Thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh nào được người Việt chọn mua nhiều nhất trong năm 2014?

20/05/2015 09:57 AM | Thương hiệu

Unilever tỏ rõ thế mạnh của nhà sản xuất FMCG hàng đầu thế giới khi đứng đầu tại khu vực nông thôn. Trong khi đó, các DN nội cũng có những đại diện tỏa sáng là Vinamilk và Masan

Mới đây, Kantar Worldpanel đã công bố báo cáo thường niên Brand Footprint trong đố công bố top 10 nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được chọn mua nhiều nhất ở Thành thị và nông thôn Việt Nam.

Theo đó, Unilever dẫn đầu bảng xếp hạng các nhà sản xuất với các thương hiệu đang sở hữu được chọn mua nhiều nhất ở Nông thôn. Sản phẩm của nhà sản xuất FMCG toàn cầu này được chọn mua hơn 388 triệu lần một năm ở Nông thôn Việt Nam và giữ vị thế vượt trội so với các nhà sản xuất khác với mức độ thâm nhập thị trường đạt gần 100% tổng số hộ gia đình chọn mua.

Unilever sở hữu các thương hiệu dẫn đầu ở cả lĩnh vực Chăm sóc Sức khỏe và Sắc đẹp lẫn Chăm sóc Gia đình với P/S, Omo và Sunlight. Ở Thành thị, Unilever đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng, với các sản phẩm được người tiêu dùng chọn mua 57 triệu lần trong năm qua.

Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng các nhà sản xuất với các thương hiệu đang sở hữu được chọn mua nhiều nhất ở Thành thị. Nhà sản xuất các sản phẩm sữa hàng đầu trong nước sở hữu một loạt các thương hiệu thực phẩm và sữa bao gồm Vinamilk, Ông Thọ, Ngôi Sao Phương Nam, SuSu v.v…, đến được với 97% các hộ gia đình thành thị và được họ chọn mua gần 70 triệu lần trong năm 2014. Ở Nông thôn, Vinamilk giữ vị trí thứ 3, đến được với 84% hộ gia đình nông thôn và được chọn mua 215 triệu lần.

Masan giữ vị trí thứ hai ở Nông thôn và thứ ba ở Thành thị, phần lớn nhờ thương hiệu nước chấm được sử dụng rộng rãi ở các hộ gia đình Việt Nam – Nam Ngư. Masan còn sở hữu các thương hiệu thực phẩm và đồ uống lớn mạnh khác như Wake-up Café Sài Gòn và Kokomi với mức tăng trưởng ấn tượng ở Nông thôn.

Suntory PepsiCo đã tiến một bước dài, tăng lên 2 hạng và đang ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng khu vực Thành thị - Sản phẩm của Suntory PepsiCo được chọn mua hơn 22 triệu lần trong năm qua, đến được với 79% hộ gia đình Thành thị và tăng 10% về CRP, một phần nhờ việc tung sản phẩm mới – Mountain Dew – rất thành công vào cuối năm 2013.

Điểm khác biệt của bảng xếp hạng Brand Footprint ở chỗ báo cáo này cung cấp thông tin về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên thực tế chứ không dựa trên thị hiếu hay thái độ của họ đối với thương hiệu như ở các bảng xếp hạng khác.

Bảng xếp hạng được xây dựng dựa trên thước đo Điểm Tiếp Cận Người Tiêu Dùng (CRP*). Đây là một thước đo mang tính sáng tạo nhằm đo lường bao nhiêu hộ gia đình trên thế giới có chọn mua một thương hiệu (tỷ lệ hộ mua) và mức độ thường xuyên mua (tần suất mua). Thước đo này chính là đại diện chân thực nhất về sự lựa chọn của người tiêu dùng.

>> Thị trường hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng chật vật

Hoàng Vân

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM