Tiết lộ sự thật đằng sau lời kêu cứu tuyệt vọng công nhân Zara đã gắn lên quần áo

10/11/2017 09:32 AM | Kinh doanh

Việc công nhân kêu cứu mới chỉ được nhắc đến vài ngày gần đây nhưng sự thật thì họ đã phải chịu đựng trong im lặng suốt hơn 1 năm qua.

Một ông chủ tàn nhẫn. Một nhà máy bị đóng cửa. Những người công nhân được cho là đã tìm cách tiếp cận cửa hàng quần áo của Zara ở Istanbul để may thêm tag kêu cứu vào sản phẩm. Đây là một phần trong chuỗi sự kiện xấu xí liên quan đến việc Zara không trả lương cho công nhân Thổ Nhĩ Kỹ trong suốt 1 năm qua.

Tuần trước, khách hàng mua sắm tại Zara ở Istanbul tình cờ phát hiện những chiếc tag lạ được gắn trên quần áo của hãng này. Nội dung trên đó viết: “Tôi đã làm ra sản phẩm này để bạn mua nó, nhưng tôi không hề được trả lương”.

Mặc dù rất khó xác định tính xác thực của những thông điệp này vì không thể tìm được danh tính người công nhân đứng đằng sau, tuy nhiên câu chuyện đã được hé lộ trong một phát ngôn chính thức mà Inditex, tập đoàn điều hành hãng bán lẻ Zara, gửi cho tờ Fast Company.


Hình ảnh được cho là lời kêu cứu trên nhãn quần áo của công nhân dệt may cho Zara tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hình ảnh được cho là lời kêu cứu trên nhãn quần áo của công nhân dệt may cho Zara tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thông cáo gửi ngày 6/11 từ Inditex đến Fast Company, công ty đã tiến hành thuê nhân công tại nhà máy Bravo Tekstil, Thổ Nhĩ Kỳ để gia công quần áo. Nhà máy có 155 thợ, không chỉ phụ trách việc gia công cho Zara mà còn cho một số nhãn hàng Châu Âu khác như Mango hay Next. Tuy nhiên tháng 7/2016, nhà máy đột ngột đóng cửa vì “ông chủ đã lén lút bỏ trốn”, Inditex cho biết. Ngoài ra người này còn mang theo toàn bộ số tiền lương tập đoàn đã chuyển trả cho công nhân và biến mất không dấu vết.

Cũng theo người phát ngôn của Inditex, "Tập đoàn đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ hợp đồng với nhà máy Bravo Tekstil". Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây không phải là việc tập đoàn hoàn thành nghĩa vụ với nhà máy hay không, mà là nghĩa vụ của họ với những người công nhân đã trực tiếp sản xuất ra các mẫu quần áo xuất hiện trên kệ đồ của Zara và đem lại lợi nhuận trực tiếp cho tập đoàn.

Ở thời điểm hiện tại, Inditex có gần 7.300 cửa hàng trên thế giới, là nhà bán lẻ thời trang số 1 nếu tính theo doanh thu. Năm 2016, tập đoàn ghi nhận doanh thu toàn cầu lên tới 27 tỷ USD và lợi nhuận 5,8 tỷ USD.

Trong báo cáo đại hội cổ đông năm 2016, Intimex cũng cam kết “đóng vai trò tích cực và chủ động trong việc thúc đẩy nhân quyền, tránh hoặc hạn chế tối đa tác động xấu của hoạt động sản xuất, kinh doanh đến quyền lợi con người”.

Khi nói không đi đôi với làm

Inditex cho biết cùng với Mango và Next, họ đang xây dựng một "quỹ hỗ trợ" nhằm giúp đỡ các công nhân của nhà máy Bravo Tekstil. Tập đoàn đang phối hợp với IndustriALL, tổ chức đại diện cho quyền lợi người lao động ở địa phương, để cùng viết ra bản đề xuất cụ thể.

"Quỹ hỗ trợ này sẽ dùng để trả các khoản lương chưa thanh toán, tiền bù lại các khoản phép chưa được sử dụng, tiền trả cho những người bị ảnh hưởng vì mất việc đột ngột”, đại diện Inditex cho biết. "Chúng tôi cam kết nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý phù hợp cho người lao động”.

Tuy nhiên, đã một năm 4 tháng kể từ khi nhà máy đóng cửa và quỹ hỗ trợ trên vẫn chưa được tạo ra. Người phát ngôn của Intimex xác nhận các công nhân cũng chưa nhận được một khoản hỗ trợ nào từ phía tập đoàn.

Tháng 9 năm nay, 140 cựu công nhân nhà máy Bravo đã tạo một đơn kiến nghị trên website Change.org sau khi quá mệt mỏi với việc chờ đợi quỹ hỗ trợ thành hiện thực. Đây cũng là thời điểm những dòng tag kêu cứu được tìm thấy trên các sản phẩm quần áo của Zara ở Istanbul chứ phải bất kỳ địa chỉ nào khác. Điều này càng củng cố cho giả thiết những người công nhân đã tự đi vào cửa hàng và may thêm tag vào sản phẩm.

Đơn kiến nghị cũng làm sáng tỏ thêm lý do tại sao Inditex vẫn chưa có động thái bồi thường nào cho người lao động. Theo đó, đại diện phía công nhân đã đàm phán với Inditex, Mango và Next, cố gắng tìm kiếm khoản hỗ trợ về cho công nhân. Tuy nhiên phía các nhãn hàng này lại tìm cách kéo dài thời gian đàm phán và chỉ đồng ý đền bù tương ứng 1/4 con số mà các công nhân yêu cầu.

“Chúng tôi đã kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng vào kết quả của cuộc đàm phán trong suốt 12 tháng. Vì không muốn quá trình đàm phán bị gián đoạn, chúng tôi đã hoàn toàn im lặng. Tuy nhiên sau một năm, các thương hiệu tuyên bố sẽ chỉ trả khoản tiền tương đương 1/4 con số chúng tôi yêu cầu. Nói cách khác, họ nhận trách nhiệm về mình nhưng họ nghĩ công sức chúng tôi bỏ ra chỉ là vụn vặt", bản kiến nghị khẳng định.

Liên minh quốc tế Clean Clothes Campaign tiết lộ con số bồi thường 140 cựu công nhân may yêu cầu vào khoảng hơn 2,7 triệu Lira, tương đương 700,000 USD và xấp xỉ 0,01% doanh thu thuần của Inditex trong quý 1/2017.

Trong bản kiến nghị, các công nhân thừa nhận ông chủ cũ của họ là người chịu trách nhiệm chính cho sự việc, vì đã ăn trộm tiền lương và tẩu thoát. Tuy nhiên Inditex, Mango và Next, với năng lực của mình, nên sắp xếp lại mọi việc về đúng trật tự.

Đã hơn một năm kể từ khi nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc nhưng vẫn chưa rõ liệu các công ty thời trang có đền bù cho họ số tiền 700.000 USD hay không, nếu có thì sẽ là lúc nào.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM