Thượng đỉnh Hà Nội và giấc mơ đường sắt nối bán đảo Triều Tiên với toàn châu Á

22/02/2019 16:19 PM | Xã hội

Tại nhà ga đường sắt nằm ở điểm cực Bắc của Hàn Quốc, một tấm biển viết: “Con ngựa sắt vẫn muốn chạy tiếp”...

Tại nhà ga đường sắt nằm ở điểm cực Bắc của Hàn Quốc, những đường ray đột ngột gián đoạn phía trước khu phi quân sự chia cắt hai miền bán đảo Triều Tiên. Một tấm biển viết: "Con ngựa sắt vẫn muốn chạy tiếp".

Theo hãng tin Bloomberg, điều mong mỏi viết trên tấm biển có thể trở thành sự thật nhờ cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội vào tuần tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Lạc quan thận trọng

Kết quả của cuộc gặp này, theo những gì mà giới quan sát kỳ vọng, có thể bao gồm việc Mỹ nới một số biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên để đổi lấy bước tiến của Bình Nhưỡng trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Trong đó, tuyến đường sắt đã bị trì hoãn suốt 15 năm qua có thể sẽ là một trong số những dự án liên Triều rốt cục được phê chuẩn.

Trong một cuộc điện đàm với ông Trump tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói Seoul sẵn sàng triển khai tuyến được sắt nói trên cùng các dự án kinh tế khác với Triều Tiên nếu việc đó giúp ích cho đàm phán Mỹ-Triều. Cuộc đàm phán cũng có thể bao gồm việc mở lại khu công nghiệp liên Triều Gaesong, nơi từng có hơn 120 công ty Hàn Quốc hoạt động trước khi đóng cửa vào 2016 do căng thẳng gia tăng.

"Chúng tôi đang làm tất cả mọi việc, chúng tôi sẵn sàng đi đến bất cứ đâu có cơ hội", ông Shin Han-yong, người đứng đầu hiệp hội các công ty Hàn Quốc hoạt động ở Gaesong, phát biểu. Tuy nhiên, ông Shin nói thêm rằng nhiều công ty đang tỏ ra thận trọng về khả năng liệu Mỹ-Triều có thể đạt thỏa thuận: "Mọi chuyện không tệ, nhưng cũng không nên lạc quan quá".

Kể từ khi tuyên bố dừng thử hạt nhân và tên lửa vào năm ngoái, ông Kim Jong Un đã thuyết phục thế giới dỡ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên - các biện pháp cấm đầu tư, hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu áp lên nước này.

Đến nay, ông Trump vẫn yêu cầu Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn thì trừng phạt mới được dỡ, và lập trường này được cho là khiến cuộc đàm phán giữa hai bên lâm vào bế tắc.

Lợi ích của mỗi nước

Trong vòng một năm qua, ông Kim Jong Un và ông Moon Jae-in đã có nhiều nỗ lực cho việc kết nối đường sắt giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.

Hồi tháng 12, Hàn-Triều đã đã tổ chức một buổi lễ khởi công hiện đại hóa các tuyến đường sắt ở phía Đông và phía Tây của bán đảo, tiếp đó là nghiên cứu bổ sung và lên thiết kế.

Việc kết nối đường sắt chắc chắn mang lại lợi ích cho Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc cũng muốn được kết nối với phần còn lại của châu Á bằng giao thông trên bộ, thậm chí là kết nối với "con đường tơ lụa" mới của Trung Quốc - tuyến thương mại kết nối từ Á sang Âu mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng bằng sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Dự án đường sắt liên Triều được khởi công từ 15 năm trước, nhưng bị cản trở bởi mâu thuẫn chính trị giữa hai miền và các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của nước này. Trong một thời gian ngắn cách đây một thập kỷ, Hàn Quốc có tàu chở hàng chạy tới khu công nghiệp Gaesong, nhưng căng thẳng chính trị nổi lên đã khiến dự án rơi vào trì hoãn.

Việc kết nối và hiện đại hóa hệ thống đường sắt của Triều Tiên sẽ cho phép Hàn Quốc có những đoàn tàu chạy tới Nga, Trung Quốc và xa hơn nữa, theo đó giảm chi phí vận chuyển cho nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của nước này.

