Tiến sĩ Trần Đình Thiên nói về Việt Nam 4.0: Chúng ta tiếp cận mọi thứ rất nhanh nhưng chỉ hô đón đầu, đón xong thì đứng lại để người khác vượt lên

13/04/2017 11:26 AM | Kinh tế vĩ mô

Ở Việt Nam, chúng ta đã có bao nhiêu lần được hào hứng sôi nổi về những cơ hội ‘đón đầu’ thế giới thì cũng đã có từng ấy lần phải cúi đầu nuối tiếc, đành để cơ hội ‘hóa rồng’ vuột khỏi tầm tay của cả dân tộc…

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang chờ đón không chỉ Việt Nam mà là cả thế giới. Tác động của cách mạng này đến đâu thì vẫn cần phải chờ, tuy nhiên, lịch sử được viết đến thế kỷ XXI này thì chỉ ra 3 cuộc cách mạng tương tự diễn ra trước đây đều đã là những nấc thang trọng đại, mang đến sự thay đổi lớn lao trong cả nền kinh tế thế giới.

Như một cách ứng xử với vận hội phía trước, đã ngày càng có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia được đưa ra trong nước, xung quanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, với ý kiến đa phần lạc quan rằng chúng ta có thể đón đầu thế giới.

Một cách thận trọng hơn, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam trong cuộc trao đổi bên lề với chúng tôi tại Diễn đàn Cách mạng Công nghiệp 4.0 tổ chức bởi Bộ Công Thương đã cho rằng trước khi hào hứng với sự mới mẻ của 4.0 phía trước, chúng ta cần học lại những bài học xương máu từ những lần ‘lỡ tàu’ trước đây đã.

“Việc giải quyết những vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này phải dựa trên một nền tảng là lời giải thích cho câu hỏi: tại sao chúng ta lại hay bị lỡ tàu ?” – ông Trần Đình Thiên nói.

Hơn 40 năm sau giải phóng, theo vị Viện trưởng Viện kinh tế, thì Việt Nam đã có 2 lần nghiêm túc với những công cuộc ‘đón đầu thế giới’, mỗi công cuộc cách nhau 20 năm, với hàng tá cơ hội mà chúng ta nghĩ rằng có thể biến Việt Nam thành một con rồng về kinh tế.

Kết quả thu được, Việt Nam có được không gì hơn chỉ là sự hô hào và rồi là cảm giác tiếc nuối vì bị bỏ lại...

[A Tùng] Tiến sĩ Trần Đình Thiên nói về Việt Nam 4.0: Chúng ta tiếp cận mọi thứ rất nhanh nhung chỉ hô đón đầu, đón xong thì đứng lại để người khác vượt lên - Ảnh 1.

Trước hết là thời điểm năm 1976, “ngay sau giải phóng miền Nam, chúng ta đề ngay ra đường lối cách mạng khoa học cho đất nước, với khẩu hiểu “Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”. 20 năm sau, chúng ta vẫn thấy con trâu đi trước cái cày đi sau”.

Tiếp đó là đến năm 1996, khi Việt Nam mới mở cửa được chục năm thì có một khái niệm ra đời là 'Kinh tế tri thức'.

“Năm 1996, chúng ta có tinh thần hào hứng cao độ, tổ chức hẳn một hội thảo mang tên “Kinh tế tri thức và triển vọng phát triển”.

Lúc đó ‘Kinh tế tri thức’ trong khái niệm của thế giới vẫn còn rất mới mẻ nhưng Việt Nam đã thảo luận rất sôi nổi về nó. Chúng ta hăng hái bàn luận nền kinh tế trí thức trên mọi khía cạnh, từ triết học cho đến xã hội. công nghệ, y tế… 6 tháng sau hội thảo, ý tưởng về ‘kinh tế tri thức’ được cho vào văn kiện Đại hội Đảng. Lúc đó thế hệ tôi trộm nghĩ: “Quả này chắc đổi đời được rồi”, ông Thiên nhớ lại.

Thế nhưng, theo ông Trần Đình Thiên: “Từ 1996 đến nay cũng đã 20 năm, Bộ công thương đã phải công nhận nền kinh tế trí thức Việt Nam về cơ bản là chưa có gì. Hãy nhìn xem công nghiệp chúng ta đã có gì ? Sản phẩm chúng ta đã có gì ?”

2 cuộc đón đầu thành 2 cuộc bỏ lỡ trên được vị Viện trưởng Viện kinh tế giải thích rằng đều đến từ một đặc điểm cố hữu của Việt Nam là tiếp cận với thứ mới rất nhanh, nhưng “chúng ta chỉ hô hào đón đầu, đón xong thì lại đứng lại để người khác đi lên”.

Cũng nhiều khi Việt Nam cũng có thể đi trước thời đại, tuy nhiên lúc đó “chúng ta lại quá hãnh diện mà dừng lại không phát triển tiếp, rút cục lại bị bỏ lại”. Chìa khóa ở đây cho mỗi công cuộc đổi mới phải là sự kiên trì theo đuổi đến cùng, cùng với một tư tưởng luôn luôn nhất quán.

Việt Nam 2017 sau 2 cuộc bỏ lỡ đang đứng trước sự tụt hậu kinh tế như là nguy cơ lớn nhất. Ông Trần Đình Thiên nhận định từ lịch sử rằng đã vài chục năm từ đường lối phát triển khoa học đầu tiên được đưa ra, chúng ta dường như đang thua kém so với thế giới ở nhiều lĩnh vực cả hàng trăm năm.

“Tôi muốn trở lại lịch sử một chút để nói rằng sự hào hứng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rất nhanh ở Việt Nam có thể chứa đựng nguy cơ là làm chúng ta tưởng rằng thông minh thật, để rồi hô hào mà lại không làm thật” – Tiến sĩ Trần Đình Thiên kết luận.

Trao đổi thêm về triển vọng của cuộc cách mạng này tại Việt Nam, ông Trần Đình Thiên cũng nói tại buổi Diễn đàn rằng đặc điểm của con người, của nền kinh tế vào lúc này là đủ để cho phép chúng ta lại đặt hy vọng lên một con rồng kinh tế Việt Nam một lần nữa.

Theo ông. từ xưa đến nay người Việt vẫn được đánh giá là thông minh, “lọ mọ” đi tìm những cái khác người để mày mò sáng tạo. Đây được coi là một lợi thế mà không nhiều dân tộc có được.

Tuy nhiên, đối với biến cố lịch sử quan trọng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, điều cần thiết là phải bàn luận một cách nghiêm túc, dựa trên cơ sở rõ ràng, chứ không thì ở Việt Nam sẽ có tình trạng “ào ra làm một thời điểm rồi lại cất hết đi”.

“Chung quy lại là chúng ta hãy tạo ra định hướng cho Việt Nam để có một kinh tế dân chủ và sáng tạo” – ông Trần Đình Thiên nói.

Chuyên gia này đặt ra câu hỏi mở: Chúng ta đã lỡ nhịp nhiều lần trong lịch sử, liệu rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này có lần một lần nữa lỡ nhịp hay không ? Hay là, chúng ta có thể đi cùng thời đại bắt đầu từ lúc này?

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM