Mai Linh lên tiếng về thương hiệu đang nhầm lẫn với HUD3

15/04/2013 16:07 PM | Thương hiệu


Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh - Chủ đầu tư dự án Golden Palace tại K1 - Mễ Trì - Hà Nội vừa lên tiếng về thương hiệu đang gây nhầm lẫn với công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3.

Công ty Mai Linh đã và đang sử dụng nhãn hiệu Golden Palace cho dự án tổ hợp Văn phòng TTTM Căn hộ cao cấp tại K1 - Mễ Trì - Hà Nội
 
Theo công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh, nhãn hiệu Golden Palace đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169540 ngày 11/08/2011, theo đó quyền sở hữu chính thức đối với nhãn hiệu này thuộc về công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh (VN), được bảo hộ đến hết ngày 11/08/2021 và có thể gia hạn.
 
Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh đã và đang sử dụng nhãn hiệu trên cho dự án tổ hợp Văn phòng - TTTM - Căn hộ cao cấp tại K1, Mễ Trì - Hà Nội. Hiện, dự án đã hoàn thiện 4 tầng hầm quy mô lớn và đang triển khai thi công phần thân. Dự án được chính thức chào bán trên thị trường từ ngày 19/05/2012.
 
Qua tìm hiểu và nghiên cứu thông tin thị trường, công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh được biết công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 cũng đang sử dụng nhãn hiệu Golden Palace cho dự án xây dựng tại số 121 - 123 Tô Hiệu - Hà Đông, thể hiện trên bức tường gắn logo Golden Palace trước Tòa nhà, website www.hud3.com.vn và các ấn phẩm in ấn quảng cáo của HUD3.
 
Để bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu của mình, công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh đã thuê văn phòng Luật sư Gia Phạm tư vấn và làm các thủ tục giám định cần thiết. Kết quả giám định qua viện Khoa học Sở hữu Trí Tuệ cho thấy các hoạt động của HUD3 đã xâm phạm quyền được bảo hộ nhãn hiệu “Golden Palace” của công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh.
 
Văn phòng Luật sư Gia Phạm được sự ủy quyền của công ty Mai Linh đã gửi yêu cầu đến công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 đề nghị phải ngay lập tức chấm dứt việc sử dụng trái phép nhãn hiệu “Golden Palace”, tháo gỡ và thu hồi tất cả các dấu hiệu “Golden Palace” trên các sản phẩm và ấn phẩm in quảng cáo của HUD3.
 
Ngày 10/04/2013, HUD3 đã chính thức xác nhận bằng văn bản hành vi vi phạm của mình và cam kết sẽ khắc phục và không tiếp tục sử dụng nhãn hiệu Golden Palace cho tên gọi của dự án xây dựng tại 121 - 123 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội.
 
Bà Nguyễn Thị Minh Hồng - Phó Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh phát biểu: “Golden Palace là dự án đầu tư tâm huyết của công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh với sự đầu tư sâu rộng. Vì vậy, chúng tôi không muốn bị nhầm lẫn với bất cứ dự án xây dựng nào khác. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng HUD3 nói riêng cũng như tổng công ty Đầu tư và phát triển Nhà Đô Thị nói chung là một thương hiệu có uy tín trên thị trường. 

Do đó tôi cho rằng HUD3 không hoàn toàn cố ý trong việc xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh. Tuy nhiên dù thế nào chăng nữa, hành động trên đã và đang làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh và tôi muốn mọi việc được dàn xếp nhanh chóng và ổn thỏa”.
 
Dự án Golden Palace của công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh có diện tích gần 2ha, bao gồm 3 tòa tháp 30 tầng nổi và 4 tầng hầm là Tổ hợp văn phòng - TTTM - căn hộ cao cấp, được thiết kế theo ý tưởng những chiếc chong chóng gió nhằm tối đa hóa ánh sáng và gió trời vào tận lõi căn hộ. Golden Palace dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao vào quý IV/2014. Hiện tại, dự án đã hoàn thành 04 tầng hầm quy mô lớn và đang triển khai xây dựng phần thân với tiến độ nhanh chóng.
 

Quy định pháp luật về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ


Điều 9 – Luật Sở hữu trí tuệ. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
 
Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
Điều 199 – Luật Sở hữu trí tuệ. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
 
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
 
2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.


 
Theo Linh Vân

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM