Thương vụ sáp nhập tồi tệ nhất mọi thời đại của 2 công ty hàng đầu nước Mỹ, tổng thiệt hại lên tới 299 tỷ USD chỉ trong vài năm

22/04/2019 08:33 AM | Kinh doanh

Sự khác biệt về văn hóa lãnh đạo của hai công ty là một trong những yếu tố dẫn đến thất bại cay đắng này.

Cựu giám đốc điều hành Time Warner, Gerald Levin là người đã kí bản hợp đồng dẫn đến cuộc sáp nhập trị giá hàng trăm tỷ USD giữa AOL và Time Warner – hai công ty truyền thông và Internet hàng đầu nước Mỹ vào năm 2000.

Sự thành công của AOL

Tiền thân của AOL là GameLine, công ty cho phép người dùng thuê các trò chơi bằng bảng điều khiển thông qua hệ thống Internet sử dụng đường dây tín hiệu điện thoại.

Ý tưởng này của nhà sáng lập Bill Von Meister là một ý tưởng mang tính cách mạng vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, nó đã phá sản trước khi kịp thành công, ngay sau khi Gameline vừa ra đời. Khủng hoảng xuất hiện khiến cho giá trị ngành game chơi bằng bảng điều khiển giảm không phanh khi doanh thu trên toàn thị trường giảm tới 97% chỉ trong hai năm.

Bill rời công ty ngay sau đó nhưng giám đốc marketing Steve Case thì chưa bỏ cuộc sớm như vậy. Ông cùng các cộng sự tiến hành thay đổi các trang thiết bị của GameLine để tạo ra Quantum Link, một siêu ứng dụng Internet cho phép người dùng nhắn tin, gửi các thư mục và thậm chí là đọc báo.

Do thị trường máy tính tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kì này, Quantum trở nên cực kì thành công đến nỗi Apple đã yêu cầu công ty làm một phiên bản riêng cho dòng sản phẩm máy tính của mình.

Kết quả là Apple Link ra đời vào tháng 5 năm 1998, ba tháng sau công ty lại cho ra mắt PC-Link, phiên bản khác của Quantum Link được thiết kế cho các máy tính của IBM.

Thương vụ sáp nhập tồi tệ nhất mọi thời đại của 2 công ty hàng đầu nước Mỹ, tổng thiệt hại lên tới 299 tỷ USD chỉ trong vài năm - Ảnh 1.

Giao diện của AOL.

Sau khi có mặt trên thiết bị của những tay chơi lớn ở thị trường phần cứng, công ty bị buộc phải hủy hợp đồng với Apple vì Apple không thể chuyển dữ liệu từ server cũ của mình khi nâng cấp hệ thống. Tuy nhiên điều này lại khiến Apple phải bồi thường cho AOL lên đến 2,5 triệu USD, một số tiền khổng lồ vào thời điểm bấy giờ.

Khoản tiền nhanh chóng được Steve Case dùng để tổng hợp cả ba dịch vụ lại và tạo ra AOL - American Online vào tháng 11/1989. Công ty rất nhanh chóng nhận ra xu hướng đang lên của Microsoft và cho ra mắt AOL phiên bản dành riêng cho DOS và Window năm 1992.

Một năm sau, dịch vụ truy cập Internet trở thành nền tảng kinh doanh chính của công ty và AOL đã bắt đầu thế hệ người dùng Internet đầu tiên trên thế giới. Tháng 6/1993, AOL đạt được con số 300.000 hộ gia đình đăng kí dịch vụ, biến hãng thành công ty đứng thứ tư tại thị trường Internet băng thông rộng tại Mỹ.

Đến tháng 1/1994, lượt người đăng kí sử dụng dịch vụ của AOL đã tăng gấp đôi lên thành 600.000 hộ gia đình. Sau đó, doanh thu của hãng tăng trưởng gấp đôi sau mỗi 12 tháng trong hai năm kế tiếp. Tới cuối tháng 12/1994, AOL đã có 4 triệu người dùng.

Sau đó, một chiến dịch vô cùng thành công khác đã giúp AOL đạt được con số 15,1 triệu hộ đăng kí dịch vụ, phục vụ nhu cầu truy cập Internet của hơn một nửa dân số Mỹ.

Năm 2000, công ty đạt mốc 26 triệu người dùng và được thị trường, lúc đó đang trong cơn say và tạo nên bong bóng dotcom, định giá lên đến 165 tỷ USD. Và lúc này, một sai lầm lịch sử đã xảy ra.

Giai đoạn cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 là thời kì của bong bóng internet. Sự xuất hiện và bành trướng của AOL đã tạo ra một thế hệ mới tại Mỹ, những con người thông minh và am hiểu công nghệ. Điều này dẫn đến một xu hướng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử kinh doanh.

Phương pháp GBF- "Get big fast" ra đời và trở thành triết lí chủ đạo cho việc kinh doanh của hàng ngàn startup công nghệ thời bấy giờ. Bất cứ ai đang điều hành một công ty công nghệ lúc đó đều sẽ phải chịu áp lực ghê ghớm từ cổ đông để mở rộng hệ thống.

Điều tương tự cũng xảy ra với các công ty chuyên về sản xuất nội dung. Bất kì công ty nào cũng muốn phủ sóng nội dung để đè bẹp đối thủ, còn các công ty công nghệ hoặc kinh doanh cổng Internet lớn như Yahoo, AOL hay Excite thì lại mong có một công ty sản xuất nội dung chất lượng làm nhà cung cấp nội dung nội bộ cho người dùng của mình.

Các công ty kinh doanh trình duyệt tìm kiếm đua nhau mua lại các công ty truyền thông và chuyện cũng xảy ra y hệt ở hướng ngược lại.

Yahoo từng quyết tâm theo đuổi việc mua lại Walt Disney nhưng bất thành do bị Michael Eisner, giám đốc điều hành lúc đó của công ty từ chối. Nhưng điều này không có nghĩa là Disney chịu đứng ngoài cuộc chơi. Sau đó, họ đầu tư và mua 43% cổ phiếu của Infoseek với mức giá 70 triệu USD vào tháng 6/1998 rồi mua đứt phần còn lại với mức giá 1,7 tỷ USD một năm sau. Tuy nhiên đây lại là thất bại nặng nề về mặt tài chính của Disney vì không có chiến lược lãnh đạo phù hợp.

Thương vụ sáp nhập tồi tệ nhất mọi thời đại của 2 công ty hàng đầu nước Mỹ, tổng thiệt hại lên tới 299 tỷ USD chỉ trong vài năm - Ảnh 2.

Cựu CEO của Disney, Michael Eisner.

Mặc dù vậy, khoản lỗ hơn 1 tỷ USD của Disney chưa phải là thương vụ tồi tệ nhất ở thời điểm này mà là vụ sáp nhập của AOL và Time Warner.

Vài tháng trước khi thương vụ giữa Time Warner và AOL diễn ra, Gerald Levin và Michael Eisner, hai vị tổng giám đốc của hai công ty lớn nhất ngành truyền hình và điện ảnh của Mỹ đã họp lại với nhau và bàn về cách chống lại sự theo đuổi thâu tóm của đối thủ là các công ty trình duyệt mạng và phân phối nội dung số.

Cả hai cùng thống nhất rằng các công ty kinh doanh Internet hiện tại đều có giá trị bị đẩy quá cao. Đối với Eisner cổ phiếu của cả Yahoo và AOL đều không khác mớ giấy lộn là mấy.

Thương vụ sáp nhập tồi tệ nhất lịch sử

Thương vụ sáp nhập tồi tệ nhất mọi thời đại của 2 công ty hàng đầu nước Mỹ, tổng thiệt hại lên tới 299 tỷ USD chỉ trong vài năm - Ảnh 3.

Gerald Levin và Steve Case.

Thế nhưng bằng cách nào đó, Gerald Levin vẫn bị thuyết phục tham gia vụ sáp nhập. AOL đã chi 165 tỷ USD cho Time Warner ngay trong thời kỳ bong bóng bùng nổ. Ngay sau khi thương vụ diễn ra, Gerald Levin được bầu làm tổng giám đốc, còn Steve Case thì giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị. Khi được yêu cầu đưa ra bình luận về sự kiện này, Barry Diller, người từng là sếp cũ của Michael Eisner ở ABC nói rằng: "Gerald Levin đã chính thức trở thành người đàn ông quyền lực nhất toàn bộ ngành truyền thông đại chúng".

Nhưng Levin không giữ được cái danh đó quá lâu. Vụ tấn công ngày 11/9 đã giáng một đòn mạnh vào thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như đẩy nền kinh tế Mỹ đến bờ vực khủng hoảng.

Điều này khiến cho mục tiêu đạt 40 tỷ USD doanh thu vào cuối năm 2001 của công ty lâm vào khó khăn. Dù đã bỏ thời gian thuyết phục giới phân tích Phố wall rằng công ty sẽ đạt được KPI đề ra nhưng Levin vẫn phải chấp nhận sự thật rằng đó là điều viển vông.

Ngoài ra vì văn hóa của một công ty sản xuất nội dung thiên về sáng tạo lại không hề giống nền văn hóa của công ty viễn thông chuyên cung cấp dịch vụ Internet với công việc mang đậm tính văn phòng nên bộ máy lãnh đạo của hai công ty không hòa hợp với nhau. Sau này Levin thú nhận trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010:

"Tầm nhìn là một chuyện, nhưng thực thi nó lại là chuyện khác. Giá như ngày ấy chúng tôi tập trung đội ngũ 100 người giỏi nhất của cả hai công ty lại, rồi phân chia và xây dựng lại từ đầu một nhóm chóp bu mới, có lẽ mọi chuyện đã khác".

Trước viễn cảnh ngày càng tồi tệ, sau khi nhận tỷ lệ chống tới 22% trong cuộc họp cổ đông cuối năm 2001, Gerald Levin bị buôc phải từ chức. Nhưng như vậy cũng không giải quyết được vấn đề và công ty vẫn phải tiếp tục đón nhận sóng gió.

Năm 2002, công nghệ băng thông rộng được các đối thủ của AOL tung ra thị trường với sự vượt trội so với công nghệ Internet quay số của AOL. Người dùng Mỹ nhanh chóng đón nhận sản phẩm mới này. Bị kẹt trong mớ bòng bong phải giải quyết sau vụ sáp nhập, AOL đã không kịp phản ứng trước sự sáng tạo hủy diệt đó.

Chỉ trong một năm, AOL thiệt hại 99 tỷ USD tiền vốn còn Time Warner thì mất 200 tỷ USD giá trị cổ phiếu. Cuối cùng công ty AOL Time Warner đã phải bỏ đi chữ AOL.

Những năm sau đó là một chương buồn khi công ty liên tục bị chia nhỏ và bán cho các đối thủ cạnh tranh. Đáng chú ý nhất là việc toàn bộ tài sản của AOL được Verizon mua lại với mức giá vỏn vẹn 4,4 tỷ USD. Tới tháng 6/2018, AT&T hoàn tất việc mua lại Time Warner với mức giá 85,4 tỷ USD, đặt dấu chấm hết cho thương vụ sáp nhập tồi tệ nhất lịch sử.

Sau tất cả, toàn bộ tài sản của công ty mẹ được mua lại sau khoảng sáu vụ sáp nhập với tổng giá trị 161 tỷ USD còn Gerald Levin thì được CNN, đơn vị thuộc sở hữu của Time Warner gọi là "vị giám đốc tệ nhất trong lịch sử loài người".

Tiến Đạt

Cùng chuyên mục
XEM