Thưởng Tết ngân hàng: Cao hay thấp còn tùy thuộc sếp thích hay ghét bạn?

10/01/2017 11:48 AM | Kinh doanh

Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm gần Tết âm lịch, câu chuyện lương thưởng của nhân viên các ngân hàng lại rất được quan tâm. Thông thường, khi thi tuyển vào ngân hàng, người ta thường kháo nhau: “Lương thưởng hẳn phải cao lắm đây!”.

Chính bản thân người viết cũng đã từng nghĩ như vậy, nhưng hãy cứ thử vào ngân hàng làm, “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”, câu nói này đặc biệt đúng trong trường hợp các ngân hàng.

Đăng Khôi, tốt nghiệp Học viện Ngân hàng cách đây 3 năm, đi làm tại ngân hàng thương mại cổ phần A có quy mô khá lớn, nổi tiếng với nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh hơn so với các ngân hàng khác.

Với vị trí nhân viên rồi sau này lên chuyên viên phòng truyền thông của ngân hàng, sau 3 năm, mức lương của Khôi ở khoảng mức 8 triệu – không cao hơn là mấy nếu không muốn nói là thấp hơn so với khá nhiều bạn bè làm các ngành khác sau khoảng thời gian làm việc tương đương. Tuy nhiên, ngay cả khi nói thực mức lương như vậy, nhiều bạn bè cũng không tin Khôi chỉ nhận mức đó, họ bảo rằng thưởng của ngân hàng hẳn phải rất cao.

Minh Thu, nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần thuộc top ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam, thuộc bộ phận quản lý vốn đã 5 năm. Cứ mỗi lần báo chí đưa tin ngân hàng cô thưởng đến 7,8 tháng lương là họ hàng bạn bè cứ gọi điện tới tấp. Người tốt hỏi thăm, chúc mừng, có những người tranh thủ hỏi vay luôn.

Đăng Khôi và Minh Thu cho biết, trên thực tế, con số thưởng hơn 1 trăm triệu hay 7-8 tháng lương của các ngân hàng nghe có vẻ cao, nhưng đa phần nhân viên ngân hàng có khi không được một nửa con số đó.

Theo Khôi và Thu, trong ngân hàng, lương được chia ra thành rất nhiều bậc. Ví như ở 2 ngân hàng mà các bạn đang làm việc, lương được chia thành 16 đến 18 bậc, và mức chênh từ bậc thấp lên bậc cao khi lên đến cả vài chục triệu đồng. Lương mới ra trường phổ biến ở mức 6-7 triệu đồng. Sau khi làm 5-6 năm, mức lương sẽ khoảng trên 10 triệu đồng. Những ai đi làm lâu năm cũng thừa hiểu mức lương đó cũng không cao hơn so với người đi làm các ngành khác cùng thâm niên.

Thế nhưng đối với con số thưởng mà phần đông mọi người thường hay tung hô, Khôi và Thu chia sẻ nếu người ngoài chỉ biết nhìn vào mức thưởng bình quân đó rồi bảo nhân viên ngân hàng giàu có thì quả thực rất “buồn cười”.

Bởi con số cả trăm triệu đó là mức bình quân của thưởng các sếp và kể cả nhân viên cấp thấp nhất. Trong khi mức thưởng của các sếp lên đến vài trăm triệu và hàng tỷ thì mức thưởng của hàng nghìn nhân viên trong cùng ngân hàng có khi chỉ loanh quanh trên chục triệu.

Còn theo Lê Minh, kế toán có 10 năm kinh nghiệm tại ngân hàng thương mại cổ phần khác, ngoại trừ các bộ phận kinh doanh thưởng theo doanh số và nhân viên của các chi nhánh thực sự làm ăn tốt (số đó không nhiều), những nhân viên còn lại của ngân hàng cũng không được thưởng cao như con số mà công chúng thường biết đến.

Minh cho biết nếu như cái công bố trên báo chí rằng ngân hàng A được thưởng 7 tháng lương, điều đó nghĩa là, không tính đến các sếp trưởng bộ phận, mức thưởng đó chỉ áp dụng với rất ít người trong bộ phận.

Lấy ví dụ bộ phận A có khoảng 30 người. Thông thường sẽ chỉ có khoảng 3 người trong bộ phận nhận được mức thưởng 7 tháng lương, 5 người nhận được 6 tháng lương, 5 người nhận được 5 tháng lương…cá biệt cũng sẽ có ít nhất 5 người chỉ nhận được 2 tháng lương – dù có thể họ cũng không chắc làm việc kém hơn người nhận 4-5 tháng lương.

Không tính các bộ phận kinh doanh có tiêu chí đánh giá rõ ràng dựa trên doanh số, nhiều nhân viên ngân hàng làm các bộ phận không có đủ tiêu chí đánh giá rõ ràng khác phải chịu nhiều sự ấm ức.

Lý do đơn giản là bởi vì khi đã không có tiêu chí đánh giá rõ ràng, việc nhân viên nhận được mức thưởng bao nhiêu tháng lương cũng chỉ phụ thuộc một phần vào công việc, phần còn lại tùy thuộc vào… sếp có quý người đó hay không.

Nhân viên không thể kiểm soát được cảm xúc của sếp, sếp cũng ký bản đánh giá rồi gửi thẳng đến cấp trên, vì vậy không ít trường hợp nhân viên phải “ăn Tết buồn” bởi chỉ đến khi nhận tiền thưởng trả qua tài khoản, họ mới biết được thực ra sếp đang đánh giá mình ở mức nào.

Lê Vân, một nhân viên ngân hàng đang nhận mức lương vào loại khá, khoảng 15 triệu/tháng, cho biết, nếu năm đó Vân không mắc lỗi, và không bị sếp ghét, nhìn chung cuối năm bạn sẽ nhận được thưởng trước thuế quanh mức khoảng 45 triệu đồng. Đây thực chất là số lương giữ lại được chi vào cuối năm và gọi thành "thưởng tết". Số thưởng này nếu chia trung bình ra các tháng làm việc thì thu nhập nhân viên ngân hàng như Vân cũng không phải quá xuất sắc nếu so với các ngành khác.

Câu chuyện lương thưởng ngân hàng hay doanh nghiệp nào luôn được quan tâm rất nhiều, nhưng việc hiểu cho rõ bản chất của chế độ lương thưởng đó cũng rất quan trọng để tránh cho nhiều cá nhân khỏi ảo tưởng vào ngành.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM