Tín dụng tiêu dùng đang chuẩn bị đẩy người Mỹ vào vũng lầy cách đây 10 năm ra sao?

27/05/2018 14:08 PM | Xã hội

Số liệu mới đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy tổng mức tín dụng tiêu dùng của nước này đã tăng 5,4% trong quý IV/2017 so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục 3,84 nghìn tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 khiến FED phải dè chừng khi nâng lãi suất bởi lo ngại thị trường sẽ phình bong bóng một lần nữa. Tuy nhiên đối với người tiêu dùng Mỹ, việc vay nợ và phá sản dường như không ngăn cản nổi thói quen quẹt thẻ tín dụng tiêu xài.

Tổng mức tín dụng tiêu dùng quý IV/2017 của Mỹ cao hơn 45% so với cùng kỳ năm 2008, trong khi chỉ số CPI tăng 17,5% trong cùng khoảng thời gian.

Tỷ lệ nợ thẻ tín dụng và các khoản nợ thẻ khác tại Mỹ trong quý IV/2017 cũng đã tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017, cho thấy người tiêu dùng Mỹ dường như đã quên những rủi ro từng diễn ra vào năm 2008.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng mua xe hơi ở Mỹ vào quý IV/2017 đạt 3,8% lên mức 1,114 nghìn tỷ USD. Kể từ năm 2011 đến nay, đà tăng trưởng bình quân của nợ vay mua xe ở Mỹ luôn vào khoảng 6-9%. So sánh với trước năm 2008, mức tín dụng mua xe tại Mỹ đã tăng khoảng 35%.

Tổng nợ tiêu dùng, Nợ thẻ tín dụng,  Nợ mua ô tô,  Nợ học phí tại Mỹ

Một khoản tín dụng tiêu dùng khá phổ biến nữa ở Mỹ là nợ thanh toán học phí đã tăng 5,6% trong quý IV/2017 đạt 1,49 nghìn tỷ USD. So sánh với thời kỳ trước năm 2008, mức tín dụng học phí này đã tăng 141% và khiến rất nhiều chuyên gia bất ngờ vì tốc độ tăng chóng mặt của chúng.

Người Mỹ đã quên bài học 2008?

Đồng quan điểm với FED, hãng tin CNBC cho rằng người Mỹ đang lâm vào trạng thái điên cuồng vay nợ để tiêu dùng và ước tính con số này có thể đạt 4 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2018.

Trong khi đó, báo cáo của Lending Tree cho thấy khoảng 26% thu nhập hàng năm của người Mỹ là dùng để trả nợ tiêu dùng, cao hơn so với mức 22% của năm 2010 và thậm chí còn vượt mức của thời kỳ giữa thập niên 2000 khi tín dụng tiêu dùng bùng nổ.

Bình quân trong 2 năm trở lại đây, tín dụng tiêu dùng ở Mỹ đã tăng trưởng 5-6% mỗi năm và bình quân mỗi người Mỹ dùng 10% thu nhập hàng tháng của mình để trả loại nợ này. Mặc dù việc trích 10% thu nhập hàng tháng để trả nợ tiêu dùng chưa khiến người Mỹ phải bận tâm nhưng chuyên gia tài chính Roger Ma của Lifelaidout nhận định công dân Mỹ nên xem xét hợp lý các khoản vay tiêu dùng như vậy.

Tổng nợ tiêu dùng Mỹ có thể đạt 4 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay. Tỷ lệ dự nợ trên tổng thu nhập khả dụng của người dân Mỹ.

Nguyên nhân chính là với nhu cầu vay tiêu dùng tăng kích thích lạm phát, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất tín dụng khiến khách hàng buộc phải chia sẻ nhiều thu nhập để trả nợ hơn. Tuy nhiên, việc thiếu tiền cho các hoạt động mua sắm sẽ càng kích thích một bộ phận người dân Mỹ dùng thẻ tín dụng cho những món hàng cá nhân, qua đó làm phình to thị trường nợ gây rủi ro cho hệ thống tài chính.

Trong năm nay, FED đã nhiều lần tỏ ý sẽ nâng lãi suất vài đợt, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến những khoản vay nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng. Quyết định này của FED đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ có một vài phiên chao đảo do lo ngại nền kinh tế này tăng lãi suất quá nhanh, gây rủi ro cho các khoản nợ và dòng vốn đầu tư.

Thế giới đang trong cơn khủng hoảng nợ

Không riêng gì Mỹ và cũng không giới hạn trong tín dụng tiêu dùng, báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMS) mới đây cho thấy tổng mức tín dụng khu vực tư nhân phi tài chính và nợ công trên toàn thế giới đã đạt ít nhất 218 nghìn tỷ USD. Nếu tính thêm cả mảng tài chính thì con số này sẽ đạt mức kỷ lục 243 nghìn tỷ USD, tương đương 320 %GDP.

Sau cuộc khủng hoảng 2008, các ngân hàng và định chế tài chính đã thiết lập một mức lãi suất thấp, thậm chí ở mức âm nhằm thúc đẩy đầu tư, tín dụng và tăng trưởng. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này bắt đầu phình to trước những khoản vay giá rẻ.

Tín dụng tiêu dùng đang chuẩn bị đẩy người Mỹ vào vũng lầy cách đây 10 năm ra sao? - Ảnh 3.

Tổng nợ thế giới đạt 243 nghìn tỷ USD năm 2016

 Theo Viện tài chính quốc tế (IIF), tính riêng trong năm 2017, tổng tín dụng toàn ngành trên thế giới đã tăng 21 nghìn tỷ USD, tương đương hơn 80% tổng mức tăng trưởng tín dụng tính từ năm 2012. Nếu tính trong vòng 10 năm qua, tổng nợ thế giới đã tăng 70 nghìn tỷ USD.

Cũng theo IIF, các nước Trung Quốc, Mỹ và những tập đoàn đa quốc gia trên thế giới là thủ phạm chính khiến tín dụng toàn cầu tăng chóng mặt như vậy.

Riêng tại nền kinh tế số 1 thế giới, các chuyên gia dự đoán nếu không có biện pháp kiểm soát, tín dụng tại Mỹ sẽ đạt 100 %GDP trong vòng 1 thập niên tới. Thậm chí Giám đốc Daniel Coats của Cục tình báo quốc gia Mỹ cũng phải nhận định sự bùng nổ vay nợ là một trong những mối nguy hại đe dọa đến an ninh nước Mỹ.

Đặc biệt, Ngân hàng trung ương Australia cho rằng nợ cá nhân tại Mỹ là một trong những yếu tố chủ chốt thúc đẩy tổng vay nợ tại nước này. Điều trớ trêu là 10% tầng lớp thượng lưu tại Mỹ nắm giữ 75% tài sản của nước này trong khi khoảng 50% người dân nền kinh tế này không có tài sản thực sự mà hầu hết là đồ thế chấp hoặc vay để mua.

Tín dụng tiêu dùng đang chuẩn bị đẩy người Mỹ vào vũng lầy cách đây 10 năm ra sao? - Ảnh 4.

Phần lớn nợ đến từ các nền kinh tế phát triển, trong khi các thị trường mới nổi cũng vay nhiều hơn (%GDP)

 Đây là một tin đáng báo động khi vào năm 2008, hàng loạt hộ gia đình thu nhập thấp đã phải bán tháo các khoản nợ do không đủ khả năng thanh toán, qua đó gây nên cơn xì hơi của thị trường bất động sản cũng như cơn khủng hoảng trong hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, IIF cũng cảnh báo rằng phần lớn tài sản của mảng kinh doanh nằm trong các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Apple hay Google, còn những công ty vừa và nhỏ lại có rất ít tài sản hay tiền mặt trong tay dù tỷ lệ tín dụng cao. Với tính trạng này, nếu nền kinh tế Mỹ có chút biến động hay lãi suất tăng quá mạnh, hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, qua đó ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế.

AB

Cùng chuyên mục
XEM