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ đang lao dốc chóng mặt...

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 10/8 kêu gọi người dân bán vàng và USD để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ đang lao dốc chóng mặt. Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ sụt giá "kinh hoàng" sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng gấp đôi thuế quan áp lên thép và nhôm nhập khẩu từ nước này.

Động thái của ông Trump đã đẩy căng thẳng giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lên một ngưỡng mới. Trước đó, Washington đã áp các biện pháp trừng phạt lên nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả việc Ankara bắt giữ một mục sư người Mỹ.

"Giọt nước tràn ly"

Không phải đến ngày 10/8 đồng Lira mới sụt giá, mà tỷ giá đồng tiền này đã trượt dài từ trước do lo ngại của thị trường về ảnh hưởng của ông Erdogan lên chính sách tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ mỗi lúc một đi xuống giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ càng khiến giới đầu tư có thêm lý do để bán tháo Lira - hãng tin Reuters.

Nhiều người cho rằng những gì diễn ra vào ngày thứ Sáu như "giọt nước làm tràn ly", đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Đồng Lira có thời điểm "bốc hơi" 18% giá trị, cú giảm lớn nhất trong một ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2001 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh hưởng từ Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng khắp thị trường toàn cầu, trong đó chứng khoán châu Âu chịu tác động mạnh nhất bởi giới đầu tư lo ngại về việc các ngân hàng trong khu vực nắm giữ tài sản Thổ Nhĩ Kỳ. Các chỉ số chủ chốt của chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm 1-2%. Chứng khoán Mỹ cũng chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu trong sắc đỏ.

Từ đầu năm đến nay, đồng Lira đã mất giá hơn 40%. Đồng tiền này rớt xuống mức thấp kỷ lục vào ngày thứ Sáu, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ trừng phạt Ankara vì mâu thuẫn trong nhiều vấn đề giữa hai nước, trong đó có vụ bắt giữ mục sư người Mỹ.

Trong tuyên bố cùng ngày, Tổng thống Mỹ nâng gấp đôi thuế áp lên nhôm và thép Thổ Nhĩ Kỳ lên mức tương ứng 20% và 50% - một động thái mà Ankara cho là đi ngược lại các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nhấn mạnh rằng đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ "đang lao dốc mạnh so với đồng USD rất mạnh của chúng tôi! Mối quan hệ của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ lúc này đang không tốt".

Là một thị trường mới nổi quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ nằm cạnh Iran, Iraq và Syria, đồng thời là một quốc gia chủ yếu thân phương Tây trong nhiều thập kỷ qua. Khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy bất ổn gia tăng tại một khu vực vốn dĩ có nhiều biến động.

Trong một bài phát biểu trước công chúng vào ngày thứ Sáu, ông Erdogan không chỉ đích danh nhưng nói rằng những người ủng hộ cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ kỳ hai năm trước đã tấn công nước này theo những cách mới kể từ khi ông tái đắc cử Tổng thống cách đây 2 tháng. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng kế hoạch đảo chính vào mùa hè năm 2016 được giật dây bởi một giáo sỹ Hồi giáo sống lưu vong ở Mỹ.

Số phận mục sư người Mỹ

Giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có nhiều mâu thuẫn, nhưng bất đồng lớn nhất và "nóng" nhất ở thời điểm này nằm ở số phận của mục sư Thiên chúa giáo người Mỹ có tên Andrew Brunson. Ông Brunson hiện đang bị Thổ Nhĩ Kỳ xét xử vì các tội danh liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Vị mục sư bị Ankara cáo buộc hậu thuẫn một nhóm đứng sau vụ đảo chính bất thành các đây hai năm - cáo buộc mà ông Brunson bác bỏ.

Tuần này, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Washington để đàm phán về vấn đề số phận của mục sư Brunson, nhưng không đạt được bước đột phá nào.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn Mỹ dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen, một công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sống ở bang Pennsylvania mà Ankara cho là giật dây đảo chính năm 2016. Ông Gulen phủ nhận cáo buộc này.

Cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến tài sản bị bán tháo tại các thị trường mới nổi khác trong phiên ngày thứ Sáu, làm sống dậy "bóng ma" ảnh hưởng lan tỏa vốn là điểm yếu của các thị trường mới nổi trong nhiều thập kỷ qua.

Sự bán tháo đồng Lira làm gia tăng lo ngại về việc liệu các công ty nặng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể trả nợ bằng đồng Euro và USD sau nhiều năm vay nợ nước ngoài để đổ tiền vào cơn sốt xây dựng kể từ khi ông Erdogan lên cầm quyền.

Trong khi đó, ông Erdogan - người cho rằng "sự vận động hành lang về lãi suất" mờ ám và các tổ chức đánh giá tín nhiệm phương Tây đang cố tình hạ gục nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ - kêu gọi người dân thể hiện tinh thần yêu nước.

"Nếu ai đó đang cất USD hay vàng dưới gối, hãy mang đi đổi lấy Lira tại các ngân hàng của chúng ta. Đây là một trận chiến quốc gia", ông Erdogan phát biểu trước đám đông ở thành phố Bayburt thuộc phía Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

"Một số quốc gia đã có hành vi bảo vệ những kẻ âm mưu đảo chính, và chẳng biết gì đến luật pháp hay công lý", ông Erdogan nói. "Mối quan hệ với những quốc gia có hành vi như vậy đã rơi xuống mức không thể cứu vãn", ông Erdogan nói, đồng thời cảnh báo người dân về một "cuộc chiến tranh kinh tế".

Thổ Nhĩ Kỳ có căn cứ không quân Incirlik được sử dụng bởi lực lượng của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Nước này là một thành viên NATO từ thập niên 1950. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi đặt một radar X-band, một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của NATO trước Iran.

Nước Mỹ hiện nay đang tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào những quốc gia đối thủ như Iran hay Triều Tiên, nhưng hiếm khi dùng biện pháp thuế quan - vốn chỉ hay được sử dụng trong các tranh chấp thương mại - để đáp trả đối phương trong mâu thuẫn chính trị như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ.

Sẽ có hành động khẩn cấp?

Theo Reuters, dù giá thuê nhà, thực phẩn và xăng dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng mạnh, ông Erdogan vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

"Đừng quên điều này: nếu họ có USD, thì chúng ta có công lý và có Thượng đế!" ông Erdogan nói ngày 10/8. "Chúng ta sẽ vượt qua được cuộc chiến tranh kinh tế một cách thành công".

Trao đổi với trang CNN Money, chiến lược gia tiền tệ cấp cao Rodrigo Catril thuộc National Australia Bank, nói rằng ngoài căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, giới đầu tư còn đang lo ngại về lạm phát tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ và mức độ độc lập của Ngân hàng Trung ương nước này.

Dưới sức ép của ông Erdogan, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải giữ lãi suất ở mức thấp, dù lạm phát đã vượt ngưỡng 15% vào tháng 7. Trong cuộc họp mới đây, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đi ngược lại kỳ vọng của thị trường khi giữ nguyên lãi suất. Giới phân tích nói rằng điều đó có thể làm ông Erdogan hài lòng, nhưng nhiều khả năng đã đến lúc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải có hành động khẩn cấp.

"Nhưng có lý do để tin rằng việc nâng lãi suất khẩn cấp trong cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay chỉ có thể mang lại tác dụng tạm thời", ông William Jackson, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi thuộc Capital Economics, nhận định. "Không rõ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sớm thoát khỏi tình trạng hiện nay hay không".

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 còn 4% từ mức 5,5% trước đó, nhưng các chuyên gia cảnh báo sự sụt giảm tăng trưởng sẽ sâu hơn nếu niềm tin không được khôi phục sớm.

"Không loại trừ khả năng một cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực thi các biện pháp kiểm soát vốn và đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu", chuyên gia kinh tế về châu Âu Carsten Hesse thuộc Berenberg đánh giá.

Dù ông Erdogan đưa ra những tuyên bố cứng rắn, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đối thoại để giải quyết vấn đề với Washington. Bộ trưởng Bộ Thương mại Thổ Nhĩ kỳ Ruhsar Pekcan nói "chúng tôi kêu gọi Tổng thống Trump quay trở lại bàn đàm phán".

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM