Thủy điện Xayaburi chặn dòng nước Mekong

02/04/2016 15:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Nhóm PV Tuổi Trẻ đã ngược dòng Mekong để tìm hiểu vì sao con sông ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân các nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam... hiện rơi vào tình cảnh hấp hối.

Cái đập bêtông khổng lồ xám xịt chắn ngang dòng Mekong đang được hối hả hoàn thành. Hơn 8.000 công nhân đang xây dựng công trình thủy điện Xayaburi, góp phần tác động vào nguồn nước sinh tử của hàng triệu người dân Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam...

Từ thủ đô Viêng Chăn, tôi tìm đường đến thủy điện Xayaburi (người Lào còn gọi là Saynhabuly).

Không có mấy người Việt từng đến nơi này. Ngay cả dân Lào ở thủ đô cũng chẳng mấy ai đặt chân đến. Nó ở quá xa về phía bắc, nằm trong một cánh rừng rậm cách Viêng Chăn đến gần 500km.

Đặc biệt, trước sự phản ứng của dư luận quốc tế, mà đặc biệt là các nước hạ nguồn sông Mekong, công trình xây dựng thủy điện Xayaburi đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi nhiều lớp từ bên ngoài...

Tìm đường đến Xayaburi

Nhờ sự giúp đỡ của một người Việt đã từng ở Lào bảy năm và một người Lào chính gốc, tôi lên đường với tâm trạng đầy phấp phỏng không biết có được vào để quan sát con đập thủy điện nổi tiếng này hay không.

Cả hai người dẫn đường đều chưa đến đó và cũng không tự tin sẽ giúp tôi thành công.

Anh Khăm Suk, người dẫn đường Lào, thừa nhận: “Phía Việt Nam bức xúc. Cư dân Thái Lan ở khắp tám tỉnh ven sông Mekong cũng phản ứng dữ lắm. Vì vậy, chẳng ai muốn người lạ vào đó đâu”.

Chúng tôi khởi hành từ tờ mờ sáng, Khăm Suk nhờ bạn bè định hình lại tuyến đường một lần nữa. Anh bạn Việt Nam đi theo còn cẩn thận sử dụng một lúc cả mấy loại bản đồ điện tử được định vị bằng GPS.

Chỉ 500km thôi nhưng phải đến hơn 20g tối chúng tôi mới đặt chân đến trung tâm tỉnh lỵ Xayaburi. Theo lời cư dân địa phương, chỗ này chỉ còn cách công trình thủy điện khoảng 30km. Dân địa phương nói chắc nịch rằng chúng tôi không có chút cơ hội nào để vào được khu này.

Các vòng bảo vệ đã đóng kín. Lực lượng cảnh sát và quân đội Lào không cho ai ra vào nữa. Tôi tranh thủ hỏi chuyện người chủ nhà nghỉ bập bẹ được tiếng Việt về tình hình ở Xayaburi, nhưng chỉ nhận được những nụ cười và lắc đầu: “Thật tình mình cũng chưa vào trong ấy đâu. Mà vào làm gì, chỗ người ta đang đổ bêtông đắp sông ầm ầm đấy. Chẳng có gì vui vẻ đâu”...

Sáng hôm sau, chúng tôi lại xuất phát sớm. Trước khi thấy cổng thủy điện, phải băng qua một cung đèo hiểm trở dài gần 20km. Nhà thầu xây dựng đã bạt cả triền núi cao để mở đường xây dựng thủy điện chắn ngang dòng sông hùng vĩ.

Cánh rừng nguyên sinh rậm rạp của Lào ở khu vực này ngày nào đã biến mất để thay vào đó núi đồi trơ trọc, đỏ au như tứa máu dưới cái nắng Lào gay gắt đầu tháng 4.

Người ta đã hạ rừng để mở đường, lấy gỗ làm vật liệu phụ trợ xây dựng, kể cả làm nơi tái định cư cho cộng đồng dân cư tại chỗ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi công trình khổng lồ can thiệp vào thiên nhiên này.

May mắn bất ngờ

8g sáng, chúng tôi có mặt trước cái barrie thứ nhất ngăn đường vào thủy điện Xayaburi. Khăm Suk nói tiếng Lào, ra sức thương thuyết xin vào nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.

Theo quy định bảo vệ thủy điện, chúng tôi phải lùi trở lại, trình báo với đồn cảnh sát dựng ngay phía ngoài cổng gác để có được đồng ý cho vào hay không. Khăm Suk lại trổ tài thương thuyết.

Đã từng có thời gian phục vụ trong quân đội Lào, rồi phiêu bạt sang tận miền Trung Việt Nam để mưu sinh, anh ta nhanh nhạy và có nhiều kinh nghiệm với những chuyện như thế này.

Mãi vẫn chưa thấy anh quay ra, tôi và người bạn lái xe Việt Nam đã cảm nhận được sự thất vọng. Chỉ một triền núi độc đạo để có thể vào được thủy điện.

Nếu bị chặn ở đây có nghĩa là chúng tôi cầm chắc thất bại sau hành trình dài 500km đầy gian nan.

Bất ngờ, Khăm Suk đi ngược trở ra. Quanh anh còn có ba cảnh sát Lào. Một sĩ quan với hai thuộc cấp nai nịt đầy đủ vũ khí. Bất ngờ viên sĩ quan nở nụ cười chào chúng tôi: “Các anh từ Việt Nam sang à?”.

Rồi chưa kịp nhận sự trả lời, anh ta lại nói ngay mình cũng mới đi học từ Việt Nam về. “Việt Nam rất có tình nghĩa với Lào. Chúng tôi đi học bên các bạn được giúp đỡ nhiều lắm” - viên sĩ quan nói nhanh và phát âm rất chuẩn, chứng tỏ đã có thời gian dài ở Việt Nam.

Sự may mắn đến mức không thể ngờ. Chúng tôi được chấp thuận cho vào trung tâm đang xây dựng thủy điện nhưng phải bỏ lại chiếc xe riêng của mình ở bên ngoài cổng gác. Leo lên chiếc bán tải do chính một cảnh sát trực tiếp cầm lái, chúng tôi tiến sâu vào bên trong.

Chính xác như những gì chúng tôi nắm bắt từ bên ngoài. An ninh bên trong công trường thủy điện Xayaburi vô cùng nghiêm ngặt. Chúng tôi phải tiếp tục qua ba lớp cổng an ninh, có cả người mặc đồng phục của đơn vị thi công thủy điện lẫn cảnh sát đứng gác. Tuy nhiên, nhờ chúng tôi ngồi trên xe có cảnh sát lái nên không bị kiểm tra nữa.

Tiếng gầm gừ 
của dòng sông

Vài phút sau, chúng tôi đã đến sát đập thủy điện. Một công trình khổng lồ bằng bêtông xám lạnh hiện ra lừng lững trước mắt. Nó chưa được lắp một tuốcbin nào và đang mở cổng xả nước qua đập.

Sông Mekong từ phía Trung Quốc chảy xuống Bắc Lào, bị chặn ngang ở đây, đang cuồn cuộn vượt qua cổng xả. Sức nước tạo thành những cuộn xoáy khổng lồ, tung bọt trắng xóa phía sau hạ đập.

Rất nhiều xe tải ra vô và máy móc cơ giới đang hối hả làm việc nhưng vẫn không át nổi tiếng gầm gừ giận dữ của dòng Mekong tự nhiên bị thu hẹp dòng chảy ở đây.

Chúng tôi đứng lặng người nghe tiếng sông cuộn réo ở con đập mà hình dung về cái thuở nó còn tự do trôi chảy theo bà mẹ thiên nhiên tạo hóa.

Cả một đoạn sông và đôi bờ rộng hàng ngàn hecta đang là một công trình khổng lồ lọt thỏm giữa hai dãy núi cao. Viên cảnh sát lái xe kể có 8.000 công nhân, kỹ sư đang làm việc ở đây.

Ngoài công nhân Lào còn có cả người Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Nepal và các chuyên gia đến từ Đức, Pháp, Úc, Nhật Bản.

Trong đó, các công nhân Nepal làm việc nặng như đào hầm, công nhân Lào lo phần xây dựng. Ngoài độc đạo theo triền núi vào, thủy điện còn có một sân bay trực thăng để dùng trong các trường hợp khẩn cấp và đưa đón lãnh đạo cấp cao viếng thăm.

Ximăng, sắt thép từ bên ngoài chở vào, đá được khai thác từ các ngọn núi tại chỗ. Các thiết bị làm bêtông được xây dựng trên một bãi đất rộng vài hecta ngay kế con đập.

Đến thời điểm này, thủy điện Xayaburi đã bỏ lại đằng sau biết bao phản ứng của dư luận các nước và hoàn thành được gần 2/3 tiến độ công việc. Tuốcbin thứ nhất đang chuẩn bị được lắp đặt.

Trước mắt chúng tôi ở thời điểm này đập thủy điện Xayaburi đã chặn ngang hoàn toàn dòng sông Mekong và nước chỉ có thể xuống được hạ nguồn qua các cổng xả.

Tuy nhiên, người ta nói rằng khi công trình hoàn thành, sẽ mở luồng tự nhiên ở bên cạnh cho một phần nước sông chảy qua cũng như làm thủy trình cho các loài cá và thuyền nhỏ qua lại.

Theo thiết kế, đập thủy điện sẽ không bít ngang hoàn toàn con sông, mà sẽ chừa ra đường nước tự nhiên bên hông.

Và chúng tôi nhiều lần đã hỏi đi hỏi lại nếu như vậy, thủy điện khổng lồ này sẽ tác động ở mức độ cụ thể nào đến hạ nguồn sông Mekong, nhưng không hề nhận được câu trả lời rõ ràng.

Trong cái nắng nóng khủng khiếp của tháng 4 Lào, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt hàng trăm ngàn tấn bêtông đổ đầy xuống sông, dòng nước rõ ràng bị bàn tay con người can thiệp, vô vàn các loài cá, thủy sinh của dòng Mekong bị hủy diệt môi trường sống.

Các nước như Nhật, Canada, Mỹ... đã phá bỏ hàng loạt đập thủy điện từ nhiều năm nay bởi tác hại của nó quá lớn; còn dòng Mekong, vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều quốc gia đang hủy hoại tương lai!

Đập thủy điện Xayaburi đã chặn dòng nước Mekong - Ảnh: Quốc Việt
Đập thủy điện Xayaburi đã chặn dòng nước Mekong - Ảnh: Quốc Việt

Đập thủy điện Xayaburi được khởi công năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Thiết kế đập dài hơn 800m, cao 32m, công suất thủy điện 1.260 MW.

Khoảng 3,5 tỉ đôla vốn xây dựng được các ngân hàng Thái Lan đầu tư và nhà thầu chính cũng là công ty Thái. Theo kế hoạch, phần lớn thủy điện này sẽ được bán qua Thái Lan để hoàn vốn đầu tư.

Ba phóng viên Tuổi Trẻ 
“Ngược dòng Mekong đang hấp hối”

Hạ nguồn sông Mekong liên quan đến bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Con sông này đang hấp hối. Sự hấp hối của nó không chỉ do thiên nhiên như nắng hạn, El Nino mà còn có sự “tàn phá” của con người khi xây dựng đến 19 con đập trên Mekong.

Và cho dù nước có về nhiều hơn vào mùa mưa thì nó cũng hấp hối vì không cứu được các loài thủy tộc trên Mekong khi các con đập làm thay đổi môi trường sống.

Từ sự hấp hối của hạ nguồn Mekong, cuộc sống của hàng triệu người dân ra sao, các quốc gia chuẩn bị những gì để ứng phó...?

Để trả lời cho những câu hỏi này, Tuổi Trẻ đã cử ba phóng viên: Quốc Việt đến Lào, Tiến Trình sang Campuchia, Minh Trung qua Thái Lan để thực hiện tuyến bài “Ngược dòng Mekong đang hấp hối”. Mời bạn đọc theo dõi từ số báo ngày 31-3 (Biển Hồ cạn kiệt) và 1-4 (Thắt ngặt ở Kratie).

Theo QUỐC VIỆT

Cùng chuyên mục
XEM