Thương chiến Mỹ - Trung dồn dập sẽ làm đảo lộn chuỗi cung ứng của Trung Quốc

06/09/2019 15:16 PM | Kinh doanh

Phát biểu tại Hội thảo "Chiến tranh thương mại leo thang - Mừng lo cho doanh nghiệp Việt" tại TP.HCM, TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng tới năm 2016, niềm tin giữa hai siêu cường Mỹ - Trung bị đổ vỡ. Mỹ đã điều chỉnh chính sách trong thời gian rất nhanh khi nghĩ rằng Trung Quốc không còn là đối tác nữa. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đánh giá sai động thái của Mỹ và phản ứng bị động trong thời gian đầu.

Trung Quốc đang là đối thủ lép vé hơn ?

Trên thực tế, trong một năm thương chiến kéo dài, việc áp thuế rơi vào một vài thời điểm nhưng chia đều từ tháng 6 đến tháng 9/2018 và từ tháng 5 đến tháng 8/2019.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, hai bên Mỹ - Trung sẽ khó đi đến thỏa thuận vào cuối năm nay hoặc qua năm 2020 vì mục đích của hai bên rất khác nhau.

Phía Mỹ chỉ đợi Trung Quốc có động thái để áp mức trả đũa hoặc trừng phạt nặng hơn nữa. Các bước đi này càng dồn dập và vượt ra ngoài tầm phán đoán.

"Tổng thống Trump không cần một thỏa thuận nếu như thỏa thuận đó không đúng trên thực tế. Nếu không ký dự thảo 150 trang (đưa ra hồi tháng 5) thì không có thỏa thuận. Tuy nhiên, dù không có thỏa thuận thì Mỹ vẫn đạt được mục đích quan trọng là tạo ra khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc để phía Trung Quốc không thể trục lợi mà bất tuân luật pháp quốc tế", ông Thành nói.

Phía Trung Quốc vốn có lợi thế trên bàn đàm phán nhờ sở hữu chuỗi cung ứng lớn đến mức không một công ty đa quốc gia nào hay chính phủ nước nào có thể gây sức ép, nhưng thương chiến sẽ làm thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng của Trung Quốc

Trong quá trình điều chỉnh chính sách, Trung Quốc muốn mở rộng không gian phát triển kinh tế mới trong nước và thông qua các nước "Vành đai con đường". Mỹ cũng không kém cạnh khi quay trở lại thị trường Nhật Bản, châu Âu.

Bằng số liệu và mô hình, TS Phạm Sỹ Thành đã chứng minh với cùng mức độ chịu thuế như nhau nhưng mức độ phục hồi của hàng xuất khẩu của Mỹ lớn hơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc, nhất là hàng công nghệ. Các công ty nhập khẩu của Mỹ đang hy sinh lợi nhuận biên của mình để giữ giá không tăng và tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Tác động của thương chiến, theo ông Thành, có thể làm đảo lộn chính sách kinh tế của Trung Quốc và khiến nhiều ngành ở Trung Quốc bị "chín ép" khi bị thúc đẩy sản lượng tăng trưởng, dễ dẫn đến nguy cơ dư thừa sản lượng, từ ngành sắt thép xi măng chuyển sang ô tô điện, năng lượng mặt trời...

Trong ngành công nghệ cao, nhiều lĩnh vực Trung Quốc còn thua cả Đài Loan và các bản quyền hay giấy phép của Huawei sẽ không có ý nghĩa gì nếu không được tham gia vào hệ sinh thái chung.

Điều đáng lưu ý là từ khi thương chiến nổ ra, Samsung gần như giảm xuất khẩu sang Trung Quốc và tăng cường xuất khẩu sang Mỹ. Điều này tuy có lợi cho Samsung nhưng không có lợi cho Việt Nam vì cán cân thương mại với Mỹ tiếp tục bị chênh lệch.

TS Phạm Sỹ Thành còn nhận định: "Dự đoán về tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ (NDT) cũng là những mô hình đầy rủi ro. Các chuyên gia hàng đầu thuộc Standard Chartered đều dự báo đồng NDT sẽ tăng giá và chúng tôi cũng nhìn thấy điều đó. Họ còn tính toán đến hết năm 2019, đồng NDT tăng lên 6,65. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi dự báo đến hết năm là 7,35 (mất giá 5,75%).

Thương chiến Mỹ - Trung dồn dập sẽ làm đảo lộn chuỗi cung ứng của Trung Quốc, niềm tự hào Huawei không có ý nghĩa nếu không tham gia vào sân chơi chung, Samsung gần như giảm xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 1.


Việt Nam sẽ bất lợi trong trung-dài hạn và cần phải cải cách mạnh mẽ

Trước thực tế leo thang và khó đoán định của cuộc chiến tranh thương mại, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng Việt Nam từ một quốc gia hưởng lợi ngắn hạn sẽ chuyển sang bất lợi trong trung và dài hạn. Theo ông, điểm rơi của kinh tế toàn cầu sẽ vào 2021-2022. Những quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam và Singapore sẽ chịu tác động lớn. Đồng tiền Việt Nam đang là đồng tiền hiếm hoi tăng mạnh làm ảnh hưởng không tốt đến hàng hóa xuất khẩu.

Nói về tham vọng thay thế hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ, ông Thành đề nghị phải xem xét tỷ trọng của mặt hàng đó với mặt hàng tương tự mà Trung Quốc đang xuất khẩu để thấy quy mô có đủ thay thế hay không và mức thuế quan hiện nay hàng hóa của Trung Quốc đang gánh chịu là bao nhiêu.

Số liệu do ông Thành cung cấp chứng minh sản phẩm liên quan đến thực phẩm chế biến mới có lợi thế này. Các sản phẩm khác khó có lợi thế hơn. Riêng ngành gỗ, dệt may tuy có thế mạnh nhưng sự cạnh tranh từ FDI rất lớn.

Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, đồng NDT giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc, góp phần tạo nên áp lực tỷ giá trong nước và hiện tượng "chuyển tải hàng hóa".

Nói về giải pháp, ông Phạm Sỹ Thành cho rằng thương chiến diễn ra sẽ là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống pháp lý. Trước hết, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để hoàn thiện việc quản lý, cung cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa (C/O), qua đó tranh thủ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cho doanh nghiệp bản địa. Tiếp theo, Việt Nam nên nâng cao việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM