Tiến lên đỉnh cao hay bại trận giữa đường: Thái độ của bạn với công việc cho thấy đẳng cấp của bạn

03/01/2019 08:15 AM | Sống

Bạn có thích công việc của mình không? Và bạn lựa chọn thái độ nào để đối mặt với nó?

01

Một người chị làm nhân sự kể với tôi, hồi công ty mới lên sàn chứng khoán, chị ấy cần tuyển một nhân viên phân tích. Yêu cầu dành cho ứng viên rất cao, phải đi du học về, có bằng thạc sĩ trở lên, lại còn phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Cuối cùng thì chị ấy cũng tuyển được, nhưng cậu nhân viên đó chỉ ở lại công ty trong một thời gian khá ngắn.

Người mới này là một thạc sĩ du học bên Mỹ, là người nổi bật nhất trong số những nhân viên mới tuyển. Nhưng cậu ấy mới vào làm không bao lâu đã xảy ra vấn đề. Chuyện là hôm đó giám đốc bảo cậu ấy làm báo cáo phân tích rồi nộp cho cấp trên trực tiếp của cậu ấy, hạn cuối vào trước giờ tan làm ngày hôm sau.

Cuối cùng đến ngày nộp báo cáo, cậu ấy đến giờ tan làm là về ngay, không nộp báo cáo, điện thoại thì tắt máy. Hôm sau cấp trên gọi cậu ấy vào phòng nói chuyện, cậu ấy tức giận cãi lại: "Anh chỉ biết quan tâm đến báo cáo, không biết quan tâm đến sức khỏe của nhân viên. Về sớm một lúc thì có làm sao? Có cấp trên nào như anh không? "

Giám đốc không nói hai lời, trực tiếp sa thải cậu ấy ngay trong thời gian thử việc.

Sau đó cậu ta đến gặp chị tôi, hỏi tại sao cấp trên lại không thích cậu.

"Chẳng có ai không thích cậu cả, mà là do thái độ làm việc của cậu có vấn đề. Bị ốm có thể thông cảm, nhưng không thể để nó trở thành lí do bỏ về không nói tiếng nào. Vốn là việc rất đơn giản, bị ốm thì đến xin phép với cấp trên, sau đó bàn giao công việc, bản thân đã làm xong việc gì, còn việc gì chưa làm, hỏi xem có ai làm thay làm giúp được không là được, nhưng đằng này cậu lại cứ thế bỏ về."

Việc này cũng giống như khi làm việc gặp phải trở ngại, chỉ biết buông tay kêu không thể, mà không hề nghĩ đến việc cùng đưa ra ý kiến bàn bạc thảo luận tìm cách giải quyết.

Người chuyên nghiệp tài giỏi là người có khả năng nhìn rõ vấn đề và biết cách hợp tác làm việc nhóm. Còn người thiếu chuyên nghiệp chỉ biết tự cho mình là đúng, làm mất thời gian của người khác, ảnh hưởng đến thành tích chung.

Tiến lên đỉnh cao hay bại trận giữa đường: Thái độ của bạn với công việc cho thấy đẳng cấp của bạn - Ảnh 1.

02

Nam là quản lý cấp cao của một công ty lớn. Cậu ấy thường nói với tôi, cậu ấy có được ngày hôm nay tất cả là nhờ vào một bản ghi chép cuộc họp.

Hồi mới vào Sài Gòn, Nam xin vào phòng kế hoạch của một công ty quảng cáo. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên cậu ấy chỉ được xếp cho làm mấy công việc lặt vặt như in tài liệu, nhận chuyển phát nhanh,...

Nam không chỉ nhận việc một cách vui vẻ mà còn làm vô cùng có kế hoạch. Cậu ấy xếp một cái giá để đồ trong phòng, phân tầng theo các phòng trong công ty, nhận chuyển phát nhanh của phòng nào thì đặt vào tầng của phòng đó, như vậy lúc mọi người xuống nhận đồ cũng tiện hơn. Nếu như trước đây, đồ đạc chuyển phát nhanh đều để loạn trên mặt đất, sau mỗi lần có người xuống lấy lại càng loạn hơn, thì giờ đây nhờ có Nam, mọi người tìm đồ nhanh hơn, phòng làm việc nhìn cũng gọn gàng quy củ. Nhờ đó Nam rất được mọi người trong công ty tán thưởng.

Sau đó có một công ty muốn tìm đối tác quảng cáo, mời ba công ty trong đó có công ty của Nam đến tham gia một cuộc họp để đưa ra lựa chọn. Nam được sếp dẫn đi cùng để tiện học hỏi.

Sau khi trở về, công ty đó gọi điện đến hỏi công ty Nam có còn giữ bản ghi âm cuộc họp không bởi họ đang cần dùng đến mà máy ghi âm của họ lại bị hỏng.

Do thói quen làm việc nên mỗi lần tham gia một cuộc họp Nam đều ghi chép nội dung, lập bảng ghi rõ nhiệm vụ, người phụ trách của từng phòng. Nên khi bên công ty đó hỏi mượn ghi âm, Nam không chỉ đưa họ nội dung ghi âm mà còn cả bảng phân tích ghi chép nội dung công việc của cậu ấy.

Kết quả hôm sau, công ty đó đã hẹn gặp riêng Nam và ngỏ ý mời cậu đến công ty làm việc.

Có một số người có thói quen coi thường những công việc đơn giản lặp lại nhưng lại không biết rằng dù là đơn giản nhưng vẫn có thể cho thấy sự chuyên nghiệp của bạn. Quan trọng không phải bạn làm công việc gì, quan trọng là thái độ của bạn đối với công việc ấy như thế nào. Mà thái độ đó quyết định liệu bạn có xứng với một công việc tốt hơn hay không.

Làm tốt công việc mình không thích không hề dễ dàng, nhưng nó mang đến cho bạn rất nhiều điều quý giá. Nó không chỉ mở ra cơ hội giúp công việc tốt hơn tìm đến bạn, mà còn giúp bạn bồi dưỡng năng lực thích ứng với mọi tình huống, làm chủ cuộc sống của mình.

Tiến lên đỉnh cao hay bại trận giữa đường: Thái độ của bạn với công việc cho thấy đẳng cấp của bạn - Ảnh 2.

03

Có rất nhiều bạn mới tốt nghiệp ra trường, bắt đầu đi làm hỏi tôi rằng nếu không thích công việc đang làm thì phải làm sao? Khuyên họ thôi việc, thì họ nói không dám vì sợ không tìm được công việc tốt hơn. Khuyên họ ở lại cố gắng thích ứng thì họ lại nói không thích, không có hứng thú làm việc.

Thực ra người chuyên nghiệp là người cho dù làm công việc nào, thích hay không thích đều sẽ xử lý thật tốt.

Bạn càng chần chừ do dự, thì cơ hội sẽ càng không đến với bạn. Người ta hay nói lựa chọn tốt hơn nỗ lực, nhưng bạn phải hiểu rằng nếu không nỗ lực thì bạn làm sao có quyền lựa chọn?

Thật ra công việc nào cũng vậy, làm lâu dài sẽ sinh ra nhàm chán vô vị. Có người sẽ vừa làm vừa kêu ca, phàn nàn, nhưng cũng có người mỉm cười đối mặt, hoàn thành tốt công việc đó. Đây chính là vai trò của thái độ làm việc.

Thái độ làm việc sẽ ảnh hưởng đến trạng thái làm việc, trạng thái làm việc của bạn sẽ cho thấy con người bạn, cách tư duy, khả năng chịu áp lực, độ kiên nhẫn của bạn...

Tóm lại, bắt đầu đi làm cũng là bắt đầu hành trình thăng cấp cho chính bạn. Sau này bạn sẽ từng bước tiến lên đỉnh cao hay bại trận giữa đường phụ thuộc rất lớn vào tâm thái của bạn. Lời khuyên của tôi là: Hãy có thái độ tốt với công việc của mình, và rồi nó sẽ đối tốt lại với bạn.

Sandy

Cùng chuyên mục
XEM