Tin vui từ Thủ tướng: Để người nông dân cũng trở thành doanh nghiệp

05/05/2016 20:42 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong tuần tới những kiến nghị của DN sẽ được tập hợp đưa vào Nghị quyết phát triển DN, với tinh thần sẽ tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN trong môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đó là khẳng định của ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng CHính phủ tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Một trong những nội dung lớn quan trọng trong hai ngày họp đầu tiên của Chính phủ sau khi kiện toàn bộ máy đó là thảo luận những vấn đề cho phát triển DN và chuẩn bị thông qua Nghị quyết phát triển doanh nghiệp .

Theo người phát ngôn của Chính phủ, Chính phủ đã bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển DN, tạo thuận lợi môi trường đầu tư và thảo luận giải pháp nghị quyết phát triển DN. Thủ tướng Nguyễn Xuân PHúc yêu cầu đầu tuần tới sẽ hoàn thiện các kiến nghị của các DN, tập trung đưa ra Nghị quyết phát triển DN, tháo gỡ điểm nghẽ khó khăn, trăn trở và tạo lòng tin của DN.

Mục tiêu quan trọng nhất, Thủ tướng khẳng định là tạo niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng DN và người dân. Từ đó, thúc đẩy sự tham gia của người dân và cộng đồng DN. Nghị quyết phải thể hiện thông điệp của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tạo thuận lợi nhất cho DN về môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư, tiếp cận điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

Đặc biệt, người phát ngôn của Chính phủ cũng nhấn mạnh là Thủ tướng yêu cầu phải thúc đẩy để triển khai nghị quyết đi vào cuộc sống. Do đó, tinh thần của Thủ tướng là các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong kịp thời tháo gỡ khó khăn cho….

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

“Phải trả lời đến nơi đến chốn kiến nghị cho DN. Các ngành và các cấp phải xem lại có gây khó khăn cho DN hay không? Năm 2016 là năm khởi nghiệp cho DN, tăng số lượng phát triển DN để làm sao người nông dân cũng trở thành DN” – người phát ngôn Chính phủ khẳng định.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề thảo luận là tình hình kinh tế xã hội và mục tiêu thực hiện năm 2016. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ thống nhất các bộ ngành và địa phương, tập trung triển khai tốt nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội 5 năm, Nghị quyết Chính phủ và triển khai thực hiện nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thực hiện mục tiêu năm 2016.

Theo đó, Thủ tướng khẳng định rõ, kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu, giữ tốc độ tăng trưởng 6,7% và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó kiểm soát lạm phát, giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định tăng trưởng.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn trước tình trạng cá chết tại miền Trung, hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra, cũng như một số về đề quan trọng khác.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, người phát ngôn Chính phủ cho biết Thủ tướng đã có những quyết định quan trọng trong phương hướng và định hướng điều hành của Chính phủ trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng lớn, trước hết xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ hiệu quả và nói không với tham nhũng, nói không với tiêu cực, lãng phí. Một Chính phủ làm gương cho xã hội về nói đi đôi với làm.

Nói không với tham nhũng, tiêu cực, cơ chế xin cho

Thứ hai, tăng cường kỷ cương phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật không nghiêm, đặc biệt trong khu vực hành chính công. Muốn như vậy cần phát huy đảm bảo quyền dân chủ của người dân, nhất là người yếu thế, dân chủ kỷ cương phải có quan hệ mật thiết.

Thứ ba, phải chuyển mạnh từ phương thức quản lý hành chính sang Chính phủ hướng tới doanh nghiệp và người dân, lấy sự hài lòng của DN và người dân là thước đo của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Thứ tư, phân định rõ chức năng quản lý và thị trường. Những nội dung nào thị trường làm tốt thì phải dành cho thị trường làm. Tức là phải phân cấp phân quyền, làm những việc tập trung của Chính phủ là tạo cơ chế chính sách, mục tiêu thu hút vốn của DN và tham gia sự đóng góp của người dân nhiều hơn. Hướng tới sẽ dần xóa bỏ cơ chế xin cho, Chính phủ quyết tâm thực hiện.

Thứ năm, hết sức quan tâm phân cấp. Những việc gì nội dung nào bộ ngành làm tốt, thì Chính phủ phân cấp, không được đùn đẩy lên Chính phủ và Thủ tướng. Gắn với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, từ khâu đầu đến khâu cuối.

Thứ sáu, đề cao vai trò trách nhiệm các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong giải quyết vướng mắc, xây dựng thể chế và cơ chế chính sách, sự phối hợp các bộ ngành và địa phương.

Theo đó, các định hướng này đều được các thành viên Chính phủ đồng lòng nhất trí cao, thể hiện quyết tâm của Chính phủ.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM