Thương mại và thanh toán điện tử bùng nổ, một công ty Hàn Quốc quyết định đầu tư 721 triệu USD để lắp đặt 600.000 máy POS trên khắp Việt Nam

23/07/2019 19:00 PM | Kinh doanh

Tại Việt Nam, phần lớn đặt máy POS tại các siêu thị hoặc các điểm bán có doanh số cao dẫn đến sự phân bổ máy POS chưa hợp lý. Để giải quyết vấn đề này, có thể dùng 1 máy POS dùng chung duy nhất.

Với 96 triệu dân, Việt Nam đang trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn. Thương mại điện tử Việt Nam đạt hơn 8 tỷ USD nhưng trên 90% vẫn giao dịch tiền mặt. Điểm nghẽn trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là gì? Làm thế nào để thay đổi thói quen của người dân? Đây là những câu hỏi không chỉ dành cho những nhà làm chính sách mà còn cả các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Mới đây CTCP Alliex Việt Nam quyết định đầu tư 721 triệu USD vào hạ tầng thanh toán tại Việt Nam. Theo Tổng giám đốc Park Byounggun, sau hơn 3 năm nghiên cứu, công ty này nhận thấy thị trường thanh toán của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh và internet cao là điều kiện tốt để phát triển các giải pháp thanh toán.

"Quan trọng hơn qua các buổi làm việc với Chính phủ, chúng tôi thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng tôi dự tính sẽ lắp đặt 600.000 máy POS ở Việt Nam trong vòng 5 năm tới", vị này cho biết.

Thương mại và thanh toán điện tử bùng nổ, một công ty Hàn Quốc quyết định đầu tư 721 triệu USD để lắp đặt 600.000 máy POS trên khắp Việt Nam - Ảnh 1.

Hiện tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, 80% người dân thanh toán không dùng tiền mặt, trong khi ở Việt Nam tiền mặt vẫn là thói quen khó bỏ. Theo ông Park Byounggun, trước hết cần xây dựng chính sách để khuyến khích người dân, ban đầu phải đưa ra nhiều ưu đãi để tạo thói quen cho người dùng nhưng quan trọng nhất phải tạo sự tiện lợi tối đa. Phần lớn người dùng không sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt do lo ngại độ an toàn, không kiểm soát được chi phí phát sinh.

Ngoài ra vị này còn cho biết thực tế tại Việt Nam hơn 80% các điểm bán hàng chưa lắp máy POS để người dùng có thể thanh toán. Chính việc hạ tầng thanh toán chưa chuẩn hóa nên chưa thân thiện với người dùng. Tại Hàn Quốc, có duy nhất 1 thiết bị POS dùng chung với nhiều tính năng từ quẹt thẻ đến dùng ví điện tử hay đọc mã QR.

Ông Park cũng chỉ ra ngoài ra vấn đề bảo mật thông tin thẻ là đặc biệt quan trọng. Công nghệ thanh toán thẻ chip đã được áp dụng rộng rãi và an toàn cho người dùng tại Hàn Quốc.

Thương mại và thanh toán điện tử bùng nổ, một công ty Hàn Quốc quyết định đầu tư 721 triệu USD để lắp đặt 600.000 máy POS trên khắp Việt Nam - Ảnh 2.

Đại diện Alliex cũng cho biết, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có gánh nặng về nguồn lực và chi phí đầu tư cho việc triển khai phát triển hạ tầng thanh toán. Tại Việt Nam phần lớn đặt máy POS tại các siêu thị hoặc các điểm bán có doanh số cao dẫn đến sự phân bổ máy POS chưa hợp lý. Để giải quyết vấn đề này, có thể dùng 1 máy POS dùng chung duy nhất. Điều này sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí khi đầu tư vào thiết bị. 

Đối với cơ quan quản lý có thể quản lý tập trung các giao dịch thanh toán trên một hệ thống thuận tiện cho an toàn và bảo mật. Bằng cách này Việt Nam có thể phủ rộng thiết bị thanh toán đến nhiều lĩnh vực và vùng địa lý. Đặc biệt việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển thuận lợi có thể giúp giảm thiểu thanh toán bất hợp pháp.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM