Thuế tài sản với nhà ở: Tầng lớp trung lưu bị đánh vào cả động lực ở sản xuất lẫn hưởng thụ?

19/04/2018 14:01 PM | Kinh tế vĩ mô

Tại nhiều quốc gia, thuế tài sản đã được thực hiện từ lâu; nhưng với bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc thực thi loại thuế này có thể gây ra những vấn đề chưa thể đoán trước, đặc biệt với tầng lớp trung lưu.

Thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố dự thảo Luật Thuế Tài sản với 2 phương án về ngưỡng chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng với mức thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%/năm. Dù Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng nhưng dự thảo này đã gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội.

Nguyên do Bộ Tài Chính thực hiện đánh thuế tài sản?

Bộ Tài chính cho biết, việc đánh thuế tài sản là phù hợp với thông lệ quốc tế và đem lại hiệu quả cho ngân sách. Theo đó, Thuế tài sản ở các quốc gia phát triển chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng nguồn thu, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2% GDP.

Trong khi đó, cũng theo Bộ Tài Chính tình hình thâm hụt ngân sách tại Việt Nam đang ở mức báo động khi tỷ lệ nợ công/GDP 2016 là 63,71% (trần nợ công 65%). Áp lực nợ công ngày càng gia tăng vào nguồn thu nội địa với tỷ lệ chiếm 77% trên tổng nguồn thu (2016). Trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 50% vào năm 2005.

 Thuế tài sản với nhà ở: Tầng lớp trung lưu bị đánh vào cả động lực ở sản xuất lẫn hưởng thụ?  - Ảnh 1.

Nguồn : tổng cục thống kê

Cơ quan soạn dự thảo cũng nhận định, việc thực hiện thuế tài sản đem lại hiệu quả về mặt kinh tế và đảm bảo tính công bằng. Theo đó, người giàu hơn sẽ phải trả thuế nhiều hơn khi họ sở hữu nhiều tài sản hơn, nhà sang hơn, đất rộng hơn… Hơn nữa, thuế tài sản giảm thiểu khả năng đầu cơ, tăng tính minh bạch hóa thị trường bất động sản.

TS Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết: "Về lâu dài, loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, hạn chế đầu cơ đất đai, nhà ở. Đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó. Thực tế việc đầu cơ hiện nay rất nhiều, nhà đất để không quá lãng phí. Đất đai, nhà cửa phải đưa vào khai thác mới tạo ra được giá trị".

TS. Đinh Thế Hiển và Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đồng tình với quan điểm trên. Tuy nhiên, các chuyên gia này nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng của việc xem xét tính minh bạch trong thực hiện và phải điều chỉnh lại mức áp dụng thuế này phù hợp hơn trước khi thực hiện.

"Nếu đánh thuế hợp lý thì sẽ tạo ngữ cảnh tốt cho phát triển thị trường bất động sản. Người dân cần cân nhắc cụ thể hoàn cảnh của mình khi quyết định tham gia thị trường. Đầu tư trên thị trường bất động sản sẽ thực chất hơn, mang lại hiệu quả thực cho phát triển kinh tế đất nước. Giá nhà đất sẽ thấp đi, tạo năng lực cạnh tranh cao cho nền kinh tế", ông Võ nói.

Điều đáng lo ngại với tầng lớp trung lưu

Theo tuyên bố của Thủ tướng tại Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS6 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) cuối tháng 3 vừa qua: Việt Nam đang cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh để trở thành một trong những môi trường cạnh tranh và thuận lợi nhất trong các nước ASEAN, đi kèm với đó là dự kiến cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17% với một số loại hình doanh nghiệp.

Giảm thuế khuyến khích sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp, cho nên dù thuế suất giảm nhưng số thu tuyệt đối sẽ tăng. Nó đồng thời gây sức ép để thu hẹp sự cồng kềnh của bộ máy, giảm thất thoát trong mua sắm công và thúc đẩy đầu tư hiệu quả của tư nhân để thay dần cho các khoản đầu tư kém hiệu quả của Nhà nước.

 Thuế tài sản với nhà ở: Tầng lớp trung lưu bị đánh vào cả động lực ở sản xuất lẫn hưởng thụ?  - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, không giống với việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, việc thực hiện thuế tài sản sẽ không chắc đem lại hiệu quả kinh tế hay đảm bảo tính công bằng cho đời sống xã hội với tình hình hiện nay ở Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh: Thuế tài sản là loại thuế đánh cả vào vốn lẫn thành quả lao động. Theo đó, đất đai là loại vốn chiếm tỷ trọng lớn đến rất lớn trong hầu hết các hoạt động sản xuất và dịch vụ. Việc đánh thuế đất đai tăng lên nhiều lần thực chất khiến cho chi phí vốn đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, hay nói cách khác không khuyến khích đầu tư.

Thuế tài sản đối với nhà ở là loại thuế đánh vào thành quả lao động. Tất cả những người lao động chân chính đều cố gắng làm việc, tiết kiệm với kỳ vọng được hưởng thành quả lao động đó. Sở hữu nhà ở, dù to hay bé, là một trong những niềm ao ước lớn mà nhiều người Việt Nam hướng đến. Đánh thuế nhà ở không khác gì việc đánh mạnh và làm giảm động lực lao động ở cả khâu sản xuất lẫn hưởng thụ.

Thêm vào đó, việc áp dụng thuế tài sản có thể đảm bảo công bằng theo chiều ngang, tức người giàu chịu nhiều thuế hơn người nghèo, nhưng không chắc đảm bảo công bằng theo chiều dọc, tức giá trị tương đối bị lấy đi của các thành phần chịu thuế tài sản.

Trong khi những người giàu sẽ có nhiều tiền để nộp thuế nếu như họ muốn giữ lại một bất động sản thì tầng lớp trung lưu sẽ khó khăn hơn nhiều nếu họ đã về hưu hoặc khả năng lao động bị hạn chế và họ là những người bị ảnh hưởng nặng nhất. Còn với những người nghèo ở Việt Nam, họ sẽ không chịu tác động trực tiếp từ thuế tài sản, nhưng những ảnh hưởng kinh tế tiêu cực từ việc giảm quy mô đầu tư của doanh nghiệp, chi phí trở nên đắt đỏ hơn… sẽ không đem lại các tác động tích cực.

Nếu xét trong bối cảnh đất nước hiện tại, và với đề xuất về mức thuế lên tới 0,3-0,4%/năm cho nhà ở có ngưỡng chịu thuế từ 700 triệu đồng, việc thực thi Luật Thuế tài sản sẽ khó thực hiện.

Theo Lê Văn Đạo

Cùng chuyên mục
XEM