Tiến sỹ như tôi, chui gầm bàn, nối dây mạng

19/11/2017 18:57 PM | Nghề nghiệp

Nếu chia 9000 suất cho tất cả các ngành mà ngành nào cũng coi là mũi nhọn thì đó là "chiến lược gai mít" dẫn đến lãng phí. Cần có 1 nghiên cứu khoa học về tình hình 24 ngàn tiến sỹ hiện nay.

Người làm tiến sỹ có nhiều mục đích khác nhau. Có người vì say mê khoa học, thích tìm tòi và sáng tạo do nhu cầu cá nhân, có người nhắm tới tiền bạc và danh vọng. Nhưng ở tầm quốc gia thì cần có chiến lược, đầu tư để đạt mục đích gì.

Bằng tiến sỹ như cái cầu danh vọng

Chả hiểu từ bao giờ, xứ Việt mình lại coi bằng tiến sỹ như chìa khóa tiến thân. Có thể từ những bia tiến sỹ ở Văn Miếu hay những câu ca về những ông nghè, ông cống, vinh qui bái tổ, làm rạng danh dòng họ, giấc mơ anh lái đò của nền văn minh lúa nước.

Những năm 1960, ở quê tốt nghiệp lớp 4 coi như biết đọc, biết viết, có thể đi làm, lập gia đình. Ai giỏi tốt nghiệp lớp 7 là điều kỳ diệu. Và rồi lớp 7 chưa đủ, phải tốt nghiệp 10 (cấp 3) và sau này là lớp 12 (PTTH), mới là giỏi.

Tiếp theo là bằng đại học, thạc sỹ, PTS, TS, giáo sư, PGS những học hàm học vị nghe rất oai.

Từ những năm 1980 trở đi, phong trào đi nghiên cứu sinh (NCS) ở nước ngoài, cứu mình, cứu nhà, chỉ cần ra khỏi biên giới có cả tiền bạc và danh vọng.

Về nước có bằng PTS (tiến sỹ bây giờ) sẽ có chức tước, trưởng phó phòng, vụ trưởng, vụ phó, sau này lên thứ bộ trưởng, UV TW. Ứng cử QH dễ hơn vì có mác khoa học. Sau này lại còn qui định một số chức phải có bằng PTS trở lên mới được thăng quan.

Trong thực tế, nhiều bằng PTS không liên quan đến chuyên môn họ đang làm nếu không phải là giảng viên đại học hay làm việc tại viện nghiên cứu.

Mục đích không phải bao giờ cũng đạt

Năm 1984, tôi sang Bulgaria làm cộng tác viên khoa học cho viện Hàn lâm. Thực tập khoa học là phụ, mục đích làm xong cái bằng PTS mới là tối thượng, vừa trốn được vụ thi nghiên cứu sinh khó như lên trời, vừa không phải qua bộ Đại học duyệt lên duyệt xuống.

Người bạn đi cùng luôn bảo, đây là dịp duy nhất có thể đổi đời. Và bạn ấy làm hai việc một lúc, vừa đi buôn, vừa làm luận án. Sau hai năm, bạn về nước, xây nhà hai tầng trong khuôn viên vài trăm m2, và có bằng PTS.

Tôi cũng nghĩ, nếu không bảo vệ được PTS thì coi như vứt, nhưng đi buôn thì chịu nên tập trung vào làm khoa học, nghiên cứu ngày đêm, cố có 2 bài báo đăng ở tạp chí quốc tế, vài bài đăng ở viện Hàn lâm.

Cuối cùng giống như người bạn, tôi về nước có bằng cấp nhưng tiền thì không có nhưng vẫn tự nhủ, có bằng PTS là có hết.

Tiếc thay cả hai chúng tôi đều có số phận giống nhau, có bằng nhưng cái bằng ấy chả có tác dụng gì, nghiên cứu khoa học thì không có kinh phí, lương hẻo. Dù qua một đêm thành tiến sỹ do nhà nước bỏ học vị PTS không hiểu vì lý do gì, nhưng danh tiến sỹ vẫn không đủ ăn.

Người bạn bỏ đi làm công ty riêng, còn tôi bươn chải đây đó. Khi xin vào các tổ chức quốc tế, tôi rất ngại khi đồng nghiệp gọi là TS vì nghề của tôi là trợ giúp IT, phần lớn chui gầm bàn lần dây mạng máy tính tìm lỗi. Hơi xấu hổ nhưng đổi lại, lương đủ ăn, đủ tiêu, không phải lo màng túi viêm như thời làm tiến sỹ chuyên đọc sách.

Cùng thời có mấy anh chị làm NCS về nông nghiệp bên Bulgaria. Thôi thì đủ ngành, chăn nuôi, cây trồng. Có bạn làm về thú y, tối nào tôi cũng chén thịt gà do anh làm thí nghiệm.

Ở Sofia mà có người chuyên nghiên cứu về ruồi Việt Nam. Về phép thăm nhà, anh mang theo một hộp đựng ruồi Việt Nam. Đi máy bay mấy ngày, sang tới nơi thì ruồi chết sạch, anh khóc hết nước mắt vì không còn đối tượng để nghiên cứu.

So với IT thời đó thì nông nghiệp bị coi là chuyên ngành lạc hậu, chẳng có tương lai. Một chị than, ngành này sẽ khó được trọng dụng, chả hiểu có đủ ăn không.

Thế nhưng vật đổi sao dời. Các anh chị về viện và trường chuyên về nông nghiệp, chuyên môn được phát huy.

Một lần thấy chị lên nhận phần thưởng Kovalevskaia vì có công lao tạo ra giống lúa mới, thì tôi choáng hoàn toàn. Còn nhiều anh chị khác ăn nên làm ra do tạo ra giống mới, cây trồng mới.

Kể lại vài câu chuyện trên để nói, làm tiến sỹ có nhiều mục đích khác nhau. Có người vì say mê khoa học, thích tìm tòi và sáng tạo do nhu cầu cá nhân. Có người nhắm tới tiền bạc và danh vọng.

Những người như nhà toán học Ngô Bảo Châu thì say mê giải bài toán chưa ai giải là một đam mê. Hoặc như chị được giải thưởng vì giống lúa vì muốn đóng góp cho nền nông nghiệp. Có người hy vọng về tiền bạc và danh vọng như tôi thì bằng TS không giúp được gì.

Mỗi người một cảnh, không có câu trả lời chung tiến sỹ để làm gì, nghiên cứu khoa học, say mê, vì đất nước, vì sự nghiệp chung, vì cái riêng, hay vì tiền.

Chuyện 9000 tiến sỹ

Câu chuyện Bộ Giáo dục lên kế hoạch đào tạo 9000 tiến sỹ để làm gì là một đề tài bàn không có hồi kết.

Nếu Bộ quản lý được tất cả 9000 đề tài của 9000 tiến sỹ tương lai và nắn họ theo hướng nhà nước đang quan tâm, thì việc đầu tư 12000 tỷ là có lý.

Ví dụ, mũi nhọn của những năm sắp tới là nông nghiệp và IT thì định hướng cho họ theo hai chủ đề này. Ngành nào là quan trọng trong nông nghiệp phải xác định rõ. Muốn lúa gạo Việt Nam thành thương hiệu về chất lượng thì phải nhiều tiến sỹ lúa gạo thay vì đào tạo tiến sỹ ruồi.

Ấn Độ có nền IT vượt bậc vì nửa thế kỷ trước chính phủ đã có chiến lược đào tạo rất rõ ràng, tập trung vào 7 viện công nghệ (Indian Institute of Technology – IIT) và sau này trở thành giá trị cốt lõi cùa nền công nghệ Ấn Độ.

Công nghiệp 4.0 được nói nhiều nhưng ít người hiểu. Muốn đi tắt đón đầu thì đây cũng là hướng tốt. Tự động hóa, người máy, trí tuệ nhân tạo cần có nhiều tiến sỹ và giáo sư đầu ngành về công nghệ. Không có nền tảng khoa học thì đừng nói nhiều đến chính phủ kiến tạo và kinh tế trí thức.

Nhưng nếu chia 9000 suất cho tất cả các ngành mà ngành nào cũng coi là mũi nhọn thì đó là "chiến lược gai mít", dẫn đến lãng phí.

Việc này cần có một nghiên cứu khoa học về tình hình 24 ngàn tiến sỹ hiện nay ở nước ta, điểm mạnh, điểm yếu, hiệu quả của họ, đâu là điểm nhấn, rồi mới đầu tư tiếp.

Nếu chỉ là ý nghĩ bột phát của một ai đó cần 9000 tiến sỹ, thế là ale hấp, làm thôi, thì không khác gì số phận người viết bài này. Đó là có bằng PTS về tin học nhưng phải chuyển nghề, chui gầm bàn, lần dây mạng và cài phần mềm diệt virus.

Mà không chỉ mình tôi trong số 24 ngàn TS không làm đúng thiên chức của mình đâu, bạn đọc thân mến ạ!

Theo Hiệu Minh

Cùng chuyên mục
XEM