Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế lớn nhất 3 thập kỷ

03/12/2017 09:28 AM | Xã hội

Sau cuộc bỏ phiếu, ông Trump viết trên Twitter rằng bản thân đang mong chờ sẽ sớm được ký vào bản thảo cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật cải cách thuế có phạm vi lớn nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây, đánh dấu chiến thắng vang dội đầu tiên của Tổng thống Trump trên con đường biến những lời cam kết khi tranh cử trở thành hiện thực.

Theo kết quả bỏ phiếu được công bố lúc gần 2h sáng nay (2/12) theo giờ Washington, dự luật được thông qua với tỷ lệ sát sao 51-49. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Trump viết trên Twitter rằng bản thân đang mong chờ sẽ sớm được ký vào bản thảo cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Để điều đó xảy ra, các nhà làm luật Mỹ cần phải giải quyết những điểm khác biệt giữa bản dự thảo vừa được Thượng viện thông qua và bản mà Hạ viện đã thông qua tháng trước.

Tiến trình này có thể bắt đầu ngay từ thứ hai tuần sau. Mặc dù 2 bản này có nhiều điểm giống nhau về các yếu tố cơ bản, có một số điều khoản cụ thể sẽ gây ra nhiều khó khăn. Sản phẩm cuối cùng sẽ trở thành vấn đề trọng tâm trong các cuộc bầu cử năm 2018, sự kiện quyết định đảng nào sẽ kiểm soát Quốc hội.

Cả Thượng viện và Hạ viện đều nhất trí giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%, nhưng Thượng viện muốn giảm thuế từ năm 2019, muộn hơn 1 năm so với ý kiến của Hạ viện. Một điểm khác biệt nữa là bản của Thượng viện chỉ giảm thuế thu nhập cá nhân đến năm 2026 chứ không phải vĩnh viễn. Cả hai bản đều dự đoán thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng thêm 1.400 tỷ USD trong 10 năm nữa vì các chính sách cải cách thuế (chưa tính đến yếu tố tăng trưởng kinh tế).

Hai bên có một chút khác biệt về mức thuế đánh vào phần lợi nhuận ở hải ngoại của các tập đoàn đa quốc gia. Hạ viện muốn đánh thuế 14% đối với lợi nhuận bằng tiền mặt và 7% đối với các tài sản kém thanh khoản hơn. Bản của Thượng viện không đề cập trực tiếp đến mức thuế suất, nhưng 1 nguồn tin thân cận cho biết con số lần lượt là 14,5% và 7,5%.

Hạ viện đề xuất giảm số nhóm phân loại đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân từ con số 7 hiện nay xuống còn 4, với mức thuế cao nhất là 39,6%. Dự luật của Thượng viện vẫn giữ 7 nhóm nhưng hạ mức thuế suất và cao nhất là 38,5%. Một số nghiên cứu cho thấy nhiều điều khoản có lợi cho nhóm những người có thu nhập cao nhất, thậm chí một số người nộp thuế thuộc tầng lớp trung lưu còn phải trả thêm tiền thuế. Đây là luận điểm có thể ảnh hưởng đến cuộc đàm phán giữa Hạ viện và Thượng viện.

Theo Thanh Thanh

Cùng chuyên mục
XEM