Thực tế buồn: Ở Nhật Bản, DN siêu nhỏ vẫn có thể phát triển thành Toyota, Honda; còn ở Việt Nam, DN chẳng thể lớn

28/06/2016 15:04 PM | Kinh tế vĩ mô

Nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu từ những doanh nghiệp siêu nhỏ. Toyota tiền thân là một nhà máy sản xuất máy dệt. Honda ban đầu chỉ là một nhà xưởng nhỏ. Chính phủ Nhật Bản không những không yêu cầu các doanh nghiệp này nộp thuế mà còn hỗ trợ trong đổi mới công nghệ. Còn ở Việt Nam, các khoản phải nộp cho ngân sách đang ngày một tăng, dẫn đến tình trạng 37% doanh nghiệp chịu lỗ.

Nhật Bản: Những doanh nghiệp siêu nhỏ dần trở thành Toyota, Honda

Chia sẻ về chính sách thuế của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn – Tổng cục Thuế cho rằng: Trong 30 năm qua, chính sách thuế của chúng ta đã thay đổi rất nhiều. Từ mức thuế suất doanh nghiệp tới 50%, 35%...đã giảm xuống chỉ còn mức 20% như hiện tại.

“Đó là cả một sự thay đổi rất lớn trong hệ thống chính sách. Chúng ta thấy nước Nhật khi bắt đầu áp dụng thuế PIT (thuế thu nhập cá nhân – PV) là 3%, trong vòng hơn 7 năm đã lên tới 10%, tức gấp 3 lần. Trong khi đó, chúng ta ban hành mức 5%, 10%, và từ đó đến nay vẫn giữ nguyên mức thuế suất như vậy”, ông Phụng so sánh.

Bác bỏ so sánh này, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) – chia sẻ: Hệ thống thuế của Nhật Bản bắt nguồn từ chính sách khuyến khích những doanh nghiệp nhỏ.

Toyota và Honda ngày xưa cũng rất nhỏ. Nhờ hệ thống thuế, đặc biệt là thuế khuyến khích tích lũy ban đầu, thuế đầu tư đổi mới công nghệ, chẳng những Chính phủ không yêu cầu nộp thuế mà còn trợ giúp vấn đề đổi mới công nghệ, nên nay Nhật Bản mới có những tập đoàn lớn như vậy”, ông Mại lý giải.

Tương tự, Samsung và LG của Hàn Quốc khi mới sinh ra cũng là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhờ chính sách của Chính phủ, nay các doanh nghiệp này đã ngang ngửa với Apple và các doanh nghiệp công nghệ quốc tế.

Việt Nam: Các khoản nộp ngân sách liên tục tăng, doanh nghiệp không thể lớn

Quay trở lại câu chuyện của doanh nghiệp Việt Nam, GS. TSKH Nguyễn Mại chia sẻ ông đang thực hiện một chuyên đề liên quan đến thuế suất của doanh nghiệp.

Theo các tư liệu này, từ năm 2010 – 2014, ông Mại đã vẽ lên 3 đồ thị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết quả:

- Đồ thị doanh thu: Khi lên, khi xuống. Đồ thị đi xuống vào những năm 2011 – 2012, đến 2014 mới đi lên.

- Đồ thị lợi nhuận: Giảm rất nhanh vào những 2012 – 2013, và khá hơn trong 2014.

- Đồ thị các khoản nộp ngân sách: Tăng liên tục.

“Điều đó nói lên một thực trạng là doanh nghiệp Việt Nam không thể lớn được, hoặc không chịu lớn như một số người nhận định”, ông Mại kết luận.

“Đây là con số thực tế mà tôi nghĩ chính sách thuế của chúng ta chỉ là tuyên truyền giảm bao nhiêu, bớt bao nhiêu giờ nộp thuế, mà không xuất phát từ một tư tưởng chỉ đạo là làm thế nào để hệ thống 500.000 doanh nghiệp hiện nay lớn dần lên. Tích lũy ban đầu của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng”.

6 tháng đầu năm 2016, vốn đăng ký trung bình của mỗi doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn 7,5 tỷ đồng – một con số hết sức nhỏ. Trong khi đó, xét tình hình kết quả kinh doanh, có tới 37% doanh nghiệp lỗ.

“Sao chúng ta không thực hiện một hệ thống thuế từ thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trên tinh thần dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có một khoảng thời gian đủ dài, chừng 5 - 10 năm, để tích lũy lớn lên, sau thời gian ấy mới thu thuế nhiều hơn?”, ông Mại khuyến nghị.

Từng là nhà đầu tư nước ngoài, tôi tự hỏi tại sao Chính phủ có thể cho các nhà đầu tư nước ngoài 50 năm với thuế suất 10%, miễn thuế trong 7 năm đầu, giảm 50% thuế trong vài năm tiếp theo mà không thể đối xử với doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ với chính sách như vậy?”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM