Tinh thần khởi nghiệp của người Việt tương đương các nước phát triển, nhưng thực hiện thì chẳng bằng ai!

07/03/2017 08:30 AM | Kinh doanh

73,3% người Việt trưởng thành mong muốn trở thành doanh nhân, cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Nhưng xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, Việt Nam hiện chỉ khoảng 1 doanh nghiệp/150 người dân, chỉ bằng 1/10 các nước tiên tiến…

“Nhận thức về cơ hội kinh doanh và niềm tin vào môi trường kinh doanh của người Việt đã tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết.

Lấy dẫn chứng từ Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016 – báo cáo mới nhất tính đến thời điểm này, 76% người khảo sát cho rằng doanh nhân thành công đang được xã hội rất coi trọng.

73,3% người trưởng thành được hỏi mong muốn trở thành doanh nhân, và cứ 5 người trưởng thành ở Việt Nam có 1 người có ý định khởi sự kinh doanh trong 3 năm tới.

“Những con số đó cho thấy tinh thần kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp của người Việt ở mức rất cao”, ông Lộc nhìn nhận.

Trong khi xét về các chỉ số khởi nghiệp cơ bản thì người Việt Nam đứng Top 20/60 nền kinh tế tham gia khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, thì xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 1 doanh nghiệp/150 người dân.

“Chỉ số này thấp xa so với các nước tiên tiến. Ở nhiều nước chỉ 10 – 15 người dân đã có 1 doanh nghiệp. Vì vậy, để chuyển tiềm năng, tinh thần kinh doanh của người Việt thành cộng đồng doanh nghiệp đông đảo đang là yêu cầu rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế”, ông Lộc nói.

Bên cạnh đó, nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 đã tăng mạnh. Có 56,8% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh trong năm 2015, cao vượt trội so với Thái Lan, Malaysia, Philippines... Tỷ lệ này ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực là 53,8%.

Nhưng nhận thức về kinh doanh của người Việt trẻ vẫn chưa được cải thiện. Tỷ lệ người trưởng thành nhận thức là có năng lực kinh doanh năm 2015 là 56,8%, xếp thứ 19/60. Tỷ lệ này ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực là 65,8%.

Các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đa phần không mang tính đổi mới. Chỉ số đổi mới sáng tạo trong các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt 16,5%, xếp thứ 50/60.

Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát 2.000 người trưởng thành và 36 chuyên gia, tập trung nghiên cứu giai đoạn khởi nghiệp, tính từ lúc thành lập cho đến khi hoạt động kinh doanh được 3,5 năm...

“Chính doanh nghiệp, doanh nhân sẽ quyết định diện mạo, vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới. Với một loạt động thái tích cực của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…, một hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần định hình ở Việt Nam”.

“Khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo đang là lựa chọn có sức lan tỏa trong giới trẻ”, TS. Lộc nhìn nhận.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM