Tỉnh của Trung Quốc có quy mô kinh tế cao hơn 90% nước trên thế giới, vượt qua Úc và Hàn Quốc, là đối tác thương mại tiềm năng lớn của Việt Nam

16/06/2023 09:46 AM | Kinh doanh

Theo Cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc, GDP của nước này đạt 17.950 tỷ USD. Trong đó, một tỉnh có tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1.900 tỷ USD.

Tỉnh của Trung Quốc có quy mô kinh tế cao hơn 90% nước trên thế giới, vượt qua Úc và Hàn Quốc, là đối tác thương mại tiềm năng lớn của Việt Nam - Ảnh 1.

Cụ thể, theo báo cáo tại Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vào đầu năm 2023, GRDP tỉnh đạt 12.800 tỷ NDT vào năm 2022, tương đương hơn 1.900 tỷ USD.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2022, hơn 90% các nước trên thế giới có quy mô kinh tế thấp hơn GRDP của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Năm 2021, quy mô kinh tế của Quảng Đông (Trung Quốc) áp sát mức GDP của Hàn Quốc và Úc. Tuy nhiên, năm 2022, quy mô kinh tế của Quảng Đông (Trung Quốc) đã vượt qua GDP của Hàn Quốc (1.665 tỷ USD) và Úc (1.702 tỷ USD).

Trên thực tế, Quảng Đông (Trung Quốc) là đối tác thương mại quan trọng và tiềm năng lớn của Việt Nam . Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, Quảng Đông là tỉnh lớn nhất và kinh tế mạnh nhất Trung Quốc.

Quảng Đông (Trung Quốc) hiện tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, chế biến nông sản thực phẩm, công nghệ vi sinh và công nghệ điện tử viễn thông... Hiện nay, tiềm năng phát triển của Quảng Đông (Trung Quốc) rất lớn.

Hiện tại, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại Việt Nam và Quảng Đông (Trung Quốc) chủ yếu ở mảng thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa, đầu tư và hợp tác nhận thầu công trình quốc tế. Tính đến nay, Quảng Đông vẫn là địa phương Trung Quốc có quy mô thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Theo Hải quan Trung Quốc, năm 2022, kim ngạch thương mại giữ Việt Nam và Quảng Đông (Trung Quốc) đạt khoảng 47 tỷ USD, chiếm 20,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 22 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 25 tỷ USD.

Trong những tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Quảng Đông (Trung Quốc) đạt khoảng 10,2 tỷ USD. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 4,57 tỷ USD và nhập khẩu đạt khoảng 5,62 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp, vốn FDI đăng ký của doanh nghiệp Quảng Đông (Trung Quốc) vào Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020 đạt gần 2 tỷ USD. Theo đó, tính đến nay, các doanh nghiệp ở Quảng Đông (Trung Quốc) đã đầu tư vào Việt Nam hàng tỷ USD. Trong nhiều năm trở lại đâu, mỗi năm các doanh nghiệp tại Quảng Đông (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam khoảng 500 triệu USD.

Về thương mại giữ Việt Nam và Trung Quốc, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, tính trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 chỉ sau Malaysia.

Xét trên quy mô thế giới, Việt Nam hiện đang giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 6 (sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông) của Trung Quốc trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5; thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% (thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 19,7% trong cả năm 2021). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%, nhập siêu từ Trung Quốc có giá trị 59 tỷ USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tiếp tục vượt mức 230 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt khoảng 61,54 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 41,16 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 20,35 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc đến thời điểm này có giá trị khoảng 20,84 tỷ USD.

Về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 5 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc gồm có: Điện thoại các loại và linh kiện (4,47 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,62 tỷ USD); hàng rau quả (1,29 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (1,24 tỷ USD); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (1,14 tỷ USD).

Về nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc gồm có: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (8,35 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (8,34 tỷ USD); vải các loại (3,4 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (2,5 tỷ USD)...

Theo Minh Tiến

Cùng chuyên mục
XEM