Đối với Triều Tiên, cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ giúp nước này gỡ bỏ được những rào cản trong việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào.

Theo một báo cáo hồi năm 2013 của Viện Tài nguyên Triều Tiên ở Seoul, trữ lượng khoáng sản của Triều Tiên có thể đạt trị giá 6 nghìn tỷ USD. Triều Tiên dược cho là sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới, loại khoáng sản quan trọng để sản xuất động cơ xe chạy điện và nhiều thiết bị công nghệ cao.

"Dự án đường sắt này khác với những dự án trước kia, bởi không chỉ nhằm kết nối Hàn Quốc với phần còn lại của châu Á, mà còn nhằm cải thiện lĩnh vực logistic ở Triều Tiên", nhà nghiên cứu Lee Hae-jung thuộc Viện nghiên cứu Hyundai ở Seoul phát biểu. "Đường sắt và đường bộ rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế, bởi vậy mà việc giúp Triều Tiên hiện đại hóa giao thông cũng sẽ giúp đưa nền kinh tế nước này đi lên".

Không có nhiều thông tin chính thức về nền kinh tế Triều Tiên, nhưng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Triều Tiên giảm 3,5% trong 2017, còn khoảng 32,3 tỷ USD. Con số này chỉ tương đương khoảng 2% GDP của Hàn Quốc, mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư nếu Triều Tiên mở cửa.

Các công ty vẫn còn e ngại

Hệ thống đường sắt của Triều Tiên đến nay chưa có nhiều thay đổi so với thời điểm được xây dựng lại sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hệ thống này bao gồm 5 tuyến kết nối với Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Trong đó, hai tuyến kết nối với Trung Quốc là hoạt động thường xuyên nhất và có thể là hiện đại nhất.

Một thỏa thuận đường sắt liên Triều có thể mang lại lợi ích cho các công ty Hàn Quốc trong lĩnh vực này, vì các công ty Hàn Quốc có thể có vị thế cạnh tranh tốt hơn so với những đối thủ từ Trung Quốc muốn nhảy vào giành hợp đồng đường sắt ở Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều công ty đã từng thất bại trong các dự án kinh doanh ở Triều Tiên trước đây. Chẳng hạn, Hyundai Group của Hàn Quốc mở một khu nghỉ dưỡng ở núi Geumgang và khu công nghiệp Gaesong, để rồi cuối cùng Triều Tiên giành quyền kiểm soát.

Thụy Điển hiện vẫn đang chờ Triều Tiên thanh toán lô hàng 1.000 xe hơi Volvo bán cho Triều Tiên hồi thập niên 1970. Một công ty viễn thông Ai Cập hoạt động ở Triều Tiên không thể chuyển lợi nhuận về nước.

Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, đồng minh kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, cũng từng gặp rắc rối ở nước này. 

Công ty khai mỏ Xiyang Group vào năm 2007 ký hợp đồng thành lập liên doanh với Triều Tiên để chế biến 500.000 tấn quặng sắt mỗi năm. 5 năm sau đó, Bình Nhưỡng cắt cung cấp điện, nước và liên lạc đối với nhà máy liên doanh. Xiyang ra một tuyên bố chỉ trích sau khi không nhận được bồi thường.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, vẫn đang có nhiều tia hy vọng về sự tan băng. Ông Kim Jong Un hồi tháng 1 đã trực tiếp đề nghị việc nối lại hoạt động của khu công nghiệp Gaesong và khu nghỉ dưỡng Geumgang, và Mỹ cũng quan điểm sẵn sàng hơn về nới trừng phạt để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa.

Theo bà Kim Young Hui, một nhà kinh tế sinh ra tại Triều Tiên hiện làm việc tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc ở Seoul, các công ty Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu và sẵn sàng nhảy vào Triều Tiên một khi trừng phạt được nới.

"Sự hưng phấn đã giảm xuống đôi chút khi mọi thứ không diễn ra suôn sẻ, nhưng sự hy vọng lại đang nổi lên ở thời điểm này", bà Kim nhận định. "Các công ty đang âm thầm chờ xem mọi việc sẽ diễn biến ra sao".

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM